Hình ảnh thân thuộc ở thôn bản miền núi chính là tấm địu. Từ các bà, các chị cho đến các bé gái lớn đều dùng tấm thổ cẩm này để địu cháu, cõng con, bế em.

Tấm địu ấm êm cho "mặt trời của mẹ"

Hình ảnh thân thuộc ở các thôn bản miền núi chính là tấm địu để giúp các "mặt trời bé con" cảm nhận được sự ấm áp khi nằm trên lưng bà, lưng mẹ... 
"Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng" - Ảnh 1.

Bà lão dân tộc Cơ Tu ẵm cháu bằng tấm địu

Tấm địu con là sản phẩm khá phổ biến của hầu hết các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Nó được dùng để địu trẻ con. Chiều ngang tấm địu thường hẹp tầm 40- 50cm nhưng lại rất dài. Nếu tấm địu của các dân tộc miền núi phía Bắc, mỗi tấm địu đều có hai phần: dây địu và thân địu, thì tấm địu của các dân tộc vùng Trường Sơn- Tây Nguyên là một tấm vải có chiều ngang khoảng 50cm và chiều dài đến ba mét.

"Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng" - Ảnh 2.

Tấm địu của dân tộc Giẻ Triêng

Hình ảnh thân thuộc ở thôn bản miền núi chính là tấm địu. Từ các bà, các chị cho đến các bé gái lớn đều dùng tấm thổ cẩm nầy để địu cháu, cõng con, bế em.

Khi địu trẻ con, người ta không dùng đôi tay để giữ cháu bé đặt nó trên lưng, khoát chéo tấm vải qua vai để tấm địu ôm lấy thân em bé rồi đưa hai đầu tấm địu vòng ra phía trước ngực để thắt lại với nhau. Đối với trẻ sơ sinh, người ta có thể thay đổi tư thế ngược lại, tức đưa đứa bé từ sau lưng ra trước ngực, tạo thành cái túi "căng gu ru".

Phụ nữ dân tộc Mông vừa địu con vừa thêu thùa và địu con lên nương.

Em bé được bao bọc trong tấm choàng, treo trên lưng hay đeo trên ngực, tựa chắc vào cơ thể của người lớn vừa gọn gàng, đảm bảo vừa, nhẹ nhàng, dịu em. Mùa nắng thì chúng được che chở để bảo vệ làn da non, mùa lạnh thì chúng được giữ ấm từ thân nhiệt của cơ thể người mẹ truyền sang.

Những lúc đi đường xa hay lên nương, xuống đồng thì tấm choàng phát huy công dụng và trở nên tiện lợi nhất. Tấm địu ấy đã gắn với hình ảnh của các bà mẹ miền sơn cước, gợi lên nét nữ tính và cả sự chịu thương chịu khó.

Lần lượt từ trái qua phải: Nhóm tượng gỗ dân tộc Cơ Tu với người mẹ điu con sau lưng giã gạo, người bố địu con trước ngực; Bức tượng gỗ của dân tộc Cơ Tu khắc họa người phụ nữ vừa giã gạo vừa địu con; Tượng gỗ dân tôc Cơ Tu miêu tả người mẹ địu con sau lưng.

Một vẻ đẹp rất nhân văn của người phụ nữ miền núi đã đi vào thơ ca, nhạc, hoạ, điêukhắc, nhiếp ảnh, điện ảnh... Đặc biệt, trong kho tàng nghệ thuật điêu khắc gỗ của dân tộc Cơ Tu, hình ảnh người mẹ địu con giã gạo khá phổ biến. Nó được thể hiện bằng tượng tròn, phù điêu trang trí ở ngôi nhà làng truyền thống.

Tác phẩm mẹ địu con thường kết hợp điêu khắc với hội họa, đường nét đục khắc và tô vẽ xen lẫn nhau làm tăng giá trị thẩm mỹ và nội dung chủ đề. Đây là những tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ dành cho những đứa con thơ bé.

"Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng" - Ảnh 6.

Khung dệt tấm địu thổ cẩm của dân tộc Mnông.

Chiếc địu có tác dụng giúp những bà mẹ có thể vừa trông con, vừa rảnh tay làm việc: Từ những việc nhẹ nhàng như nấu cơm, giặt giũ, dệt vải đến những công việc nặng nhọc như làm nương, lấy củi, gánh nước... Đứa trẻ được địu có thể chơi, ngủ... trong sự an toàn và quan tâm của người mẹ. Ngày nay, nhiều phương tiện trông trẻ hiện đại nhưng tấm địu con vẫn được đồng bào sử dụng khá phổ biến.

Tấn Vịnh
20/06/2023 09:32