Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ”

20 năm tha hương và sống trong cảnh tạm bợ, cuộc sống của các hộ dân vô cùng bấp bênh nhọc nhằn. Đối tượng chịu nhiều hệ lụy nhất chính là phụ nữ và trẻ em. 

Con khai sinh không cha

Ngồi trước hiên nhà bế đứa con gái khoảng 2 tuổi, không khó để nhận ra Vàng Thị Tùng - mẹ của đứa trẻ vẫn đang ở độ tuổi vị thành niên. Học hết tiểu học rồi ở nhà đi làm và kết hôn, không hiếm những "người mẹ trẻ con" như Tùng còn chưa ý thức được hết cái gọi là những hệ luỵ của cuộc sống đầy khó khăn giữa "lõi rừng".

Căn nhà gỗ sập xệ với đầy những bao tải và một chiếc máy may ngay phía trước. Vàng Thị Tùng, năm nay 16 tuổi. Kế bên Tùng là cô con gái mũm mĩm hơn 2 tuổi, quấn quýt quanh chân mẹ tự chơi những mảnh vải thừa. "Em cũng là người Mông nhưng ngày trước sống bên Đăk Nông. Lấy chồng ở trong này thì mới vào 179 ở" - Tùng kể chuyện.

Đang vào mùa làm cà phê nên cả nhà chồng của Tùng đều đã lên rẫy từ sớm. Chỉ còn mình cô với đứa con gái nhỏ ở nhà làm việc lặt vặt và thổi cơm chờ mọi người về. Tùng bảo ở đây không có mẫu giáo, phụ nữ đẻ xong đều phải ở nhà trông con. Em buồn lắm nhưng hàng xóm ai cũng vậy nên chẳng thể làm khác được. Không có kinh tế, mọi việc đều phải phụ thuộc vào gia đình chồng.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 1.

Vàng Thị Tùng - người mẹ 16 tuổi và nỗi băn khoăn khi không khai sinh được cho con mình

Tuy nhiên điều khiến Tùng vẫn còn băn khoăn, trăn trở đó là hiện nay, cô và chồng chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn, vì vậy đứa trẻ cũng chưa thể làm giấy khai sinh và còn sợ bị phạt. "Lúc trước quen nhau thì cứ nghĩ yêu rồi lấy thôi, bao giờ đủ tuổi thì đăng ký. Nhưng ở đây không giống nhà đẻ mình, chồng không có giấy tờ (căn cước công dân - PV) nên em thấy người ta bảo đủ tuổi cũng không đăng kí được. Cán bộ bảo như thế thì phải khai sinh không có bố cho con của em" - Tùng trần tình bằng vốn tiếng phổ thông bập bẹ.

Việc sinh con và chăm sóc sức khoẻ ở đây về cơ bản là "thuận tự nhiên". Vốn giữ những hủ tục còn lạc hậu của đồng tộc, lại thêm tiểu khu 179 cách trạm y tế xã Liêng S'Rônh tới 60km đường xấu, phụ nữ Mông hầu hết tự sinh con tại nhà và không có bất kì biện pháp kế hoạch hoá gia đình nào. Mỗi năm, huyện sẽ tổ chức tiêm chủng và thăm khám sức khoẻ cho bà con tại đây 2 lần. Tuy nhiên, khi được hỏi về kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản hay kế hoạch hoá gia đình, hầu hết các chị em đều rất vô tư trả lời: "Không biết, chồng bảo là cứ đẻ thôi".

Theo chia sẻ của anh Lý A Phừ - người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông tại tiểu khu 179 - trước đây, thế hệ như bố mẹ anh cứ đẻ được bao nhiêu thì đẻ. "Cuộc sống vì thế mà nghèo lắm, đói lắm. Bây giờ mình được Đảng và Nhà nước tuyên truyền đẻ ít con để nuôi dạy tốt, mình cũng nói cho bà con hiểu thì chỉ đẻ tầm 4 đứa thôi. Nhưng cũng có một số nhà thích nhiều con để có nhiều người làm việc nên vẫn chưa nhắc nhở được hết" - anh Lý A Phừ ngại ngùng.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 2.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 3.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 4.

Hiện còn rất nhiều trẻ em chưa được khai sinh tại tiểu khu 179

Hiện nay dân cư tại tiểu khu 179 đã lên tới 108 hộ với gần 600 người. Khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi đi học hầu hết đều được chính quyền hỗ trợ làm giấy khai sinh. Số trẻ em chưa được cấp khai sinh ước tính khoảng 50 cháu, tuy nhiên chưa được thống kê đầy đủ vì cha mẹ các em không khai báo tảo hôn hoặc thuộc đối tượng sống bất hợp pháp tại tiểu khu này.

Thua thiệt đủ đường

Trở lại câu chuyện không thể đăng kí kết hôn ngay cả khi đủ tuổi của Vàng Thị Tùng, chúng tôi tìm hiểu và được biết tại tiểu khu 179, hiện còn gần 90 người chưa đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân theo quy định hiện hành. Theo chân anh Giàng Se Páo, chúng tôi đến thăm nhà anh cũng như một số người bà con của Páo. Nhà Páo được xem là một trong những hộ dân khấm khá khi cả gia đình anh đều sở hữu thẻ căn cước công dân và bảo hiểm y tế.

Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - cho biết, thời điểm trước năm 2018, chính quyền đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho các hộ dân ở đây có thể đi mua đất ở những nơi hợp pháp hoặc nhập khẩu vào gia đình người thân, họ hàng đang sinh sống ở những khu vực tái định cư trong huyện. "Huyện đã cấp hộ khẩu cho 19 hộ đảm bảo điều kiện. Bản thân anh Páo đây cũng được hướng dẫn nhập khẩu vào cùng người bà con ở Thôn 5, xã Liêng S'Rônh. Hơn ai hết, chúng tôi rất mong muốn người dân có nơi ở ổn định để thuận lợi trong quá trình quản lý cư dân cũng như để họ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân" - ông Trương Hữu Đồng nhấn mạnh.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 5.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 6.

Giàng Se Páo và khối "tài sản" quý báu hiện tại trong gia đình: thẻ căn cước công dân.

Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn được như gia đình Giàng Se Páo. Sau năm 2018, ngay cả khi tỉnh đã có chủ trương ổn định cuộc sống cho bà con tại tiểu khu 179, việc làm căn cước công dân cho người dân cũng không hề dễ dàng. Trải qua hơn 20 năm xa quê hương với hành trình vượt hàng ngàn cây số, nhiều người trong số họ đến nay không thể xác nhận được thân phận hoặc những nơi từng cư trú. Đại diện lãnh đạo công an huyện Đam Rông cho biết, huyện đã từng cử cán bộ về tận các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang… để xác minh lý lịch theo lời người dân di cư khai báo.

Tuy nhiên chính quyền tại các nơi đó cũng không có căn cứ để xác nhận cư trú với họ. Nguyên nhân được cho là từ nhiều năm trước, do nhận thức còn hạn chế nên bản thân họ từ khi sinh ra vốn chưa từng có bất kì giấy tờ tuỳ thân nào như giấy khai sinh hoặc chứng minh thư, sổ hộ khẩu cũ.

Việc không có căn cước, không có hộ khẩu khiến người dân gặp phải rất nhiều bất cập như không thể đứng tên sở hữu tài sản, không thuộc quản lý của một địa phương nào. Vì vậy, dù cuộc sống khó khăn vất vả, đói nghèo lạc hậu vẫn còn bủa vây, song việc tiếp cận với những chính sách an sinh xã hội của nhà nước dành cho nhân dân ở huyện nghèo thuộc Danh sách 30A cũng không thể nằm trong tầm với.

Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 7.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 8.
Sống “tầm gửi” giữa đại ngàn - Bài 3: Tương lai mịt mờ của những phận người “ở nhờ” - Ảnh 9.

Em Giàng Thị Gánh tại nơi ở trọ tồi tàn đến mức nhà tắm chung không có cửa ra vào 

Lần theo miêu tả của anh Giàng Seo Sính về đứa con gái không giấy tờ đang ở trọ đi học, trên đường về, chúng tôi tìm đến nơi ở của Giàng Thị Gánh - con gái anh - ở trung tâm huyện. Cô bé mới lớn rụt rè, bẽn lẽn mời tôi vào thăm phòng trọ. Nói là phòng nghe cho dễ hình dung, nhưng thực chất, nơi ở của cô bé là một khu ở tạm được ngăn cách nhau bằng những tấm ván gỗ, mỗi ô được khoảng 6m2 vừa đủ kê chỗ ngủ, 1 chiếc bàn nhỏ và chiếc bếp gas mini. Cùng ở với Gánh là em họ đang học lớp 8 và mấy gian phòng kế bên là những người thợ xây ở ngắn ngày theo công trình. "Vì không có giấy tờ nên em không ai cho em thuê trọ. Chỗ ở tạm này là cô chủ thương tình nên cho em vào ở với giá 300 nghìn/tháng" - Gánh tâm sự.

Cô gái đang tuổi dậy thì một mình sinh hoạt trong căn phòng ọp ẹp không kín đáo, toàn bộ khu tắm rửa vệ sinh cũng nhếch nhác đến mức…không có cửa ra vào. "Em chỉ lo nếu vẫn không làm được căn cước, sang năm có lẽ em sẽ không được đi học nữa. Cũng không thể thi cao đẳng. Nếu vậy thì em sẽ lại phải về đi làm, không thể thực hiện được ước mơ" - Gánh oà khóc.

Sự tăng nhanh về dân số đồng nghĩa với tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy tiếp tục tăng theo. Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - cho biết, việc phá rừng làm rẫy của các hộ dân ở đây diễn biến rất phức tạp.

Chính quyền địa phương cũng như cán bộ kiểm lâm đã nhiều lần vận động, tuyên truyền bà con nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Công tác xử lý vi phạm cũng gặp nhiều bất cập do người dân không biết chữ hoặc không có tài sản xử phạt. "Với địa hình hiểm trở, lực lượng kiểm lâm ít người, việc người dân ở trái phép trong rừng gây nên áp ực rất lớn cho công tác giữ rừng"- Chủ tịch UBND huyện Đam Rông đánh giá

(Còn tiếp)


21/02/2024 06:53