Rằm Tháng Giêng: Lễ cầu an chuyển sang hình thức trực tuyến

Anh Quân
22/02/2021 - 15:55
Rằm Tháng Giêng: Lễ cầu an chuyển sang hình thức trực tuyến

Đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an được thực hiện tại chùa Yên Tử và phát trực tiếp trên trang fanpage Chùa Yên Tử để tăng ni, Phật tử và nhân dân vẫn được theo dõi, tham dự các hoạt động văn hóa tâm linh. Ảnh: Chùa Yên Tử

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều chùa và các cơ sở thừa tự trên cả nước đã tổ chức các khóa lễ cầu an theo hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Rằm tháng Giêng hàng năm là dịp Phật Tử, người dân đến tham gia đại lễ cầu an tại các ngôi chùa khắp mọi nơi trên toàn quốc. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều chùa lớn đã ra thông bảo chuyển đại lễ cầu an tại chùa sang hình thức trực tuyến để đám bảo các yêu cầu phòng chống dịch.

Lễ cầu an tuân thủ quy định 5K phòng chống dịch

Tại Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, lễ khai hội xuân Yên Tử là lễ hội xuân truyền thống được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm. Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, lễ khai hội không có sự tham gia của hàng vạn tăng ni, Phật tử và nhân dân mọi miền mà hạn chế số người tham dự theo quy định (dưới 20 người). Các nghi thức dâng hương, lễ Phật, đóng dấu thiêng Yên Tử… vẫn diễn ra đầy đủ, ngắn gọn và trang nghiêm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tối ngày mùng 9 tháng giêng, Đại lễ cúng Phật, cúng Tổ, trì tụng kinh Dược Sư và nhiễu tháp Phật hoàng cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ tại chùa Hoa Yên, tháp Tổ diễn ra theo hình thức trực tuyến, phát trực tiếp trên trang fanpage Chùa Yên Tử để tăng ni, Phật tử và nhân dân vẫn được theo dõi, tham dự các hoạt động văn hóa tâm linh.

Rằm Tháng Giêng: Lễ cầu an chuyển sang hình thức trực tuyến  - Ảnh 1.

Đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an được thực hiện tại chùa Yên Tử và phát trực tiếp trên trang fanpage Chùa Yên Tử để tăng ni, Phật tử và nhân dân vẫn được theo dõi, tham dự các hoạt động văn hóa tâm linh. Ảnh: Chùa Yên Tử

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, các di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đều tạm dừng hoạt động lễ hội, không đón khách tham quan để đảm bảo an toàn phòng dịch. Mùa lễ hội đầu xuân năm nay, các nghi lễ tâm linh đều được thực hiện nội bộ với nhiều điểm khác biệt mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) thông báo Đại lễ cầu an sẽ được nhà chùa tổ chức vào 20 giờ ngày 25/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Tân Sửu). Buổi lễ sẽ diễn ra trực tuyến và được đăng tải trên các kênh Facebook, youtube để phật tử cả nước tham gia, theo dõi. Nghi lễ diễn ra trong khoảng 1 giờ do các sư cử hành khóa lễ. Khóa lễ cầu an của các gia đình cũng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến. Những người đã đăng ký đến lễ tạ và nhận lộc sau ngày 14 tháng Giêng.

Rằm Tháng Giêng: Lễ cầu an chuyển sang hình thức trực tuyến  - Ảnh 2.

Thông báo của chùa Phúc Khánh (Hà Nội) về việc tổ chức đại lễ cầu an trực tuyến

Tham gia đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến không phải là quá mới mẻ với các Phật tử và người dân. Chị Lý Minh Tâm (Q. Đống Đa, Hà Nội) và gia đình đã tham dự lễ cầu an trực tuyến vào dịp rằm tháng Bảy năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, hạn chế đến chỗ đông người là cách tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Theo chị Tâm, tụng kinh, niệm Phật ở đâu cũng không quan trọng bằng việc hướng thiện, tích đức cho mình, cho đời. 

Đa dạng hình thức tham gia lễ cầu an trực tuyến

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn số 30/HĐTS-VP1 gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện về việc cầu nguyện Quốc thái dân an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Tân Sửu 2021.

Rằm Tháng Giêng: Lễ cầu an chuyển sang hình thức trực tuyến  - Ảnh 3.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị toàn thể Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để cầu nguyện Quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội trong năm mới Tân Sửu.

Hiện nay, có đa dạng hình thức online phát các khóa lễ cầu an trực tuyến, phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như: Giác Ngộ Online, Phatgiao.org.vn, Phật sự Online, Mạng xã hội Butta.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân. Việc tham dự các khóa lễ cầu an trực tuyến vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa là dịp được nghe những bài pháp của đức Phật, cùng cầu nguyện cho một năm an lành, hạnh phúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm