Phụ nữ dân tộc thiểu số tìm “đầu ra” cho đặc sản địa phương qua thương mại điện tử

10/10/2022 18:27
Chị Trương Thị Niệm bên vườn cam sành đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: BL

Chị Trương Thị Niệm bên vườn cam sành đạt chuẩn VietGAP. Ảnh: BL

Để đa dạng hoá “đầu ra” cho sản phẩm cam sành, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã tìm đến thương mại điện tử, dần làm quen với việc bán hàng qua các trang mạng xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đưa cam sành lên "chợ online"

Sau bao mùa cam bấp bênh theo điệp khúc "được mùa, mất giá", Trương Thị Niệm, sinh năm 1988, thấy trăn trở, suy nghĩ. Bà con người Dao như gia đình Niệm sống tại thôn Giàn Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đã nhiều năm trồng cam sành, vui buồn cùng mỗi vụ thu hoạch loại đặc sản này của quê hương.

Chị Niệm cho biết, dù cam sành Hà Giang đã có thương hiệu nhưng làm sao để cam có chỗ đứng trên thị trường và "đầu ra" ổn định là "bài toán" khó. Có những năm thời tiết khắc nghiệt khiến 4ha cam sành của nhà chị đến ngày thu hoạch bị rụng đến vàng ủng cả sườn đồi. Cũng có năm cam được mùa vàng ươm cả bản làng nhưng người trồng lại khóc hết nước mắt vì giá cam giảm thê thảm, tiền bán không đủ trả tiền công thu hoạch.

Chị Niệm suy nghĩ, giá cam tăng giảm thất thường phần nhiều là do "đầu ra" của sản phẩm không ổn định, lại phụ thuộc vào thương lái. Muốn sản phẩm có thể đi xa, trước tiên chất lượng phải đảm bảo, vì vậy chị không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chị Niệm bắt tay vào cải tạo vườn cam rộng trên 4 ha bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, xây dựng vườn cam đạt chuẩn VietGAP.

Có được sản phẩm chất lượng, chị thường xuyên tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng. Vụ cam năm vừa qua, gia đình chị thu trên 40 tấn cam sành, khoảng 20 tấn cam vàng.

Để đa dạng kênh phân phối, chị Niệm bắt đầu làm quen với hoạt động kinh doanh online. Mạng wifi, 3G đã về tới thôn bản nên chị em người dân tộc thiểu số nơi đây bắt đầu tiếp cận với thương mại điện tử. Chị em biết dùng mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng, "đầu ra" cho đặc sản quê hương. Chị Niệm cho biết: "Nhiều đơn hàng của tôi được đặt qua mạng xã hội. Tôi đã được tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và đang từng bước áp dụng cho sản phẩm cam sành. Đây là một trong những hướng đi mở ra cơ hội để quảng bá sản phẩm đến đông đảo người dân".

Giảm phụ thuộc vào thương lái

Tại "Hội thảo giải pháp về khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững cam sành Hà Giang" được tổ chức mới đây, UBND huyện Bắc Quang cho biết, địa bàn huyện có trên 4.800 ha cam, trong đó, cam sành chiếm 64,1%, năng suất bình quân đạt 12,6 tấn/ha. Cam sành đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của huyện, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho các nhà vườn.

Tuy nhiên, công tác phát triển chú trọng đến năng suất, sản lượng, chưa có nhiều thông tin về thị trường tiêu thụ. Những năm trước, phần lớn cam được tiêu thụ thông qua thương lái thu mua tại vườn và phân phối tại các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh (khoảng 70%). Còn lại, cam được đưa vào hệ thống siêu thị và thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (khoảng 30%).

Để mở rộng thị trường, UBND tỉnh Hà Giang cho biết, các ngành chức năng trên địa bàn chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng các kênh tiêu thụ, bao gồm các thị trường truyền thống và sàn giao dịch điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên nền tảng truyền thông số, trong đó lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam Hà Giang. 

Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ trồng cam khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống siêu thị... ; chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ các niên vụ trước và các sàn thương mại điện tử để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hằng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8% - 10%.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.