Trước kia, bà con trồng ngô thì "đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Không những thế, thu nhập từ cây ăn quả cao gấp 10 lần trồng ngô, sắn, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.

Sơn La: Người dân đổi đời nhờ trồng cây ăn quả

Trước kia, bà con trồng ngô thì "đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Không những thế, thu nhập từ cây ăn quả cao gấp 10 lần trồng ngô, sắn, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.

Xoài, thanh long giúp dân đổi đời

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng lên, đời sống nhân dân ngày càng ổn định. Đặc biệt, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hạn chế đất bị cuốn trôi, xói mòn. 

Anh Đào Xuân Hùng (bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La) cho biết, gia đình có 2ha xoài ghép giống Đài Loan, 1 ha bưởi, 1 ha bơ, 1 ha nhãn. Số cây trồng trên đã cho thu hoạch được 5 năm. 

Anh Hùng cho biết, trước đây gia đình cũng trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là giống xoài địa phương. Giống xoài này tuy khỏe, nhưng năng suất thấp, lại chua nên khó bán, thu nhập không cao. Sau khi được tư vấn của phòng nông nghiệp huyện, gia đình anh đã cải tạo vườn xoài địa phương sang giống xoài Đài Loan. Hiện nay, giống xoài này đã tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết, ít sâu bệnh; trung bình mỗi quả nặng từ 0,7 - 1,5 kg, có quả nặng đến 2 kg, vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, diện tích cây ăn quả này đã giúp gia đình anh lãi trên 1 tỷ đồng.

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 1.

Nông dân huyện Mai Sơn chuyển đổi mô hình trồng cây ăn quả

Từ mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Hùng cho thu nhập cao, nhiều hộ dân ở xã Hát Lót đến học hỏi và làm theo. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, bản Nông Xôm (xã Hát Lót) cho biết, trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. 

Tuy nhiên, trước tình trạng ngô, sắn liên tục mất giá, năm 2016, ông Dũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: bưởi da xanh, xoài Đài Loan… Hiện gia đình bà đã có hơn 2ha cây ăn quả. Nhờ đi đúng hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích cây ăn quả gia đình ông cho năng suất và chất lượng cao. Trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/năm. 

Không chỉ gia đình ông Hùng, ông Dũng, đến nay tại Hát Lót xã đã có nhiều gia đình có thu nhập cao từ cây ăn quả. Ví như, gia đình các anh Đỗ Danh Nghiêm (bản Noong Xôm) thu nhập 500 triệu đồng/năm từ trồng xoài, nhãn, na; gia đình anh Lý Văn Quảng (tiểu khu 10, xã Hát Lót) thu nhập 540 triệu đồng/năm từ trồng xoài.

Việc chuyển đổi trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao đã được người dân tích cực hưởng ứng. Theo thống kê của UBND xã Hát Lót, chỉ riêng năm 2019, cả xã đã có 460ha cây ăn quả được trồng mới. Hiện tại, vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót có quy mô 1.800 ha, sản xuất tập trung các loại cây ăn trái: Xoài, nhãn, mận hậu, thanh long, là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 2.

Bà con nông dân chăm sóc cây xoài

Để hỗ trợ người dân, UBND xã Hát Lót đã tích cực chỉ đạo các cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hỗ trợ các hộ dân thành lập 12 HTX chuyên cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và sản xuất các loại cây ăn quả; thu hút 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hát Lót cho biết, các mô hình trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình, giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên giàu có. Trong đó, có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã trồng xoài với diện tích hơn 70ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đã đạt 34 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã Hát Lót đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả

Không chỉ xã Hát Lót, tại xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) nông dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng cây ăn quả. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó) cho biết,  HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng được thành lập năm 2016 với 10 thành viên, quy mô sản xuất 50ha cây ăn quả, trong đó có 5,5ha thanh long. 

Ngay khi thành lập, HTX đã xây dựng các quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, HTX có 200ha thanh long được trồng tập trung với sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Sản phẩm làm ra đã có mặt tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm mô hình trồng xoài ở huyện Mai Sơn

Theo báo cáo của UBND huyện Mai Sơn, hiện nay cây xoài và nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của huyện với tổng diện tích gần 7.000 ha. Trong đó, diện tích xoài là 3.670ha và nhãn 3.171 ha. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết, trong số diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện, có 3.000ha thực hiện sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000ha. 

Đặc biệt, huyện Mai Sơn đã xây dựng được 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… "Việc trồng và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm", ông Hào chia sẻ. 

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm mô hình trồng cây ăn quả ở Sơn La

Để cây ăn quả tiếp tục phát triển, phát huy thế mạnh, Huyện Ủy, UBND huyện Mai Sơn đã đề ra nhiều biện pháp. Theo đó, Mai Sơn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả xoài và quản nhãn trên địa bàn huyện; Tiếp tục tập trung xây dựng tăng diện tích được cấp chứng nhận VietGap, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương và cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài, cây nhãn để nâng cao năng xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm ngay từ khâu sản xuất, chú trọng chất lượng hơn số lượng. 

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân phối hợp với Doanh nghiệp, HTX có nhu cầu đầu tư phát triển chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả xoài, nhãn trên địa bàn. Chủ động tìm kiếm,mở rộng thị trường với mục tiêu là hai kênh đầu là xuất khẩu chính ngạch và thị trường cao cấp ở trong nước. Nghiên cứu triển khai các giải pháp đưa được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng để nâng cao năng xuất, chất lượng cây xoài nói riêng và cây ăn quả nói chung trên địa bàn huyện.

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và động viên bà con nông dân tỉnh Sơn La

Quy hoạch vùng nguyên liệu đi đôi với cơ cấu lại cây trồng

Nằm trong nội dung chương trình Hội nghị "Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam", ngày 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, Sơn La) và kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn. Nhà máy có diện tích gần 9ha là tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Nhà máy chế biến nước quả cô đặc, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp với công nghệ Italy, Nhật Bản, Đức; sử dụng nguồn nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.

Tỉnh Sơn La đến có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt 82.895 ha, có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Thị trường tiêu thụ các loại nông sản tiếp tục được mở rộng, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu năm đạt 150 triệu USD.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định, thời gian qua nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.

Thủ tướng đánh giá việc "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất.

Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…

Sơn La: Thay đổi tư duy, chuyển hướng trồng cây ăn quả  - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu thông tin các sản phẩm được chế biến từ trái cây có mặt tại triển lãm

Như bà con chia sẻ, "trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bà con cũng cho biết, một "bí quyết" để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này. Theo đó, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân.

Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Trần Hiếu

Xuất bản: 06/06/2022