Phụ nữ Tày phát triển du lịch cộng đồng ở “Hạ Long giữa đại ngàn”

13/09/2023 07:13
Hòn Cọc Vài trên hồ thủy điện Na Hang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang)

Hòn Cọc Vài trên hồ thủy điện Na Hang (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang)

Những người phụ nữ dân tộc Tày ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) trước đây vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp thì nay đã bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tận dụng hồ thủy điện Na Hang với diện tích mặt nước hơn 80.000 ha, quanh năm trong xanh, cùng với những dãy núi hùng vĩ, người dân huyện Lâm Bình đã biến nơi đây thành "Hạ Long giữa đại ngàn". 

Người Tày ở huyện Lâm Bình có dân số khá đông. Họ vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có những nếp nhà sàn truyền thống. Từ năm 2018, UBND huyện Lâm Bình đã xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Lãnh đạo huyện đã mời đơn vị tư vấn về tập huấn cho người dân, tổ chức đưa người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương có kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, trong vòng một năm, mô hình du lịch cộng đồng ở Lâm Bình đã hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động.

Bà Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình, cho biết: "Những ngày đầu làm du lịch, cả cán bộ và người dân đều bỡ ngỡ nhưng chúng tôi quyết tâm làm bằng được. Vào ngày nghỉ, cán bộ huyện vẫn hỗ trợ người dân đón tiếp khách du lịch. Chúng tôi tổ chức nhiều đợt quảng bá, giới thiệu điểm du lịch Lâm Bình, đồng thời tìm nguồn hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng homestay, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân".

Những ngày đầu học cách làm du lịch cũng lắm gian nan, từ việc gấp chăn, màn, dọn phòng lưu trú đến nấu ăn, pha nước… chị em đều phải học hỏi từng li từng tý. Bà Triệu Thị Xướng, chủ cơ sở homestay Hoàng Tuấn (ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm), cho biết: "Lúc mới làm du lịch, tôi cũng rất đắn đo nhưng sau khi được sự động viên của lãnh đạo huyện, gia đình tôi quyết tâm đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, học hỏi kinh nghiệm rồi làm dần cũng quen".

Điểm khác biệt trong chương trình phát triển du lịch của huyện Lâm Bình là không tập trung tất cả các homestay ở một bản hay một xã mà bố trí phân tán. Bên cạnh các gia đình làm homestay, các hộ dân khác sẽ tham gia chuỗi dịch vụ du lịch với các dịch vụ: Chở thuyền, nấu ăn, tham gia đội văn nghệ… Tất cả các gia đình làm du lịch đều tuân thủ các quy định, quy chế về thái độ phục vụ, về giá cả dịch vụ. Cảnh quan, môi trường sinh thái ở làng, bản cũng được giữ vệ sinh, bài trí đúng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

Là người phụ trách chương trình xây dựng phát triển du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết: "Khi huyện tổ chức xây dựng phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi xác định, ngoài cảnh quan thiên nhiên thì phải tận dụng những giá trị văn hóa truyền thống làm cốt lõi, từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch mang giá trị bản sắc của địa phương như lễ hội, dân ca, dân vũ... Hiện nay, những sản phẩm du lịch này được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao khi đến với Lâm Bình".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.