Sáng mãi tấm gương người thầy giáo đầu tiên của dân tộc Jrai

30/07/2023 09:32
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dân tộc thiểu số. Nhà giáo Nay Der đứng phía sau, sát bên tay trái Bác Hồ. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dân tộc thiểu số. Nhà giáo Nay Der đứng phía sau, sát bên tay trái Bác Hồ. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Có dịp về với đồng bào Jrai, tỉnh Gia Lai, bên những câu chuyện huyền thoại, chúng ta còn được nghe nhắc đến niềm tự hào của người Jrai về người thầy giáo đầu tiên của dân tộc - đó là nhà giáo Nay Der (1895-1987).

Năm 1895, cậu bé Nay Der cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Ơi Nu, nay thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Cha mẹ mất sớm, tuổi thơ của Nay Der trải qua nhiều gian khó nhưng với khát vọng vươn lên, đức tính chăm chỉ, thông minh, ông đã vượt qua rào cản của đồng bào dân tộc thiểu số, tìm đến chinh phục "con chữ".

Nay Der là thầy giáo, nhà trí thức cách mạng đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai. Ông đã cùng một số trí thức người Êđê và người Pháp (Antoine, Antomarchi,...) sáng lập ra bộ chữ viết Jrai. Suốt bao năm qua, bộ chữ  viết Jrai vẫn trường tồn, tên của người thầy giáo Nay Der vẫn luôn trong tâm thức của mỗi người con Jrai.

Sáng mãi tấm gương người thầy giáo đầu tiên của dân tộc Jrai - Ảnh 1.

Nhà giáo Nay Der - người con ưu tú của dân tộc Jrai

"Cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Nay Der đã được các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu kỹ lưỡng qua các nhân chứng, tài liệu được lưu giữ. Không chỉ là trí thức đầu tiên của người Jrai, ông còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và có vai trò to lớn trong việc đào tạo đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số miền Nam trong giai đoạn tập kết ra miền Bắc. Cả một đời gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân, huy chương quý giá", bà Đặng Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin thị xã Ayun Pa thông tin.

Nhân dân nói riêng, các thế hệ ngành giáo dục của huyện Krông Pa nói riêng, luôn lấy làm vinh dự và tự hào về tấm gương của nhà giáo Nay Der. Ông là tấm gương sáng, là nguồn động lực thúc đẩy các thế hệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, chinh phục tri thức.

Sáng mãi tấm gương người thầy giáo đầu tiên của dân tộc Jrai - Ảnh 2.

Khu mộ nhà giáo Nay Der

Năm 1987, nhà giáo Nay Der qua đời tại thị xã Ayun Pa. Khu mộ của ông được xây dựng theo kiểu nhà mồ truyền thống của người Jrai, tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 1.000 m2 rợp bóng cây xanh tại số 01 Đào Duy Từ, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa. Trước mộ lập bia ghi lược sử về thân thế, sự nghiệp của người trí thức đầu tiên của cộng đồng dân tộc Jrai.

Phần mộ chính được đặt nằm dưới phần mái nhà mồ kiên cố. 4 góc của khu mộ có hình mô phỏng tượng nhà mồ - nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người Jrai. Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 1190/QĐ-UBND xếp hạng Di tích Khu mộ nhà giáo Nay Der là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Điểm nhấn trong khu mộ chính là bức tượng toàn thân của nhà giáo Nay Der ngồi xoay mặt về hướng Tây, ung dung đọc sách trong tư thế chống cằm, khuôn mặt toát lên vẻ nhân hậu, minh triết. Dù không có nhiều hiện vật được trưng bày tại khu mộ, song những thông tin được thể hiện ở bia lược sử cũng như tại nơi đặt bức tượng, mọi người vẫn có thể hình dung được phần nào về thân thế, sự nghiệp của người trí thức đầu tiên của cộng đồng dân tộc Jrai, người sáng lập ra bộ chữ viết của người Jrai.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày nhiều hiện vật liên quan nhà giáo Nay Der, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp; Huân chương Độc lập hạng nhì được Hội đồng Nhà nước tặng vì có nhiều cống hiến trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; thẻ đảng viên… Đặc biệt nhất trong các hiện vật phải kể đến 2 bức ảnh nhà giáo Nay Der được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật tại Bảo tàng tỉnh cùng với khu di tích đem lại cái nhìn đầy đủ hơn, khẳng định những cống hiến to lớn của thầy giáo người Jrai.

Sáng mãi tấm gương người thầy giáo đầu tiên của dân tộc Jrai - Ảnh 3.

Bia ghi tóm tắt thân thế, sự nghiệp nhà giáo Nay Der

Các hiện vật, tư liệu lịch sử liên quan đến nhà giáo Nay Der được Bảo tàng tỉnh Gia Lai trưng bày thường xuyên, thu hút nhiều học sinh và người dân trong tỉnh cũng thường xuyên đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông. Bên cạnh đó, di tích khu mộ nhà giáo Nay Der là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và hiếu học. Di tích là nơi để các thế hệ bày tỏ lòng tôn kính đối với ông, khơi gợi cảm xúc, gìn giữ giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh nói chung và người Jrai nói riêng.

Thể hiện sự ghi nhớ và trân trọng người thầy - người con ưu tú của dân tộc Jrai, tháng 12/2007, tỉnh Gia Lai thành lập "Quỹ học bổng Nay Der" với mục đích khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ học sinh, sinh viên của tỉnh có thành tích xuất sắc trong học tập; học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.