Trong suốt hơn 5 năm qua, bất kể gió mưa hay nắng gắt, bà đã kiên trì vận động quyên góp hàng chục tấn quần áo và trực tiếp đến tận nơi trao tặng cho người dân các tỉnh vùng cao. Trong một lần thu gom quần áo cũ, bà không may bị ngã gãy xương bả vai nhưng chỉ ít ngày sau khi vết thương lành lại, bà lại rong ruổi trên khắp nẻo đường của Thủ đô Hà Nội để làm việc thiện.

Bà là Lã Thị Toan (70 tuổi, tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội), hội viên Chi hội Tán trợ - Hội Chữ Thập đỏ xã Mê Linh. Sinh ra trên mảnh đất gắn với những sự tích hào hùng của Hai Bà Trưng, ngay từ nhỏ bà đã thấm đẫm trong mình lòng yêu nước và khát khao được xây dựng đất nước. Vì lẽ đó, năm 17 tuổi, bà viết đơn xung phong đi bộ đội nhưng vì trong nhà đã có 2 người (anh, em) đi chiến đấu trong Nam, cụ thân sinh đã yêu cầu bà ở nhà làm trụ cột gia đình. Không được đi bộ đội, bà tham gia dân quân du kích và học trinh sát, đi được nửa tháng, cụ thân sinh "bắt" bà về nhà lấy chồng.

Bà Lã Thị Toan (70 tuổi) đi xe máy vận động, quyên góp hàng chục tấn quần áo tặng người dân vùng cao

Người chồng hay yếu đau nên mọi công việc đều do đôi vai bà gồng gánh, ông bà có với nhau 4 mặt con. Trong những năm tháng đó, bà sợ nhất những khi con đói, con xin mua sách mà không có tiền cho và trên hết là sợ nhất khi không có tiền đóng học cho con, con bà sẽ không đi học nữa vì xấu hổ. Thương con, bà nai lưng ra làm bất kể ngày lẫn đêm, 10 giờ tối vẫn còn ngoài đồng, không chịu nghỉ ngơi kiên trì đóng liên tiếp 7 lò gạch và rồi hơn 30 năm mặc gió mưa ngày nào bà có mặt sớm ở Sân bay Nội Bài bán bánh phở kiếm tiền nuôi đàn con ăn học.

Trước đức hy sinh lớn lao ấy của mẹ, 4 người con của bà ai cũng đều được ăn học đàng hoàng. Trong đó có 2 người đang công tác trong quân đội, một người là tiến sỹ xây dựng và người còn lại làm ở nhà máy in. Mỗi tháng các con đều gửi đều đặn cho bà từ 4 - 6 triệu đồng, tưởng như sống trong cảnh ấy bà không còn một ao ước gì nữa ngoài sự sum vầy cùng cháu con. Nhưng không, trong một lần lên thăm ông thông gia ở trên Sa La khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ không có quần áo thay trong tiết trời giá rét, bà đã khóc, giọt nước mắt ấm nồng rơi trước những cảnh đời bất hạnh và còn nhiều thiếu thốn. Bà tự trách mình, tại sao từ trước tới nay bà không nghĩ đến việc làm từ thiện và giờ đây khi tuổi đã gần thất thập, thời gian còn lại rất ngắn và sức khỏe ngày một yếu đi.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 2.

Trẻ mầm non trong tiết trời rét giá ở xã Vần Chải (huyện Đồng Văn, Hà Giang)

Vì lẽ đó, khi trở về Hà Nội, bất kể nắng mưa hay ngày đêm, có một bà cụ tuổi gần 70 vẫn hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe gắn máy để đến từng nhà, từng nơi vận động xin quần áo cũ, kinh phí để vận chuyển cho đồng bào vùng cao. Thậm chí có nhiều lúc bà dành toàn bộ số tiền con cái biếu để mua bao tải, thuê xe ô tô vận chuyển và trực tiếp lên trao tặng cho đồng bào vùng cao. Mới đây nhất, bà đã trực tiếp đến tận nơi trao tặng 12 tấn quần áo, 2.000 mũ, 200 chăn bông mới cho người dân 2 xã của tỉnh Sơn La, Yên Bái.

Trước nghĩa cử cao đẹp của bà, bên cạnh những lời khen ngợi vẫn còn những người không hiểu chuyện, dị nghị bà đi buôn quần áo hay cho rằng bà bị dở người, già vẫn hâm, sướng không chịu lại rước khổ vào thân và thậm chí có người còn đến tận nhà buông lời không hay. Nhưng mỗi khi nghĩ tới những đứa trẻ vùng cao, mùa đông nơi đây lạnh vô cùng, bà lại cố gắng quên đi những nỗi buồn không gọi tên đó.

Tôi có may mắn được lắng nghe câu chuyện của bà và tận mắt thấy những rung động của trái tim, một trái tim biết khóc vì người nghèo. Tôi thầm cảm phục trước một tấm lòng nhân hậu và hiểu thêm ý nghĩa trong những câu hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi". Và những cơn gió của Hà Nội đã mang theo tấm lòng của bà tới những miền núi cao, nơi đó quanh năm chỉ có giá rét, sương mù và có cả những người nghèo cần lắm sự sẻ chia.

"Hiếm có người phụ nữ nào như thế, mang thân già đi hết tỉnh nọ, tỉnh kia"

Những ngày cuối tháng 2/2021, Báo Phụ nữ Việt Nam nhận được một bức thư rất đặc biệt từ ông Nguyễn Văn Vân (87 tuổi, trú tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, Mê Linh). Để mang được bức thư này đến tận đây, ông Vân đã phải dậy từ rất sớm bắt xe buýt và đi bộ thêm nhiều cây số nữa. Trong bức thư với những nét chữ rắn rỏi, kể về một gương người tốt việc tốt:

"Đã hơn 10 năm nay, bà làm công việc từ thiện. Với chiếc xe máy bà đi khắp nơi – các thôn, xã, huyện, thành phố… thu gom chăn màn quần áo đồ dùng sinh hoạt mang về gia đình phân loại, đóng thùng, thuê xe chở đi các nơi mà nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Cuối năm 2020, bà gửi được 13 tấn (12 tấn – PV) đi Lai Châu, Hà Giang (Yên Bái – PV). Chi phí ăn uống tới vài chục triệu và mất nhiều thời gian, công sức. Số tiền này, bà tự túc hoàn toàn, không có khoản đóng góp hay giúp đỡ nào".

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Vân (87 tuổi, trú tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, Mê Linh).

Được biết, ông Vân còn là người ủng hộ Chương trình Mottainai do Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều năm liền, cùng với đó ông có tham gia ủng hộ quần áo cũ cho các chương trình của Báo Công an Nhân dân. Trước những việc làm nhân văn đó, năm 2016, ông đã được vinh danh là gương người tốt việc tốt của TP Hà Nội. Hiện nay, nhà ông Vân trở thành một trong những điểm thu nhận quần áo cũ của bà Toan. Trung bình một tháng hoặc gom được từ 1 tạ trở lên, ông Vân sẽ gọi điện báo để bà Toan tới chở.

“Tôi khâm phục tấm lòng của bà ấy. Tôi thấy hiếm người phụ nữ nào như thế. Giúp đỡ người trong thôn trong xóm thôi, tôi đã thấy khó khăn rồi mà lại tự mình đi như thế. Thân già như thế mà lại đi hết tỉnh nọ, tỉnh kia để mang quần áo lên giúp cho đồng bào ở trên đấy. Tôi thấy hiếm có người phụ nữ nào như thế”.

Ông Nguyễn Văn Vân (87 tuổi, trú tại thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, Mê Linh)

Mẹ chồng mặc quần áo con dâu, 3 đứa trẻ ướt sũng người không có đồ thay

Theo như lời đã hẹn, chúng tôi đến nhà bà Toan và ngỡ ngàng trước sự khang trang của căn nhà được các con bà xây dựng cách đây không lâu. Ngoài sân phía mái hiên có vài bao tải quần áo mà bà Toan vừa mới thu gom được.

Chia sẻ nguyên do bén duyên với việc thu gom quần áo tặng người dân vùng cao, bà Toan cho biết, trong một lần lên thăm ông thông gia ở Sơn La (năm 2016), gia đình đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng cãi nhau ở bên hàng xóm. Họ chửi nhau bằng tiếng dân tộc, bà không hiểu, hỏi ông thông gia mới biết: "Có gì đâu, mưa dầm, quần áo không khô, mẹ chồng tắm trước mặc quần áo con dâu, thế là hai mẹ con chửi nhau".

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 5.

Trẻ mẫu giáo ở vùng cao trên đường đến lớp

Một lần khác, hàng xóm của ông thông gia sang chơi và mời bà sang ăn cơm. Ngồi được một lúc, bà thấy 3 đứa con chủ nhà đi học về, quần áo ướt sũng nhưng lại không thay. Bà nói với các cháu, "Các con ơi, bà dưới xuôi lên ăn cơm nhà các con. Các con thay quần áo đi, kẻo rét, con lại cảm lạnh". "Quần áo con phơi 3 ngày chưa khô bà ạ", nghe các cháu nói, bà Toan bỗng dưng rơi nước mắt.

Đêm về, nghĩ tới những hình ảnh trên, bà trằn trọc không ngủ được, "Thôi, mình còn ngày nào thì mình làm, không thể trễ được". Ở tuổi này, bà bỗng tiếc sao, dù đã nghỉ buôn bán mười mấy năm nhưng lại chưa từng nghĩ đến việc này. Bà ước sao được trở lại tuổi 60 để còn có thể cống hiến cho những người dân ở miền sơn cước nhiều hơn nữa.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 6.

"Mày chống gậy đi xin từng nhà, biết được đến tay hay không?" 

Trở về địa phương, bà bắt đầu mon men từ những người thân quen, rồi đi tới từng làng, thôn xóm ướm hỏi về việc xin lại quần áo cũ mang lên cho người dân vùng cao. Từ đó, mỗi bước chân bà đi qua từng điểm thu gom quần áo được hình thành, trung bình 1 tạ bà sẽ đến chở, nếu 2 - 3 tạ bà sẽ mượn xe lôi đến chở.

Thậm chí có những hôm, bà chạy từ 11 giờ trưa cho tới 9 giờ tối, từ Đài PT - TH Hà Nội về nhà rồi  lại quay trở lại với tổng 3 lượt đi về ước tính hơn 200 cây số để chở quần áo cũ. Thấy bà chở cồng kềnh, đã không ít lần các đồng chí cảnh sát giao thông tuýt còi yêu cầu dừng lại, nhưng khi bà chìa ra "giấy làm từ thiện" thì họ vui lòng tạo điều kiện cho bà đi tiếp.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 7.

Bà Toan trên đường thu gom quần áo trở về nhà

Về nhà đâu phải mọi sự tưởng đã xong, quần áo có những cái bẩn bà phải đem ra phân loại giặt cẩn thận từng chiếc, chung quy tất cả đều là tấm lòng mà, đều đáng quý. Những cái bị mất cúc, bung chỉ, bà lần ra hiệu may mua đúng loại để sửa. Có những hôm làm miệt mài quá đến 3 giờ sáng, ông hàng xóm thấy đèn ngoài sân sáng trưng tò mò sang hỏi chuyện, "Sao bà dậy sớm thế?". 

"Tôi chưa ngủ được, ông à!", bà không dám nói rằng mình gấp quần áo qua đêm. Nhưng làm sao giấu được mãi, nhiều người khi biết chuyện đã trách bà hâm, sướng không muốn chỉ thích khổ, và thậm chí có những người tới tận nhà buông lời trách mắng. "Mày chống gậy đi xin từng nhà, biết được đến tay hay không?", "Mày đứng cổng mày xin từng thùng mỳ tôm, biết được đến tay hay không?".

Bà Lã Thị Toan nhớ lại:

"Mày chống gậy đi xin từng nhà, biết được đến tay hay không?", "Mày đứng cổng mày xin từng thùng mỳ tôm, biết được đến tay hay không?".

Để chứng minh việc làm của mình là đúng, bà chìa ra giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi bà sinh sống và nơi bà quyên góp. Nhìn thấy tờ giấy trên tay bà, có người mỉm cười: "Giấy bà Toan mang về, tôi xin đâu cũng được 3 chục tờ". Có lần trót dại, bà vào một doanh nghiệp trên địa bàn vận động từ thiện, không những không được giúp đỡ mà còn bị họ coi là dân lừa đảo, giấy tờ bà chìa ra họ nói dưới kho có hàng chồng.

Đôi lúc bà cũng nản lòng nhưng cứ mỗi đêm nằm xuống, nghĩ mình đang chăn gối nệm êm thế này mà đồng bào nhiều người lại đang chịu cảnh đói rét, bà lại quên đi tất cả. "Mình chỉ là một hạt muối bỏ bể thôi, nên hễ giúp được ai thì cứ giúp!", bà trầm ngâm.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 9.

"Các con đừng cấm, mẹ còn khỏe ngày nào cứ để cho mẹ làm!"

Thương mẹ già vất vả, các con đã nhiều lần họp gia đình thuyết phục bà nghỉ ngơi, "Mẹ ơi, bố mất rồi, chúng con chỉ còn một mẹ thôi!". Nhìn từng đứa con một cách trìu mến, trong mắt bà bao giờ các con cũng là những đứa trẻ, bà nói với các con rằng: "Các con đừng cấm mẹ làm, hãy nghĩ những điều tốt cho mẹ, ủng hộ mẹ có sức khỏe để tiếp tục làm".

- "Nhưng mẹ ơi, trên đất nước Việt Nam này còn rất nhiều nơi thiếu thốn, mẹ có đáp ứng được hết không?",  người con lớn thắc mắc.

Nghe con nói, bà ân cần giải thích với con, mình đi đến đâu mình chỉ biết đến đó thôi, ở đây có người khốn khó thì mình giúp đỡ họ. Chứ còn giúp đỡ hết thì ngay cả Nhà nước cũng không đáp ứng nổi, vì vẫn còn nhiều nơi thiếu thốn, Nhà nước ta vẫn chưa đến tận nơi được.

Mới năm kia, bà đến thu gom quần áo ở một nhà dân gần khu công nghiệp (thị trấn Quang Minh, Mê Linh). Trên xe chở một tạ quần áo, cái cổng nhà này hơi bé (rộng chừng 1,1m), nền sân thấp hơn so với mặt đường nhưng mọi khi bà vẫn lên số vượt "ngon ơ". Nhưng lần này đang lúc vượt, có mấy người dân đứng ngoài cổng hỏi: "Bà ơi, hôm nào, bà lại sang lấy quần nữa?", mải trả lời, bà vô ý va vai thật mạnh vào trụ cổng, loạng choạng tay lái.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 10.

Chiếc xe máy bà Toan dùng để chở quần áo cũ đã chạy hàng vạn cây số

Trở về, bà nói dối các con, làm vườn không may bị trượt chân ngã. Bà biết nếu nói thật thì các con bà sẽ thu hết xe, không cho bà làm việc này nữa. Cũng rất may là vết thương ở vai chứ yếu bị ở chân thì con bà cũng không bao giờ tin lời nói dối vụng về này. 

Thấy mẹ bị đau nhức, con trai có chở bà đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để khám. Kết quả chụp X-quang cho thấy, bà bị gãy xương đòn vai. Bà phải bó bột mất 2 tuần và gần 2 tháng sau mà mới có thể đi xe máy trở lại, tới các nơi thu gom quần áo. Giờ đây, mỗi khi trời trở gió, vết thương này lại một tấy lên đau nhức, nhưng vẫn không thể nào át được tấm lòng nhân hậu của bà.

"Ông giời cho tôi, ban cho tôi quá nhiều. Cái thứ nhất là con cái ngoan ngoãn học hành. Thứ hai, gia đình đủ đầy, tôi mới có điều kiện để chia sẻ với người khác. Mỗi tháng các con cho tôi khoảng 4-6 triệu đồng. Số tiền đó, tôi để dành mua kim chỉ, bao tải, rồi đổ xăng. Cả năm cũng hết nhiều tiền xăng chứ, cuối năm còn dư ra vài triệu, tôi dùng thuê xe ô tô và trực tiếp mang lên tặng bà con. Nếu thiếu, các con lại cho tôi tiền, tuy chúng nó cũng nghĩ ngợi nhưng tựu chung cũng đồng ý việc mẹ làm"

Bà Lã Thị Toan

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 12.

Bà Toan gấp quần áo, phân loại và đóng bao

 "Hoan hô, hoan hô bà từ thiện lại lên"

Gần 6 năm qua, ngoài vô vàn lần gửi quà lên vùng cao, bà còn trực tiếp "tháp tùng" 4 chuyến xe tải quần áo lớn lên Thuận Châu (Sơn La), Mường La (Sơn La), Ngọc Chiến (Mường La), Mận Khắc (Yên Bái). Mỗi chuyến số quần áo đều trên cả tấn, gần chục tấn cùng các đồ dùng sinh hoạt (chăn màn, sách vở), nhu yếu phẩm (gạo, mỳ tôm).

Một lần trong đó, nhân dịp lên thăm nhà ông thông gia ở Sơn La, bà có mang theo 13 tải quần áo để tặng cho đồng bào vùng này. Trước đó, biết tin bà mang quần áo lên, ông thông gia đã thông báo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn quanh đấy đến nhận. Trong đó, có một bà cụ tuổi 80 và một bà 77 tuổi cũng đến đợi từ sớm tinh mơ chờ quà, nhưng thật không may – lô quần áo này không có chiếc nào dành cho người già, thấy vậy các bà liền ngồi khóc, các bà không biết nói tiếng Kinh. Bà Toan nhờ ông thông gia dịch hộ, mới biết, các bà khóc vì không có quần áo cho mình.

Nước mắt cũng đang chực chờ rơi, nhưng bà Toan vẫn cố nén lại, tiến lại gần cầm tay và động viên các cụ. "Hai cụ cứ yên tâm, nửa tháng nữa tôi gửi luôn cho các cụ bộ quần mùa đông, bộ quần áo mùa hè, chăn màn đầy đủ hết". Thế là ít ngày sau đó, một bà có căn lều ở mé sông có áo ấm để mặc, một bà có túp lều ở trên bản có chăn ấm để đắp.

Bà Toan trong một lần tháp tùng xe chở quần áo lên tặng bà con vùng cao

Một lần khác, bà Toan có lên xã Nặm Păm (huyện Mường La, Sơn La) để trao quần áo. Nơi đây, vừa hứng chịu trận mưa lũ lịch sử, cướp đi sinh mạng của 15 người, 9/11 bản bị ảnh hưởng nặng nề, 5 bản gần như bị xóa sổ, 179 ngôi nhà bị lũ dữ cuốn trôi, 245 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Lũ quét đã đẩy cuộc sống của hàng trăm người dân Mường La lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhu cầu về quần áo trở nên bức thiết nhất lúc này.

Bởi vậy, khi thấy có đoàn từ thiện ở dưới xuôi lên, đông đảo bà con nhân dân và chính quyền địa phương từ phía bên kia sông đã chờ đón sẵn. Phà cập bến, bà chủ tịch UBND xã có dẫn bà Toan đi và nói to với những người đang có mặt tại đấy: "Đồng bào ơi, đồng bào có nhận ra bà này không?". Lời nói chửa kịp dứt, mọi người liền vỗ tay và hô to, "Hoan hô bà từ thiện lại lên!", "Hoan hô bà từ lại lên!".

Một người trong số đó không kìm được cảm xúc có nói với bà: "Xã con đang lũ lụt lũ quét, chăn màn hết, quần áo hết, gạo nước hết mà bà lại lên tài trợ cho chúng con như thế này. Chúng con rất cám ơn bà". Nghe được những lời chia sẻ đó, bà Toan cảm thấy sung sướng và nhận ra việc làm của mình là xứng đáng. "Ở dưới xuôi tuy có những người không hiểu việc tôi làm, nhưng ở trên đây ai cũng hiểu việc tôi làm". Đây cũng là những hình ảnh xúc động mà bà Toan không bao giờ có thể quên trong suốt cuộc đời của mình.

“Tại sao người vùng cao hiểu việc làm của tôi, còn ở dưới xuôi lại không?” - Ảnh 15.

"Với tinh thần tương thần tương thân tương ái, bà Toan đã vượt bao khó khăn để đến từng ngõ gõ từng nhà, vận động các nhà hảo tâm quyên góp quần áo, các đồ dùng thiết yếu cho các hộ dân trên địa bàn. Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, bà có ủng hộ cho địa phương 7 tấn quần áo, 100 chăn mới, 115 thùng mỳ tôm, 1.000 mũ lưỡi trai… Xã rất cảm động và ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này", ông Bùi Tiến  Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh (Hà Nội) cho hay: "Bà Lã Thị Toan là hội viên Hội Chữ thập đỏ và là thành viên Chi hội Tán trợ - chuyên đi vận động quyên góp ủng hộ hiện vật cho những nơi khó khăn. Tuy tuổi đã cao nhưng bà rất nhiệt tình tham gia trong việc ủng hộ đồng bào miền ngược chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Chúng tôi đánh giá rất cao hành động mang tính nhân văn này, không chỉ khích lệ con cháu mà còn góp phần nhân lên những lòng tốt, sự sẻ chia trong xã hội".

Thực hiện: Trường Hùng

Ảnh: Trường Hùng, NVCC

Video: Trường Hùng