Phụ nữ Bản Liền giữ nghề làm nón lá cọ

06/04/2023 16:13
Phụ nữ Bản Liền duy trì và giữ nghề làm nón lá cọ

Phụ nữ Bản Liền duy trì và giữ nghề làm nón lá cọ

Nón lá cọ được người dân tại xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, Lào Cai) sử dụng lâu đời. Chiếc nón lá là vật không thể thiếu trong cuộc sống người Tày ở xã Bản Liền.

Nón theo chân các bà, các chị lên nương hái chè, trong những buổi lao động sản xuất. Nón không chỉ là một vật che mưa, che nắng mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. 

Nón có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi của phụ nữ dân tộc Tày, ngoài các lễ vật như: Chăn, màn, chiếu… thì chiếc nón được cô dâu đem theo về nhà chồng với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con. Bởi người Tày quan niệm, chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai, là ngụ ý muốn chăm sóc người con trai đến “đầu bạc, răng long”.

Cách đây 5 năm, ở xã Bản Liền chỉ còn khoảng 4 hộ còn làm nón lá cọ. Nón làm ra được bán tại chợ phiên của xã và chợ trung tâm huyện Bắc Hà. Những người biết làm nón lá cọ đều là những bà lão trên 70 tuổi. Với độ khó và sức khoẻ của họ, phải mất từ 2 đến 3 ngày mới hoàn thành một chiếc nón.

Nhằm phát triển và gìn giữ nét đẹp truyền thống của chị em phụ nữ dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong những năm qua, cấp ủy, địa phương đã chỉ đạo thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích tham gia làm nón lá cọ để phục vụ đời sống cũng như phát triển dịch vụ du lịch và giao cho Hội LHPN xã quản lý.

Phụ nữ Bản Liền duy trì và giữ nghề làm nón lá cọ - Ảnh 1.

Tổ đan lát nón lá cọ tại xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)

Năm 2020, Hội LHPN xã Bản Liền phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Du lịch cộng đồng mở các lớp truyền dạy nghề cho 32 hội viên phụ nữ thuộc các thôn Đội 2, Đội 3, Đội 4 và thôn Pắc Kẹ nhằm lưu giữ nghề truyền thống. Hiện tại, trên địa bàn xã Bản Liền đã có khoảng 61 hội viên, phụ nữ Tày đã biết đan nón thành thạo; các sản phẩm làm ra được bán ra thị trường với giá từ 50 đến 120 nghìn đồng/chiếc, tùy loại to hoặc nhỏ. Người dân Bắc Hà dựa vào làm nông và chăn nuôi là chính, ngoài ra còn có nghề trồng chè. Việc làm nón lá cọ chủ yếu được thực hiện vào thời gian rảnh rỗi.

Chị Vàng Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, chia sẻ: "Trước kia chị em phụ nữ giữ được nghề này rất ít, sợ mai một không còn nghề nữa nên chúng tôi mở lớp học này. Mong muốn cho chị em hội viên học được nghề để tăng thu nhập cho bản thân và tạo sự tự tin cho phụ nữ. Tôi vận động bà con, hội viên giữ nghề truyền thống để thu hút khách du lịch đến với Bản Liền và tăng thêm thu nhập cho bà con".

Để có một chiếc nón cọ đẹp, người làm phải chọn những chiếc lá đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cần thiết cho chiếc lá, tiếp đó mới đến công đoạn cắt thớ lá và ép phẳng rồi mới đan nón. Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao. Khi đan, người làm cần khéo tay để tránh lá bị rách hoặc chia lá không đều khiến khó đan.

Phụ nữ Bản Liền duy trì và giữ nghề làm nón lá cọ - Ảnh 2.

Nón lá của người Tày ở Bản Liền được làm từ lá cọ nguyên bản.

Khâu khó nhất khi làm nón là bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp khít vào nhau rồi khâu lại. Nếu như người Kinh có khung sẵn để chằm lá thì nón Bản Liền hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của người làm. Nón lá của người Tày ở Bản Liền được làm bằng tàu lá cọ nguyên bản, không phơi khô, không làm trắng. Chính cái mộc mạc đó càng tôn lên sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ Tày.

Chỉ khâu ngày xưa được dùng bằng sợi đay, ngày nay đã có dây cước vừa chắc chắn, vừa tạo được mũi khâu đẹp. Công đoạn sau cùng và quan trọng nhất là bảo quản chiếc nón sao cho được bền, bà con thường treo trên gác bếp để tránh mục, mọt rồi mới đưa ra sử dụng.

Phụ nữ Bản Liền duy trì và giữ nghề làm nón lá cọ - Ảnh 3.

Phụ nữ Bản Liền tỉ mỉ làm ra những chiếc nón lá cọ truyền thống của dân tộc Tày

Chị Vàng Thị Ngoạn ở thôn Đội 4, xã Bản Liền, là một trong số ít những người trẻ tuổi thành thạo nghề làm nón lá. Đam mê với truyền thống của dân tộc, chị Ngoạn đã theo học nghề từ các bậc cao niên trong xã, trước là để đan nón phục vụ sinh hoạt trong gia đình, sau là để chị em trong thôn cùng học, cùng biết. "Đi chợ, thấy người già làm nón, tôi cũng thích và muốn học để làm theo. Để làm được chiếc nón lá cọ rất khó nhưng học từ từ cũng sẽ làm được", chị Ngoạn chia sẻ.

Trong quá trình lưu giữ nghề làm nón lá cọ, hội viên, phụ nữ xã Bản Liền đã gặp một số khó khăn như nguyên liệu làm nón lá cọ chưa đáp ứng về số lượng, sản phẩm làm ra chưa đủ cung ứng ra thị trường. Việc làm nón lá cọ chủ yếu được thực hiện vào thời gian rảnh rỗi chưa thực sự là nghề để phát triển kinh tế. Thời gian tới, Hội LHPN xã Bản Liền sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch duy trì, phát triển và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm đến với du khách.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở xã Bản Liền được đánh thức tiềm năng và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy, nón lá cọ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà dần trở thành sản phẩm làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc văn hóa đối với du khách. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nón lá cọ của người Tày ở Bản Liền có cơ hội được quảng bá rộng rãi hơn, đồng thời tiếp thêm động lực để những hội viên phụ nữ nơi đây kiên trì gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.