Có thể nói múa Chămpa là một loại hình độc đáo trong di sản văn hóa Chămpa.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa

Có thể nói múa Chămpa là một loại hình độc đáo trong di sản văn hóa Chămpa.

Thời gian qua, loại hình này đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy đúng mực, phần nào thỏa mãn được nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của quần chúng. Với sự say mê nghệ thuật và sự đầu tư đúng mức, các vũ điệu Chămpa ngày càng được phát triển theo hướng lành mạnh.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa - Ảnh 1.

Phù điêu "múa Chăm" bằng đá (Làng đá mỹ nghệ Đà Nẵng).

Trong suốt quá trình lịch sử, người Chămpa đã sáng tạo, xây dựng được nền văn hóa dân gian đặc sắc. Một trong những nét độc đáo đó là điệu múa dâng thần linh thể hiện nét uyển chuyển, khéo léo, linh hoạt của các nghệ nhân, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người Chămpa.

Múa Chămpa tập thể tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Có dịp đến xem trên các tường tháp cổ Mỹ Sơn (Quảng Nam) chúng ta cảm nhận được những vẻ đẹp đến ngỡ ngàng bởi cái uy nghiêm, tĩnh lặng và thần bí quá đỗi lạ lùng của những vũ nữ, vị thần… được khắc trên gạch hoặc đá.

Giữa bốn bề u tịch của lòng chảo Mỹ Sơn, những ngôi đền tháp thiêng trầm mặc gợi cho du khách bao hoài cảm về thời hào hùng xưa. Những cổ tháp nhuốm màu thời gian, rêu phong nghiêng mình in bóng giữa đêm trăng huyền bí, cô tịch với những vũ điệu huyền bí như đang trình diễn trên tường tháp cổ.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa - Ảnh 3.

Múa đơn Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Trong các vũ điệu Chămpa, hầu hết các điệu múa đều mang sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng (các thần linh) và múa cung đình (lễ nghi). Bên cạnh các vũ điệu của thần Siva, nữ thần Uma, nữ thần Apsara… đều là những điệu múa quen thuộc, được thể hiện bởi cá nhân hay tập thể.

Múa dân gian Chămpa có bốn điệu múa chính là múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa. Sau này những điệu múa trên đã được nâng cao và hình thành nên những điệu múa như Patra, Chaligia. Ngoài ra, người Chămpa còn có những điệu múa sinh hoạt, hội hè. Múa quạt là điệu múa phổ thông mà bất cứ phụ nữ Chămpa nào cũng biết.

Theo thống kê của ngành chức năng, người Chămpa có tất cả 80 điệu múa và tương ứng với từng điệu múa là 80 vị thần của họ.

Đối với người Chămpa, múa rất quan trọng. Múa tạo không khí linh thiêng, vui tươi, sinh động cho lễ hội. Từ lễ hội, họ đã sáng tạo ra những điệu múa dân gian để phục vụ chính mình. Vì thế, múa dân gian phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động của người Chămpa.

Người Chămpa quan niệm các điệu múa là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Con người gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe để sống và phục vụ cho thế giới hiện tại và cúng tế thần linh. Có thể kể đến một số điệu múa nổi bật như sau:

- Múa quạt: Còn gọi là múa Tamia tadik. Người múa theo nhịp trống, kèn, đôi tay điều khiển nhịp nhàng làm cho chiếc quạt xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Khi dừng múa quạt, người múa đưa hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được khoác qua đôi vai, thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Múa quạt có thể múa cá nhân hay múa tập thể trong các lễ hội của dân tộc Chămpa.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa - Ảnh 5.

Múa quạt Chămpa với trống ghi năng và kèn saranai (tại Làng Lụa- Quảng Nam).

- Múa đội nước: Điệu múa này được cho là có nguồn gốc từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, vì rằng phụ nữ Chăm thường đội bình nước, hay là đội thúng lúa từ nương rẫy về. Người Chămpa đã sáng tạo ra điệu múa đội nước (ndoa buk), trong đó có sự kết hợp khéo léo và tài tình với điệu múa chim công, khiến cho tính tượng hình của vũ điệu tăng lên rất nhiều và nói như cách nói bây giờ thì ngôn ngữ múa cũng nhiều hơn.

- Múa khăn: Trong quan niệm của đồng bào Chămpa, khăn tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, hiền dịu của người thiếu nữ. Múa khăn chính là để mô tả và tôn vinh những đức tính tốt đẹp ấy. Tuy nhiên, múa khăn không chỉ dành cho nữ, mà nam cũng tham gia. Với nữ là các động tác mềm mại tha thướt, thì ngược lại các động tác của người nam lại mạnh mẽ, rắn rỏi.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa - Ảnh 6.

Nghệ nhân Chămpa thổi kèn saranai cho điệu múa Chămpa (tại Làng Lụa- Quảng Nam).

- Múa chim công: Theo quan niệm của người Chămpa, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa chim công (Biyen) luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Múa công không thể thiếu những chiếc quạt. Các vũ nữ cầm hai chiếc quạt như đôi cánh, dập dờn và uyển chuyển.

- Múa đạp lửa: Đây là điệu múa dành riêng cho nam giới, những người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường. Múa lửa thường xuất hiện trong lễ hội Rija Nagar - lễ hội xứ sở của người Chămpa. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy đang đến với con người. Nghệ nhân múa nam tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng.

Khi tham gia múa, các vũ nữ đầu đội mũ chóp nhiều tầng, thân hình uyển chuyển, đôi tay họ vươn lên, quanh bụng quấn sampot nhiều lớp, tà bay uốn lượn, hai chân nhún nhảy, chân phải hơi co lên, chân trái nhún hất về sau. 

Khi múa tập thể, các vũ nữ chống nhẹ tay phải của họ vào hông mình, tay trái giơ cao, gắn kết lại thành một tư thế thể hiện vẻ đẹp đầy sinh lực. Ở điệu múa cá nhân, người vũ nữ luôn choàng khăn mỏng, hai tay vòng lên đỉnh đầu kéo theo dải voan, hai chân chùng xuống đất đều, trọng lượng cơ thể dồn vào mũi chân. Màu vàng hay màu hồng là trang phục chính của các vũ nữ Chămpa.

Say lòng trước vũ điệu Chămpa - Ảnh 7.

Du khách nước ngoài rất thích chụp cùng với diễn viên múa Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Từ góc nhìn thẩm mỹ, các vũ điệu Chămpa đều phô diễn nét đẹp của cơ thể phụ nữ. Điệu múa Chămpa hấp dẫn khi có sự phụ họa của các loại nhạc cụ cổ truyền của người Chămpa như trống ginăng, paranưng, kèn saranai. 

Trong ánh lửa bập bùng huyền bí, các "Chăm nữ" uyển chuyển từng động tác theo tiếng trống, tiếng kèn làm say lòng khán giả.

Bài, ảnh: Tiên Sa