Sắc bùa Mường - Lễ hội kết nối gia đình, cộng đồng

24/05/2021 16:24
Phường Sắc bùa đến thăm một gia đình trong bản

Phường Sắc bùa đến thăm một gia đình trong bản

Hội Sắc bùa là một loại hình văn hóa tiêu biểu, mang hồn cốt dân tộc Mường.

Hội Sắc bùa là lễ hội lớn của dân tộc Mường, diễn ra hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của người Mường (gần với Tết Nguyên đán của người Kinh). Hội Sắc bùa gắn với một số nghi lễ trong nông nghiệp nhằm cầu mong một năm mới phát tài, thịnh vượng, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, mọi người có nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.

Ý nghĩa Sắc bùa Mường

Sắc bùa Mường hay "phường Xắc bùa", "phường chúc" là loại hình hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống của đồng bào Mường. "Sắc bùa", tiếng Mường có nghĩa là "xách cồng". Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, "sắc bùa" còn có nghĩa là "phép thuật". Bùa là "bùa phép". Nội hàm của "sắc bùa" còn hàm chứa những ý nghĩa hiện thực đời sống như một phương tiện văn hóa màu nhiệm cầu phúc đức, cầu cho mọi người được sống yên lành, mọi vật sinh sôi, phát triển. Lễ hội là một hoạt động nghi lễ và các trò vui chơi truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Mường với các hình thức dân ca nghi lễ, hát chúc mừng năm mới và trừ tà được lưu truyền từ xa xưa.

Trong ngày lễ, tết của người Mường không thể thiếu những loại bánh như bánh uôi, bánh chưng…

Trong ngày lễ, Tết của người Mường không thể thiếu những loại bánh như bánh uôi, bánh chưng…

Hàng năm, cứ đến dịp này hay dịp mừng nhà mới của dân bản, người Mường lại tập trung nhau thành phường đi chơi, đi chúc nhau những điều tốt đẹp. Trước đó, các gia đình tổ chức nghi lễ cúng tại gia để cảm tạ thần linh, tổ tiên đã phù trợ cho sức khỏe, làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Sau đó gia đình đón phường sắc bùa tới chúc mừng và nhập theo đoàn sắc bùa đi thăm các gia đình trong bản. Vào dịp này, những người con của gia đình, của bản làng, dù ở đâu đều cố gắng thu xếp để về sum họp cùng gia đình, bản làng.

Lễ hội Sắc bùa xưa và nay

Lễ hội Sắc bùa thường được tổ chức vào buổi sáng với nhiều hoạt động như: Đánh cồng chiêng, hát đối, chơi ném còn. Nhiều phường bùa cùng đi tạo nên phường bùa lớn. Cột còn giữa bản là điểm đến đầu tiên của phường bùa, nơi diễn ra cuộc đua tài về ca hát và tấu chiêng. Tiếp theo, phường bùa đi đến các gia đình đánh cồng chiêng, hát vui chúc Tết. Đi đầu là chủ phường bùa.

Với tổ chức phường bùa, phường Sắc bùa của người Mường tỉnh Hòa Bình có 12 người, tương ứng với bộ chiêng 12 chiếc, chia thành các loại: Chiêng Cái, chiêng Năm, chiêng Bảy và chiêng Dàm. Đứng đầu phường bùa là một thầy thường, đây phải là người có giọng hát hay và có tài ứng tác. Bao giờ phường bùa cũng xuất hành đi từ khu nhà để cồng chiêng. Trước khi đi, thầy thường sẽ đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi, vừa đánh những bài cồng chiêng khác nhau và hát những bài tùy hứng, có thể là lên chiêng, bồng một, bồng hai, bồng ba, bồng bốn hay lộn cồng.

Phường Sắc bùa đến thăm một gia đình

Phường Sắc bùa đến thăm một gia đình

Trước đây, nhà lang yêu cầu phụ nữ chưa chồng, đẹp gái phải ăn mặc đẹp và duyên dáng mới được vào hội Sắc bùa. Hội Sắc bùa đánh chiêng để làm vui và đón khách nhà lang nên đàn ông không được tham gia. Ngày nay, đoàn Sắc bùa có nam giới cũng có thể đánh chiêng.

Hát Sắc bùa gồm những bài hát cổ truyền hay ứng tác tại chỗ về mùa xuân, cây cối, đất trời, mùa màng và nhiều nội dung phong phú, hay và ý nghĩa. Sau cuộc chúc mừng, chủ nhà biếu phường bùa một vài tấm bánh, một ít gạo, có khi cả tiền và những lời cảm ơn tốt đẹp.

Nếu như chủ nhà nào muốn giữ phường bùa lại thì bê ra đặt ở đầu cầu thang một mâm gồm chai rượu, vài chiếc cốc, hai bát to đựng gạo, trên có cắm bốn nén hương, một cái đĩa trầu cau rồi mời bùa hát tiếp. Khi đó thầy thường và chủ nhà sẽ hát đối đáp. Nếu phường bùa hát kém, họ sẽ không được mời lên gác và phải chịu đói bụng. Còn nếu hát tiếp mà vẫn thua, phường bùa sẽ tự động rút lui. 

Ngược lại, phường bùa hát hay, đối đáp giỏi sẽ được mời lên nhà. Trên nhà, chủ nhà và thầy thường ngồi đối diện nhau, sát cửa sổ, còn những người khác ngồi thành vòng tròn. Họ ăn cơm, uống rượu và tiếp tục hát đối, hát giao duyên. Cuối cùng, khi phường bùa ra về, thầy thường sẽ hát chào, chúc chủ nhà sống lâu. Còn gia chủ thì mang quà, bánh, thóc gạo tặng cho phường bùa để cảm ơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.