Sơn La quyết liệt trong công tác phòng chống mua bán người

Hải Linh
31/07/2022 - 20:52
Sơn La quyết liệt trong công tác phòng chống mua bán người

Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đến nhà dân tuyên truyền phòng chống mua bán người. (Ảnh: Báo Sơn La)

Sơn La là địa bàn tỉnh vùng cao biên giới với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, các đối tượng tội phạm mua bán người thường lợi dụng địa bàn này để hoạt động.

Những nạn nhân may mắn trốn được về và được giải cứu

Chị Lường Thị D, ở bản Áng 2, xã Đông Sang (Mộc Châu), một trong những nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và may mắn trốn được về nhà. 

Vẻ mặt sợ hãi khi nghĩ lại chuyện mình bị lừa bán sang Trung Quốc, chị D kể: Tháng 12/2018, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi được đối tượng Hoàng Thị Mai Hương, sinh năm 1984, trú quán tại bản Bến Trai, xã Quy Hướng (Mộc Châu) rủ sang Trung Quốc làm thuê, hứa hẹn sẽ tìm việc làm nhẹ nhàng, lương cao, cuộc sống và thu nhập ổn định, tôi đã tin tưởng đi theo.

Sau khi đưa tôi sang Trung Quốc, Hương đã bán cho một người đàn ông để làm vợ. Trong thời gian này, tôi thường xuyên bị đánh đập, ép làm những công việc nặng nhọc. Đến tháng 5/2019, lợi dụng lúc không có người ở nhà, tôi đã bỏ trốn, tìm đường về nhà. Đến ngày 20/6/2019, tôi đến công an Mộc Châu trình báo toàn bộ nội dung vụ việc.

Sơn La quyết liệt trong công tác phòng chống mua bán người - Ảnh 1.

Một nạn nhân ở Sơn La bị lừa bán sang bên kia biên giới được lực lượng chức năng giải cứu về (Ảnh: BPSL)

Một vụ việc đến nay vẫn được Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, BĐBP Sơn La tuyên truyền đến người dân để phòng chống bị kẻ xấu lợi dụng buôn người. Nạn nhân là Giàng Thị Dờ (sinh năm 2002, trú tại bản Pá Liềng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bị các đối tượng thông qua mạng xã hội dụ dỗ sang Trung Quốc với mục đích làm thuê, sau đó đã bị lừa bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 13 vạn nhân dân tệ (khoảng 43 triệu đồng).

Ngay khi nhận thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã báo cáo và đề nghị Cục Phòng chống Ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành giải cứu nạn nhân.

Đến ngày 14/6/2020, Cục Phòng chống Ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp với Tổ chức Rồng xanh (Tổ chức chuyên hỗ trợ nạn nhân mua bán người) tiến hành giải cứu được nạn nhân Giàng Thị Dờ và đưa nạn nhân về Việt Nam qua Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang. Sau đó nạn nhân được đưa về Trung tâm hỗ trợ tại Hà Nội để tiến hành cách ly và chăm sóc sức khỏe, ổn định về tâm lý.

Ngày 12/7/2020, Cục Phòng chống Ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp với Tổ chức Rồng xanh đưa nạn nhân về bàn giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh. Ngay sau đó, BĐBP Sơn La đã tiến hành các thủ tục tiếp nhận và trực tiếp đưa nạn nhân về bàn giao cho địa phương và gia đình.

Quyết liệt phòng chống tội phạm mua bán người

Tham dự buổi Toạ đàm "Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người" diễn ra ngày 30/7 tại TP Sơn La, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhận định: Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các trường hợp vắng mặt ở địa bàn, các trường hợp được phối hợp giải cứu có chiều hướng gia tăng, với nhiều lứa tuổi từ 15 - 30 tuổi ở các xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La (có trường hợp đang là học sinh, sinh viên).

Sơn La quyết liệt trong công tác phòng chống mua bán người - Ảnh 2.

Bộ đội Biên phòng nỗ lực với 'cuộc chiến' phòng, chống tội phạm mua bán người (Ảnh: BĐBP)

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

"Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh. Chính vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Do đó, các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân lên sát biên giới, để bán ra nước ngoài với mục đích bóc lột sức lao động, mại dâm...." - bà Tráng Thị Xuân cho biết.

Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi, tuy nhiên bị lừa bán sang nước láng giềng để bóc lột sức lao động. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng BĐBP tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 02 đơn trình báo của công dân, 01 công dân ở huyện Sốp Cộp, 01 công dân ở huyện Mường La, hiện đã giải cứu được 01 nạn nhân.

Theo bà Tráng Thị Xuân, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở ban ngành và các lực lượng vũ trang trong tỉnh (Công an, BĐBP, Viện kiểm sát nhân dân, TAND các cấp...) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; chủ động, tích cực đấu tranh với hoạt động của tội phạm này góp phần giảm tỉ lệ tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, bà Tráng Thị Xuân quan ngại: Các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em do trình độ nhận thức còn hạn chế, tâm lý hoang mang lo sợ. Do đó quá trình khai thác phân loại, sàng lọc xác minh thông tin về đối tượng địa bàn gặp nhiều khó khăn. Sự bùng nổ của xã hội nhất là mạng công nghệ thông tin 4.0 cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng thực hiện các thủ đoạn hành vi phạm tội

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thượng tá Bàn Văn Chanh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La cho biết, BĐBP tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện tốt một số nội dung quan trọng như: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các tổ chức xã hội tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống mua bán người cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là tại các khu vực trọng điểm xảy ra mua bán người. Đồng thời lồng ghép nội dung thực hiện chương trình phòng chống mua bán người vào các cuộc vận động tại các xã, bản biên giới.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người đến từng gia đình và toàn xã hội. Phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, các trường học đóng trên địa bàn xã biên giới tổ chức tuyên truyền, mở các cuộc thi tìm hiểu về phòng chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh nhất là học sinh nữ người dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, cần giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa những người bị mua bán, lừa gạt về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.

Tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị buôn bán. Kịp thời đưa những phụ nữ và trẻ em bị mua bán về sum họp với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, phối hợp các cơ quan đoàn thể như: Đoàn thành niên, Hội phụ nữ, Y tế, Thương binh - xã hội… Tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân nhanh chóng khắc phục những khó khăn, xoá đi những mặc cảm về bản thân, có việc làm để ổn định cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm