Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz

24/10/2023 09:32

Trước đây, Sheki từng là nơi sản xuất một số loại lụa tốt nhất trên thế giới. Hiện tại, thành phố được coi là thủ đô văn hóa và ẩm thực của Azerbaijan.

Là một thành phố nhỏ ở Azerbaijan, quốc gia nằm ở ngã tư giữa Đông Âu và Trung Á, Sheki cách thủ đô Baku khoảng 300 km về phía Tây Bắc, gần biên giới với Nga và Georgia. Thành phố ẩn mình dưới chân dãy núi Đại Kavkaz, được bao quanh bởi những rừng sồi, óc chó và cây dẻ gai tươi tốt. Ở đây cũng có dâu tằm trắng; lá cây dùng để nuôi tằm, từ đó sản xuất loại vải lụa rất được ưa chuộng.

"Đối với nhiều người, con đường tơ lụa thường gắn với các thành phố Samarkand, Bukhara và Khiva ở Uzbekistan. Nhưng Azerbaijan cũng là nơi có các trung tâm quan trọng trên tuyến thương mại nối châu Á với châu Âu. Một trong số đó là thành phố Sheki, nơi đã phát triển từ một trạm thông thương buôn bán thành trung tâm lớn về bán tơ lụa".

Hướng dẫn viên Habil Gudratli

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 2.

Sheki nằm ẩn mình dưới chân dãy núi Đại Kavkaz và được bao quanh bởi những khu rừng.

Sheki trở nên nổi tiếng vào giữa những năm 1700 khi những vị thủ lĩnh chọn thành phố là thủ đô. Có bằng chứng cho thấy nghề nuôi tằm và sản xuất tơ tằm trong khu vực đã có từ thế kỷ thứ 6. Tuy nhiên, các hãn Sheki đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng sản xuất và buôn bán tơ lụa, biến nó thành một ngành nghề phát đạt.

"Vào thế kỷ 18 và 19, lụa Sheki được coi là một trong những loại lụa tốt nhất trên thế giới. Giới thượng lưu giàu có ở những nơi xa xôi như Trung Quốc và Nhật Bản mua lụa ở đây không chỉ do chúng đẹp và có chất lượng mà còn bởi sự sạch sẽ, thoải mái vì chấy rận không bám vào lụa như ở một số chất liệu khác", Gudratli nói.

Các hãn cai trị khu vực này cho đến năm 1819. Họ đã lập nên một vương quốc hùng mạnh, với trung tâm chính trị và thương mại là một quần thể pháo đài gồm các khu vườn, đài phun nước và hồ nước xây bằng đá cẩm thạch. Ngày nay, các bức tường của tòa thành vẫn đứng vững nhưng hầu hết các cung điện bên trong đã không còn. Nơi duy nhất còn tồn tại là Cung điện Sheki Khan, nơi nghỉ ngơi vào mùa hè của các hãn và cũng từng là nơi xử lý công việc hành chính. Cung điện được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2019.

Cung điện hai tầng tráng lệ này chỉ cần hai năm để xây dựng nhưng mất đến tám năm để trang trí. Nó được trang trí bằng những bức tranh sống động vẽ chim công đang sải bước đi và những con rồng thở ra hoa. Theo nhà nghiên cứu Zamina Rasulava, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu cách trang trí xa hoa của cung điện, quả lựu là một trong những họa tiết quan trọng trong các thiết kế.

Rasulava nói: "Trong Hồi giáo, tôn giáo đến Sheki vào thế kỷ thứ 8, lựu là vua của tất cả các loại trái cây trên thiên đường vì đài hoa của nó giống như vương miện". Đối với các hãn, quả lựu cũng tượng trưng cho sự cai trị. Những hạt màu đỏ bên trong đại diện cho nhân dân trong khi phần màu trắng phân chia thành các vùng, nền văn hóa và dân tộc khác nhau. Khả năng quản lý tốt sẽ gắn kết hai phần lại với nhau, dẫn đến sự thống nhất và từ đó tạo nên sự thịnh vượng.

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 4.

Cung điện Sheki Khan được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2019.

Điểm đặc biệt nhất của cung điện là shebeke (cửa sổ dùng kỹ thuật ghép kính màu). Mỗi mét vuông cửa sổ có đến hơn 5.000 mảnh gỗ và kính màu. Kính màu được vận chuyển dọc theo các tuyến đường thương mại từ Murano, nằm gần Venice (Italy) đến Sheki và được người dân ở đây trao đổi bằng tằm và kén.

Lúc đó tằm Sheki rất được ưa chuộng trên toàn cầu; không chỉ ở Italy mà còn ở Lyon, nơi nổi tiếng là trung tâm sản xuất tơ lụa chính của Pháp, và thậm chí ở Trung Quốc, nơi được coi là quê hương của tơ lụa. Lý do cho sự phổ biến toàn cầu là do khả năng chịu đựng thời tiết lạnh giá, khiến tằm Sheki vượt trội hơn so với các giống tằm khác.

Khi Sheki phát triển và giàu có, nhiều nghệ nhân lành nghề trong vùng đã đến buôn bán với các nhà buôn lụa, bao gồm thợ dệt thảm, thợ thêu tekeldus, thợ đồng, thợ gốm, thợ xay và thợ đóng giày. Sheki trở nên nổi tiếng như một trung tâm hàng đầu về nghệ thuật và thủ công, một danh tiếng nó vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Do lưu lượng các đoàn lữ hành tăng lên đáng kể, năm khu nhà trọ lớn đã được xây dựng và hai trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thành phố cũng xây dựng các quảng trường công cộng, nhà tắm (hammam), đường lớn và Nhà thờ Hồi giáo Khan, nhà thờ Hồi giáo đầu tiên của Sheki. Mọi người tụ tập tại đây để tham gia buổi cầu nguyện đặc biệt vào thứ Sáu, ngày linh thiêng nhất trong tuần đối với người Hồi giáo.

Nhà thờ Hồi giáo Khan mở cửa cho tất cả mọi người tham quan. Người Hồi giáo được chào đón bằng cách thoa gulab, một loại nước hoa hồng thanh lọc, lên người nhưng đặc biệt là lông mày. "Gulab đại diện cho Nhà tiên tri Muhammed. Ngài cho rằng, lông mày là đặc biệt bởi vì chúng là một trong những loại lông đầu tiên có trên người em bé, và do đó là biểu tượng của sự sống mới", Habil Khalilov, một imam (người giữ vị trí lãnh đạo trong Hồi giáo), nói.

Những người không theo đạo Hồi cũng được chào đón nồng nhiệt. Mặc dù 96% dân số Azerbaijan là người Hồi giáo nhưng đây vẫn là một quốc gia thế tục. Có nhiều tôn giáo ở Azerbaijan, một nơi đa văn hóa và tôn trọng sự đa dạng này theo cách đặc biệt.

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 6.

Nhà thờ Hồi giáo Khan mở cửa cho tất cả mọi người tham quan.

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1769 - 1770 từ đá sông, gạch nung và nhiều loại gỗ khác nhau và từng có cửa sổ shebeke được trang trí công phu. Nhà thờ Hồi giáo Khan có ý nghĩa đặc biệt trong thành phố vì đóng vai trò là nhà thờ Hồi giáo chính, mặc dù thành phố có 32 khu phố lịch sử và mỗi khu đều có nơi thờ phượng riêng. "Vào thời cổ đại, Sheki được gọi là 'Bala Istanbul' hay Istanbul thu nhỏ vì nó có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo. Bây giờ chỉ còn lại bảy cái, một số bị tàn phá do động đất và lở đất nhưng phần lớn đã bị phá hủy do chiến tranh", Khalilov cho biết.

Nhiều truyền thống ẩm thực của Sheki có mối liên hệ lịch sử với các tuyến đường buôn bán tơ lụa cổ xưa. Tại nhà bếp của quán Ilhama Tea House, Shukufa Hamidova đang làm compote từ quả mâm xôi, lá phong lữ và rất nhiều đường.

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 7.

Hamidova chào đón du khách bằng món đồ uống làm từ quả mâm xôi, lá phong lữ và đường

"Người Sheki được biết đến với các món ăn có vị ngọt. Chúng tôi sử dụng mật ong cho đến khi mía được nhập từ Ba Tư. Ngày nay nó đã trở thành sở thích của mọi người; chúng tôi thích ăn bamya (một loại bánh có dạng thon dài và có thể giống hình dạng ngón tay), mindal (hạt phủ caramel) và halva (một loại bánh có hạt phỉ). Các loại đồ ngọt đó cũng làm ngọt tâm trạng chúng tôi; chúng tôi nổi tiếng là những người có khiếu hài hước", Hamidova nói.

Một món ngon khác đến từ Ba Tư dọc theo con đường tơ lụa là saffron (nhụy hoa nghệ tây), một thành phần quan trọng trong piti, một đặc sản địa phương và là một trong những món ăn phổ biến nhất của đất nước. Cái tên piti được cho là bắt nguồn từ một từ Turk cổ có nghĩa là "no đến mức không cần phải ăn bất cứ thứ gì khác", nó có thịt cừu hầm, đậu xanh, nghệ tây và mỡ đuôi cừu.

"Piti là bữa ăn lý tưởng cho người lao động chân tay, những người làm việc cho các thương nhân tơ lụa và các hãn. Sự kết hợp giữa thịt và carbohydrate giúp họ có năng lượng để làm việc cả ngày chỉ với một bữa ăn", đầu bếp Shahla Bashirova nói.

Bữa ăn thường kết thúc với trà đen được phục vụ trong armudu (cốc hình quả lê). Để uống trà theo phong cách địa phương, đầu tiên nhúng một viên đường vào và sau đó nhấm nháp nước trà.

Tục lệ này được cho là có nguồn gốc từ các hãn. Trà ngọt cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về đám cưới của người Azerbaijan. Gudratli giải thích rằng ở các vùng nông thôn, khi gia đình nhà gái phục vụ trà không đường cho gia đình nhà trai, đó là dấu hiệu cho thấy họ không sẵn sàng tiến tới hôn nhân.

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 8.

Piti là một trong những món ăn phổ biến nhất của Azerbaijan, với thịt cừu hầm, đậu xanh, nghệ tây và mỡ đuôi cừu được đựng trong nồi đất sét.

Để khám phá những gì còn lại của nghề buôn bán tơ lụa, cuộc hành trình tiếp tục đến nhà máy sản xuất tơ lụa cuối cùng, có nguồn gốc từ thời Liên Xô. Điểm đến là xưởng của Amiraslan Shamilov, một nghệ nhân làm kelaghyi (khăn trùm đầu lụa) thế hệ thứ tám. Nghề thủ công truyền thống này đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO.

"Đó là một loại hình nghệ thuật hàng thế kỷ xứng đáng được công nhận. Kelaghayi không chỉ là một món đồ thời trang hay sự phản ánh niềm tin. Chúng là một phần bản sắc dân tộc của chúng tôi", Shamilov nói.

Sheki: Thủ đô văn hóa thầm lặng của Kavkaz - Ảnh 9.

Ngày nay, Shamilov điều hành cửa hàng kelaghyi độc lập cuối cùng còn sót lại ở Sheki.

Shamilov cho biết kelaghyi có tầm quan trọng lớn về mặt văn hóa. Chúng được đề cao đến mức một người phụ nữ có thể ngăn chặn một cuộc ẩu đả trên đường phố bằng cách cởi bỏ chiếc khăn trùm đầu và ném nó vào những người đang cãi vã. Những chiếc khăn này còn được sử dụng để truyền tải thông điệp thông qua màu sắc của chúng: màu đen dành cho góa phụ, màu xanh lá cây dành cho phụ nữ mang thai và màu hồng hồng dành cho những quý cô độc thân để thể hiện họ cởi mở với hôn nhân.

"Thương mại tơ lụa đã giảm nhưng sự công nhận của UNESCO đối với hàng thủ công mỹ nghệ và các tòa nhà của chúng tôi giúp bảo tồn chúng cho tương lai. Bên cạnh đó, danh tiếng của Sheki là thủ đô văn hóa và ẩm thực của Azerbaijan đã mang lại một dòng khách du lịch và các loại hình thương mại khác nhau đến thành phố. Con đường tơ lụa cũ đã được thay thế bằng một con đường mới: du lịch toàn cầu".

Shamilov, người điều hành xưởng kelaghayi cuối cùng trong một thành phố mà trước đây từng có hàng chục xưởng.

Nguồn: BBC

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.