Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người

Hải Linh, Ảnh: BĐBP
30/07/2022 - 14:23
Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người

Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi bên lề buổi Tọa đàm

Sáng 30/7, tại TP Sơn La, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm “Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người”.

Tội phạm mua bán người ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo thống kê của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ/42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân. Riêng tháng 7/2022 - Tháng hành động Phòng chống mua bán người, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15 vụ/8 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 33 nạn nhân. Điển hình như: Chuyên án GL622/BĐBP Gia Lai triệt phá đường dây mua bán người đưa sang nước láng giềng bóc lột, cưỡng bức lao động; đồng thời giải cứu 7 nạn nhân từ nước này về Việt Nam.

Hay chuyên án HP722/BĐBP Hải Phòng triệt phá đường dây mua bán người nhằm bóc lột tình dục trong các cơ sở giải trí trá hình; đồng thời, kịp giải cứu 2 nạn nhân đang bị các đối tượng trên đường đưa đi nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 1.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, phát biểu chào mừng

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận định: Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng, bao gồm những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới người nhà nạn nhân sinh sống và định cư ở nước ngoài và thậm chí là nạn nhân của các vụ mua bán người trước.

Có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh… Hoặc lợi dụng hình thức thăm thân, du lịch hoặc tổ chức các đường dây xuất cảnh trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ rồi đưa đến các cơ sở lao động cưỡng bức…  

Bên cạnh đó, tình hình di dịch cư tự do, tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh xuất nhập cảnh trái phép sang các nước tiếp giáp, các nước trong khu vực, thậm chí sang các nước châu Âu, châu Mỹ cũng diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số nạn nhân và mức độ nghiêm trọng.

Từ năm 2019 đến nay, do tình hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nên số công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép về nước cũng như số công dân bị nước ngoài trục xuất tăng. Lực lượng chức năng các tỉnh, thành đã trực tiếp xác minh hơn 100.000 trường hợp công dân Việt Nam lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị trục xuất về Việt Nam.

Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 2.

Bà Vì Thị Bình, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, tham dự buổi Tọa đàm

"Tình hình mua bán người trong nước cũng diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động lừa gạt, cưỡng bức lao động trên biển tại các tỉnh tuyến biển phía Nam, nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu và mua bán người để ép hoạt động mại dâm trong các cơ sở giải trí trá hình" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện bày tỏ quan ngại.

Nạn nhân còn gặp khó khăn khi tiếp cận các hỗ trợ sau khi được giải cứu

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều có chung nhận định, gần đây nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng "chiêu bài" quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động "việc nhẹ lương cao". Sau đó đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), bị ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ. Số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc. Tình hình trên đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để lại hệ lụy rất lớn cho người dân, gia đình và xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới, trao đổi tại toạ đàm, Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Giang cho rằng: Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với công tác phòng, chống mua bán người; cần phải xác định rõ công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống mua bán người.

Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông, Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH, tham gia buổi Tọa đàm

Cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, hạn chế thấp nhất điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.

Nhận định từ thực tế, ông Nguyễn Quốc Nam, Trưởng bộ phận quan hệ chính phủ (IOM) chia sẻ: "Trong quá trình phối hợp hỗ trợ nạn nhân, chúng tôi thấy các nạn nhân còn có khó khăn nhất định với việc tiếp cận các hỗ trợ. Do đó, những thủ tục hành chính cần tinh giản hơn và nếu được, thực hiện trên các cổng hành chính công và áp dụng nền tảng công nghệ để nạn nhân cảm thấy thoải mái và có sự riêng tư cần thiết. Khi liên quan tới việc hồi hương cho các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, các thủ tục cấp lại hộ chiếu cần nhanh gọn hơn để giảm bớt thời gian chờ đợi của họ".

Hầu hết các đại biểu, khách mời tại Toạ đàm đều cho rằng, cần khuyến khích và huy động các nguồn hỗ trợ từ xã hội, cộng đồng cho việc hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt cho các hoạt động tạo thu nhập trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm