Phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại hội nghị giám mục Công giáo

29/04/2023 09:00
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cho phép phụ nữ bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10/2023

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cho phép phụ nữ bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10/2023

Giáo hoàng sẽ cho phép phụ nữ tham gia và bỏ phiếu lần đầu tiên tại hội nghị sắp tới của các giám mục Công giáo vào tháng 10/2023.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cho phép phụ nữ bỏ phiếu tại hội nghị sắp tới của giám mục Công giáo - Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10. Trước đây, phụ nữ được phép tham gia Thượng Hội đồng nhưng với tư cách dự thính và không có quyền bỏ phiếu. Đây là một cải cách lịch sử phản ánh hy vọng của Đức Giáo hoàng là trao cho phụ nữ những quyền ra quyết định quan trọng hơn và cho phép giáo dân có tiếng nói hơn trong đời sống Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Phanxicô đã thông qua các thay đổi về quy tắc điều hành Thượng Hội đồng Giám mục, một cơ quan ở Vatican tập hợp các giám mục trên toàn thế giới trong các cuộc họp định kỳ, sau nhiều năm phụ nữ đòi quyền bỏ phiếu.

Hôm thứ Tư (26/4), Vatican đã công bố các sửa đổi được Đức Phanxicô phê duyệt, nhấn mạnh tầm nhìn của ngài về vai trò của giáo dân trong các vấn đề của Giáo hội, vai trò mà lâu nay được giao cho các linh mục, giám mục và các vị Hồng y.

Các nhóm phụ nữ Công giáo ngợi ca động thái này như một cột mốc quan trọng trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội. "Đây là một động thái quan trọng trong quá trình phá vỡ "những rào cản vô hình" của phụ nữ Công giáo và là kết quả của sự đấu tranh, hoạt động tích cực cũng như chứng nhân cho chiến dịch của các nhóm phụ nữ Công giáo đòi quyền bỏ phiếu", Kate McElwee thuộc Hội nghị Truyền chức Phụ nữ, một nhóm ủng hộ phụ nữ làm linh mục, nói.

Kể từ Công đồng Vaticano II, các hội nghị của thập niên 1960 nhằm hiện đại hóa giáo hội, các giáo hoàng đã triệu tập giám mục trên thế giới đến Roma (Italy) để thảo luận các chủ đề cụ thể. Cuối hội nghị, giám mục bỏ phiếu về các đề xuất cụ thể và đệ trình chúng lên giáo hoàng.

Cho đến nay, những người duy nhất được bỏ phiếu tại hội nghị là nam giới. Tuy nhiên, theo thay đổi mới, cả phụ nữ và các thành viên không phải là giám mục sẽ tham gia quá trình bỏ phiếu. Cụ thể, năm nữ tu sẽ cùng năm linh mục làm đại diện bỏ phiếu cho các dòng tu, và 70 thành viên không phải là giám mục sẽ được bổ nhiệm, với một nửa trong số họ là phụ nữ. Các thành viên không phải là giám mục sẽ được đề xuất bởi các khối khu vực, và Đức Phanxicô sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm họ.

"Đó là một thay đổi quan trọng, không phải là một cuộc cách mạng", Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich thuộc Thượng Hội đồng Giám mục, cho biết.

Hội nghị sắp tới, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, tập trung vào chủ đề làm thế nào để Giáo hội có thể phản ánh và đáp ứng hơn với giáo dân, một quá trình được gọi là "tính hiệp hành" mà Đức Phanxicô đã ủng hộ trong nhiều năm.

Phụ nữ được quyền bỏ phiếu tại hội nghị giám mục Công giáo - Ảnh 1.

Các nhóm phụ nữ Công giáo ngợi ca quyết định cho phép phụ nữ bỏ phiếu tại hội nghị sắp tới của giám mục Công giáo - Thượng Hội đồng Giám mục như một cột mốc quan trọng trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội.

Hội nghị tháng vào 10 đã được chuẩn bị và thúc đẩy trong hai năm qua, hướng tới tầm nhìn của giáo dân Công giáo về nhà thờ và cách thức nó có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Công giáo ngày nay.

Cho đến nay, chỉ có một phụ nữ được biết đến là thành viên có quyền bỏ phiếu trong hội nghị vào tháng 10 sắp tới. Đó là Sơ Nathalie Becquart, một nữ tu Pháp, là thứ trưởng trong văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục của Vatican. Khi được bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2021, bà đã gọi động thái của Đức Giáo hoàng là "dũng cảm" vì góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ.

Vào cuối tháng tới, bảy khối vùng sẽ đề xuất mỗi khối 20 thành viên không phải giám mục cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài sẽ lựa chọn 10 tên cho mỗi khối để nâng tổng số lên 70.

Đức Hồng Y Mario Grech, người phụ trách thượng hội đồng, nhấn mạnh rằng với những thay đổi mới, khoảng 21% đại diện tại hội nghị tháng 10 sẽ không phải là giám mục, với một nửa trong số đó là phụ nữ.

Mặc dù có những thay đổi trong cấu trúc của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng quyền lực phần lớn vẫn sẽ nằm trong tay các giám mục. Hollerich nói với phóng viên: "Thay đổi là điều bình thường trong cuộc sống và lịch sử. Đôi khi có những cuộc cách mạng trong lịch sử, nhưng các cuộc cách mạng đều có nạn nhân. Chúng tôi không muốn có nạn nhân", ngài nói và gợi ý rằng trong khi những thay đổi có thể tích cực, thì cũng có thể có những hậu quả tiêu cực đối với một số cá nhân hoặc nhóm.

Catholic Women's Ordination (CWO), một nhóm có trụ sở tại Anh tuyên bố rằng họ nỗ lực chống lại kỳ thị phụ nữ trong nhà thờ, hoan nghênh cuộc cải cách nhưng yêu cầu nhiều hơn nữa.

"CWO muốn minh bạch, và giáo dân được bầu chọn từ các giáo phận chứ không phải do hệ thống cấp bậc lựa chọn, nhưng đó là một sự khởi đầu!", Pat Brown của CWO cho biết.

Hollerich từ chối cho biết thành viên nữ của hội nghị sẽ được gọi như thế nào, vì những thành viên nam được gọi là "cha của hội nghị". Khi được hỏi liệu phụ nữ có được gọi là "mẹ của hội nghị" hay không, ông trả lời rằng điều đó tùy thuộc vào quyết định của phụ nữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã duy trì lệnh cấm của Giáo hội Công giáo về việc cho phụ nữ làm linh mục, nhưng đã làm nhiều hơn bất kỳ giáo hoàng nào trong thời gian gần đây để trao cho phụ nữ tiếng nói có tầm ảnh hưởng hơn trong các vai trò ra quyết định trong nhà thờ.

Tháng 3/2022, Giáo hoàng Phanxicô đưa ra một cải cách mang tính bước ngoặt cho phép bất kỳ giáo dân nào đã được rửa tội, kể cả phụ nữ, có thể đứng đầu hầu hết các cơ quan của Vatican.

Tháng 7/2022, ngài đã bổ nhiệm 3 phụ nữ vào ủy ban cố vấn trong việc lựa chọn các giám mục thế giới. Họ là sơ Raffaella Petrini, người Italy, Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Thành Vatican, sơ Yvonne Reungoat, cựu bề trên tổng quyền của Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ và Maria Lia Zervino, chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (UMOFC).

Nguồn: AP News, Reuters

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.