Không chỉ là một phiên chợ, đây còn là nơi bà con các dân tộc thiểu số người Mông, Giáy, Phù Lá… từ các bản làng giao lưu, gặp gỡ, trao đổi hàng hóa và quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình đến với cộng đồng.

Sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình

Không chỉ là một phiên chợ, đây còn là nơi bà con các dân tộc thiểu số người Mông, Giáy, Phù Lá… từ các bản làng giao lưu, gặp gỡ, trao đổi hàng hóa và quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình đến với cộng đồng.

Nếu một lần đến với huyện vùng cao Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, bạn đừng bỏ lỡ chợ phiên Lùng Phình, một phiên chợ độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng cao. 

Không giống như đa phần các chợ phiên khác, thường họp vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, chợ phiên Lùng Phình họp vào ngày thứ 6, ngay bên cạnh con đường tỉnh lộ 153 - con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Chợ phiên Lùng Phình đã trở thành một điểm đến quen thuộc của người dân các xã trong  huyện Bắc Hà và các huyện lân cận như Si Ma Cai, Xín Mần (Hà Giang).

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 1.

Chợ phiên Lùng Phình họp vào ngày thứ 6 hàng tuần

Thắc mắc về tên gọi Lùng Phình, chúng tôi được một người dân địa phương giải thích: Lùng Phình là tên một địa danh hình thành từ rất lâu đời, nằm trong một vùng thung lũng có hình lòng chảo mà bao quanh là đồi núi trùng điệp ngút tầm mắt. Theo tiếng quan hỏa - thứ ngôn ngữ chung của một số tộc người trên dải biên cương phía bắc, Lùng Phình có nghĩa là Rồng Bằng. Lùng Phình cũng là tên gọi được đặt cho chợ phiên tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khi núi rừng vẫn còn chìm trong màn sương mờ ảo, bà con từ các bản làng đã nô nức rủ nhau xuống chợ. Thấp thoáng giữa núi rừng trùng điệp là sắc xanh, sắc đỏ - những gam màu đặc trưng trong trang phục của người Mông, Hoa, Giáy, Tày, Nùng, Phù Lá… Người đi bộ, người đi ngựa, người đi xe máy, mang theo nông sản, gia súc, hàng hóa đến chợ. 

Những em bé theo mẹ xuống chợ

Thoảng trong tiếng gió là tiếng nói, tiếng cười mời chào mua hàng, tiếng vó ngựa, tiếng trâu bò, lợn gà… bà con mang đến chợ để mua bán, trao đổi. Mỗi tuần họp một lần nên chợ phiên Lùng Phình luôn náo nhiệt và sôi động.

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 3.

Chợ phiên Lùng Phình luôn nhộn nhịp người mua bán

Chợ phiên vùng cao Lùng Phình được chia thành các khu riêng biệt: Khu bán các loại rau, củ, quả, sản phẩm thổ cẩm; Khu gia súc, gia cầm; Khu dụng cụ đồ gia dụng; Khu ẩm thực; Khu rượu dân tộc… 

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 4.

Nông sản vùng miền được bán tại chợ

Những món đồ đặc sản của địa phương

Các dãy, khu vực bán hàng được Ban quản lý chợ sắp xếp hợp lý đảm bảo yêu cầu về công tác vệ sinh và tạo thuận lợi hơn cho người dân trao đổi, buôn bán mỗi khi đến phiên chợ.

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 6.

Đông vui nhất là khu vực bán gia súc

Vật nuôi được đựng trong những chiếc bao tải đưa về với chủ mới 

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 8.

Mặc dù không nổi tiếng như chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai) nhưng số lượng gia súc, trâu bò tại chợ phiên Lùng Phình cũng tới vài trăm con.

Nhìn từ xa, phiên chợ như một bức tranh với đủ màu sắc nổi bật giữa núi rừng, đủ để níu chân người dân địa phương hay du khách dừng chân nán lại để mua một vài món rau củ, một chùm ớt khô đặc trưng của vùng cao, hay mua một vài món đồ thời trang bằng thổ cẩm. Thêm một nét hấp dẫn riêng của chợ Lùng Phình, đó là khu vực bán đặc sản rượu ngô Bản Phố nổi tiếng hay khu buôn bán gia súc, gia cầm như: trâu, bò, lợn, dê, chó, ngựa, gà, vịt…

Bức tranh sắc màu vùng cao tại chợ phiên Lùng Phình  - Ảnh 9.

Đặc sản rượu ngô Bản Phố nổi tiếng miền núi phía Bắc chưng cất từ loại men làm bằng lá cây rừng và nấu bằng nước suối trên độ cao hơn 1200 mét. Từng can to, can nhỏ được người bán bày ra và người mua có thể thưởng thức hương vị của rượu trước khi mua mang về.

Kết thúc phiên chợ, thật tuyệt vời nếu bạn có thời gian dừng chân, thưởng thức những ăn đặc sản dân tộc như: món phở chua của người Phù Lá; món thắng cố ngựa của người Mông…

Chợ còn là nơi bà con các dân tộc thiểu số người Mông, Giáy, Phù Lá… từ các bản làng giao lưu, gặp gỡ

Hương vị của món ăn hòa trong tiếng mua bán, tiếng nói cười giữa chợ tạo một ấn tượng khó phai về chợ phiên Lùng Phình trong lòng những người yêu khám phá, trải nghiệm văn hóa vùng cao.  

Lê Hoa
Nam Nguyễn
20/06/2023 20:00