Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”

Đi xe đò, cuốc bộ cả tháng trời, đó là quãng thời gian để đồng bào di chuyển từ vùng núi phía phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Đi tìm miền “đất hứa” với mong muốn thoát nghèo đã thôi thúc họ vượt qua biết bao gian nan để đánh đổi một cuộc sống cũng chẳng dễ dàng hơn là mấy.

Theo tiếng gọi mưu sinh

Để có thể nói một cách chính xác ai là người tiên phong đi từ vùng núi phía Bắc vào Lâm Đồng lập nghiệp, không ai có thể trả lời. Theo trí nhớ của anh Hoàng Xuân Tháy (thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông), khoảng năm 2003, vợ chồng anh nghe theo lời ông cậu bên vợ, đi từ Hà Giang di cư vào đây lập nghiệp. "Tôi chỉ được nghe các cụ kể lại từ hồi chiến tranh, có những người đi bộ đội vào chiến trường Tây Nguyên còn sống, quay về nói rằng, ở trong này đất đai tốt lắm, cây cối xanh bát ngát mà thời tiết cũng ấm áp hơn. Khoảng những năm 1990 là đã có người từ ngoài quê đi vào đây tìm hiểu rồi. Còn phần lớn mọi người đi vào đầu năm 2000. Như nhà tôi là 2003" – anh Tháy kể lại.

Trong căn nhà gỗ đặc trưng của người Mông, anh Tháy tâm sự cuộc hành trình đã làm thay đổi cả đời mình. Ngày ấy, đường xá, giao thông vẫn chưa thuận lợi như bây giờ. Để có thể rời khỏi Hà Giang, chàng thanh niên trẻ vừa cuới vợ phải gom hết đồ đạc trong nhà, thu non ruộng ngô bán lấy tiền làm kinh phí đi lại. "Ai có tiền thì đi được vài chặng xe đò, còn không thì chủ yếu là đi bộ theo đường mòn. Cứ vừa đi vừa nghỉ, khoảng 20 ngày mới có thể vào đến nơi".

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 1.

Anh Hoàng Xuân Tháy bồi hồi kể lại hành trình đã qua

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng đó, anh Tháy bảo đường xa vạn dặm, cả đoàn mấy nhà cùng nhau đi lúc bấy giờ còn có cả trẻ nhỏ. Những chặng đi bộ, mọi người phải thay nhau cõng lũ trẻ. Hành trang mang theo ngoài mấy bộ quần áo còn có dao đi rừng, rựa và ít đồ phòng thân. Vài ngày đầu, mọi người còn ăn được mèn mén, khoai sắn với ít mì tôm mang theo. Đến khi hết đồ ăn dự trữ thì đàn ông đi bắt thú, đàn bà đi đào củ rừng về nướng lên ăn. Với những nhà có trẻ con, lúc mệt quá thì chúng ngủ thiếp đi chứ tỉnh dậy là khóc vì mệt. "Đêm đến, nếu gặp nơi nào có nhà thì xin ngủ nhờ ở cửa nhà họ, không thì lại trải lá nằm vạ vật giữa rừng. Vừa ngủ còn vừa trông thú dữ" – anh Tháy hồi tưởng.

Anh Tháy bảo, kỷ niệm khiến anh nhớ mãi có lẽ là trên hành trình đó, có người bạn của anh đã quyết định dừng chân ở một huyện miền núi của Nghệ An lập nghiệp bởi ở đó cũng có người Mông. "Khoảnh khắc đó tôi cũng định bỏ cuộc vì đi mãi không thấy đích đến, vợ thì sốt rét giữa rừng. Nhưng rồi vợ động viên còn có có các chú, các cậu đang đợi, thế là 2 vợ chồng lại cố" - anh Tháy kể.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 2.

Hình ảnh đất đai màu mỡ, cây trồng xanh tươi tại Tây Nguyên đã thôi thúc đồng bảo DTTS di cư tự do để mong thay đổi cuộc đời

Người cậu gọi gia đình anh Tháy vào Rô Men sinh sống cũng từng là cư dân tại tiểu khu 179. Ông và những người Mông đầu tiên vào đây từng sinh sống tại xã Quảng Hoà, huyện Đăk G'long (Đăk Nông). Khi tìm thấy khu 179 có một khoảng đất bằng phẳng, vừa gần sông lớn, vừa có rừng, lại cách xa trung tâm nên bà con kéo nhau sang ở và canh tác. Từ vài hộ dân, người ta cứ bảo cho nhau biết rồi nhắn cả về quê, đưa theo gia đình di cư vào đây làm ấp làm nhà, chẳng mấy chốc mà dân số đông tương đương với cả một thôn bản.

Mặc dù vậy, tiểu khu 179 thuộc khu vực đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên nên việc di cư đến khai hoang, phá rừng, sinh sống ở đây là bất hợp pháp. "Thời điểm đó, làm gì có đường đi vào 179 đâu. Cứ theo đường mòn của người bản địa nên bà con chỉ nghĩ đơn giản đồng tộc với nhau thì cứ ở vậy, cuộc sống tuy nghèo nhưng ít ra cũng đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà, cũng không biết đến là mình vi phạm pháp luật" - anh Tháy cho biết.

Kiên quyết bám rừng

Là một cán bộ đã có gần 30 năm công tác tại huyện Đam Rông, ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - cho biết, huyện này mới được thành lập từ năm 2004. Trong khi đó, bà con đồng bào Mông đã di cư tự do vào đây từ khoảng năm 2002, thời điểm xã Liêng S'Rônh vẫn thuộc quản lý của huyện Lâm Hà.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Trương Hữu Đồng (phải) trong chuyến công tác tại tiểu khu 179

"Khi biết có đồng bào di cư tự do vào ở giữa rừng, chính quyền cũng nhiều lần vào vận động bà con hoặc là quay về hương, hoặc là tìm khu vực đất đai hợp pháp để sinh sống và làm ăn, nhưng quả thật không phải đơn giản" - ông Đồng kể lại.

Với rất nhiều nỗ lực, phía huyện Lâm Hà và sau này cả huyện Đam Rông đã từng có những cuộc trao đổi với các địa phương ở phía Bắc để làm công tác dân vận với bà con từ nhiều chiều. "Huyện còn tổ chức những chuyến xe đưa người dân về Si Ma Cai (Lào Cai), bàn giao người dân về chính quyền địa phương, thăm nhà một số hộ dân ở quê với mong muốn tạo điều kiện hết mức để bà con ổn định cuộc sống. Nhưng nói vui thì thực chất đó là chuyến về thăm quê của họ bởi khi xe quay đầu về đến Lâm Đồng, chúng tôi cũng được tin bà con đã bắt đầu quay lại" - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết.

Trước tình hình đó, phía huyện Lâm Hà đã nhiều lần đề xuất các phương án nhằm ổn định cuộc sống cho bà con và đến cuối năm 2003, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định phê duyệt dự án quy hoạch khu tái định canh định cư cho đồng bào dân tộc Mông tại huyện Lâm Hà. Quy hoạch bố trí khu nhà ở và đất canh tác trong bãi bằng hợp thuỷ trên các chi lưu của suối Đa Krông cho bà con thuận tiện làm nông nghiệp.

Là một trong những người xung phong rời khỏi tiểu khu 179 để tái định cư theo chính sách của tỉnh, gia đình người cậu của anh Hoàng Xuân Tháy được cấp gần 7000m2 đất ở và đất sản xuất tiếp giáp khu đất ở. "Thấy nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho dân như vậy, cậu mới gọi tôi vào. Các gia đình được tỉnh và huyện hỗ trợ các điều kiện ban đầu để ổn định cuộc sống như khai hoang xây dựng đồng ruộng, hỗ trợ con giống, cây trồng và vật tư nông nghiệp" - anh Tháy nhớ lại.

Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 4.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 5.
Sống "tầm gửi" giữa đại ngàn - Bài 2: Gian nan đường vào “miền đất hứa”- Ảnh 6.

Khu tái định canh định cư cho đồng bào di cư tự do năm 2003 nay thuộc thôn 4 và thôn 5, xã Liêng S'Rônh

Cùng với đó, bà con cũng được đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, công tác khuyến nông nhằm đưa vào sử dụng có hiệu quả quỹ đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp mang tính bền vững. Để đảm bảo giữ rừng và hạn chế nạn phá rừng làm rẫy, chính quyền cũng từng bước giao rừng nhằm thu hút lao động, phát huy tinh thần bảo vệ rừng của chính bà con. Đến năm 2005, xã Rô Men chính thức được thành lập với 5 thôn. Khu tái định cư được chia thành thôn 4 và thôn 5, người dân dần ổn định cuộc sống.

Mặc dù được hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiều để bà con di dời khỏi tiểu khu 179, tuy nhiên thời điểm đó, phần lớn người dân vẫn kiên quyết bám trụ nơi này. Chỉ khoảng 70 hộ dân đồng ý ra ở tại khu tái định cư. Hành trình di dân của họ đã có lúc tưởng như đã có thể yên ổn tại một vùng đất mới, nhưng vẫn có người ra đi rồi lại quay về tiểu khu 179 vì tiếc đất, mặc cho muôn vàn khó khăn, thiếu thốn bủa vây, ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

(Còn tiếp)


20/12/2023 07:25