Phật giáo đã gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc

Phật giáo đã gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam gần 2.000 năm và ngày càng phát triển. Đây là một trong những minh chứng cho thấy, sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã trải qua tròn 40 năm xây dựng và trưởng thành (7/11/1981-7/11/2021). Quãng thời gian ấy có thể chưa nhiều so với lịch sử gần hai nghìn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc nhưng Phật giáo luôn phát huy truyền thống "hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc".

Theo GHPGVN, hiện toàn Giáo hội có 18.544 cơ sở tự viện, trên 54.000 tăng, ni, trong đó ni giới (nhà sư nữ) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Trong quá trình hình thành và phát triển của Giáo hội, có sự đóng góp to lớn của các ni giới.

Các ni sư hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người nghèo

Hòa thượng, TS Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN cho biết, công tác từ thiện thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những hoạt động trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, các vấn đề liên quan đến từ thiện xã hội đều được Giáo hội quan tâm sâu sắc, chỉ đạo động viên tăng, ni, phật tử và các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo… Trong 40 năm qua, công tác từ thiện xã hội của Giáo hội ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Chỉ tính trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các cấp Giáo hội và đông đảo tăng, ni, phật tử đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả chung tay cùng chính quyền và nhân dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, các trường hợp người khuyết tật, neo đơn, người nghèo, lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều tăng, ni và phật tử đã cởi áo cà sa, khoác áo blouse trắng tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch.

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc - Ảnh 2.

Chư tăng chung tay vận chuyển lương thực để giúp đỡ người dân

Cùng trực tiếp hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19, tăng, ni các chùa, cơ sở thờ tự đã hưởng ứng phong trào "Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch" với mong muốn nấu những bữa cơm mang tới phục vụ tới các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời điểm dịch Covid-19 khốc liệt, TPHCM thực hiện giãn cách, trung bình mỗi ngày có hàng chục nghìn suất cơm do các chùa công đức tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trên địa bàn thành phố. Ví như, chùa Vĩnh Nghiêm mỗi ngày nấu và phát từ 10.000 đến 20.000 suất, chùa Tường Nguyên (TPHCM) mỗi ngày nấu và phát hơn 20.000 suất ăn miễn phí cho các bệnh viện dã chiến, người dân gặp khó khăn…

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc - Ảnh 3.

GHPGVN đã ủng hộ hơn 5.000 tấn nông sản, 1.000 tấn gạo cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19

Theo GHPGVN, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các chùa, cơ sở tự viện đã nấu hơn 5 triệu suất ăn giúp đỡ đồng bào khó khăn, lực lượng tuyến đầu. Về lương thực, thực phẩm, GHPGVN cả nước đã ủng hộ hơn 5.000 tấn nông sản, 1.000 tấn gạo. Chung tay chia sẻ với người dân nghèo, GHPGVN cả nước cũng đã trao tặng hơn 500.000 phần quà cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh… Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký GHPGVN, chỉ tính riêng từ ngày 27/4/2021 đến 26/8/2021, tổng giá trị sản phẩm và tiền mặt toàn Giáo hội ủng hộ cuộc chiến phòng chống Covid-19 lên đến gần 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.

Nơi sinh hoạt văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc - Ảnh 4.

Chùa Một Cột có nhiều nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo

Cùng đóng góp to lớn trong công tác an sinh xã hội, Phật giáo Việt Nam cũng có những đóng góp không nhỏ về các vấn đề liên quan đến văn hóa ở nước ta. Theo TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Phật giáo Việt Nam là một mắt xích trong việc xây dựng, gìn giữ kiến trúc văn hóa nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Ngôi chùa Việt là nơi hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật, là sản phẩm văn hóa vật thể và là không gian văn hóa truyền thống, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người dân.

Hệ thống chùa, tháp Phật giáo hiện nay trải dọc theo chiều dài đất nước, từ thành thị đến thôn quê. Ngôi chùa đã trở nên gắn bó và không thể tách rời của văn hóa Việt, bổ sung cho nền văn hóa những sắc màu mới, làm giàu, đẹp cho nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật, xây dựng và điêu khắc của dân tộc. Ở mỗi vùng miền, kiến trúc chùa, tháp có những đặc điểm riêng, bởi chịu sự chi phối của môi trường, đời sống văn hóa tâm linh của người dân và từng điều kiện lịch sử cụ thể.

Hệ thống chùa, tháp Phật giáo là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người Việt

Trong chùa là cả một bảo tàng nghệ thuật, bao gồm hệ thống tượng pháp, các bức phù điêu, câu đối, bia ký, bản kinh khắc trên gỗ (mộc bản) thể hiện nghệ thuật điêu khắc bởi bàn tay tài hoa của người Việt. Hệ thống chùa, tháp Phật giáo là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, phản ánh tâm thức và đời sống tâm linh của người Việt. Tinh thần Phật giáo thể hiện trong văn hóa vật thể qua những ngôi chùa, tháp đã thấm đẫm tâm hồn người Việt, góp phần tạo sự cân bằng cho xã hội và sự cân bằng cho đời sống tâm linh.

Hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp

Cũng theo TS Vũ Chiến Thắng, với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, Phật giáo hướng đến giá trị con người, xây dựng xã hội an bình, nhằm đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người, đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, khuyên con người tu thân, tích đức, làm điều thiện tránh điều ác, làm lành tránh dữ, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp.

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc - Ảnh 6.

Phật giáo đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, khuyên con người tu thân, tích đức, làm điều thiện tránh điều ác...

Tư tưởng vị tha hướng con người tới chân – thiện – mỹ đã góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm tâm hồn người Việt, vun bồi lòng nhân ái "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", hình thành các tập quán, thói quen như ăn chay, bố thí, phóng sinh. Các phạm trù Phật giáo như: "Cứu nhân độ thế", "Nhân quả", "Nghiệp báo", "Từ, bi, hỷ, xả", đã không còn là của riêng Phật giáo mà đi sâu vào văn hóa Việt, đến nỗi người dân không phải là tín đồ Phật giáo nhưng vẫn thấm nhuần tư tưởng trên và trở thành một phần trong lẽ sống của họ.

Sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc - Ảnh 7.

Tư tưởng vị tha hướng con người tới chân – thiện – mỹ của Phật giáo đã góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm tâm hồn người Việt

Trong đời sống hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống của mình, Phật giáo nước ta đã và đang góp phần định hướng tư duy, điều chỉnh hành vi của cộng đồng xã hội, giúp con người chủ động phòng ngừa cái ác, hướng tới cái thiện, mang lại sự phát triển, bình an, hạnh phúc cho đất nước và con người Việt Nam. Có thể nói, qua 40 năm thành lập, GHPGVN đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy và phát triển văn hóa dân tộc, đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Hiển
CTV, ST