Tâm huyết "giữ lửa" nghề thêu ren truyền thống

21/12/2021 06:28
Chị Triệu Thị Xoan, thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động (Bắc Giang), có nhiều tâm huyết "giữ lửa" nghề thêu ren truyền thống

Chị Triệu Thị Xoan, thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động (Bắc Giang), có nhiều tâm huyết "giữ lửa" nghề thêu ren truyền thống

Chị Triệu Thị Xoan, dân tộc Dao ở tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động (Bắc Giang) đã tích cực học tập, chủ động, sáng tạo duy trì nghề thêu ren truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Quyết tâm bảo tồn giá trị nghề thêu ren truyền thống

Chia sẻ về tâm huyết của mình trong việc "giữ lửa" nghề thêu, chị Xoan cho biết, trong những nghề truyền thống còn được lưu giữ tại tổ dân phố Mậu, thì nghề thêu ren có nhiều tiềm năng phát triển.

Giữ lửa nghề thêu ren - Ảnh 1.

Chị Triệu Thị Xoan - Chủ nhiệm CLB thêu ren (thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động, Bắc Giang)

Vì vậy, năm 2012, chị đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) thêu ren, mang hết khả năng của mình để truyền dạy cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp nối nghề này. CLB thêu ren hiện có 16 thành viên, tập trung dạy nghề và làm nghề, giúp chị em vừa làm kinh tế từ sản phẩm truyền thống, vừa bảo tồn phát triển văn hóa.

"CLB đã tổ chức được 6 lớp học, truyền dạy cho 60 học viên là nữ dân tộc Dao. Đến nay 60/60 học viên đều biết thêu ren và làm ra những sản phẩm đẹp, tinh tế, đạt chất lượng cả về mặt thẩm mỹ lẫn ứng dụng. Đây là một thành quả mà CLB đã làm được để giúp chị em trong những lúc nông nhàn, tranh thủ thời gian, tăng thêm thu nhập, đảm bảo đời sống gia đình", chị Xoan chia sẻ.

Giữ lửa nghề thêu ren - Ảnh 2.

CLB đã tổ chức được 6 lớp học, truyền dạy cho 60 học viên là nữ

Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, các thành viên CLB thêu ren luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của thêu ren. Thông qua các sự kiện du lịch, xúc tiến thương mại, sản phẩm thêu ren đã được chị Xoan cùng các thành viên giới thiệu tới nhiều đoàn du khách và được yêu thích.

Chị Xoan cũng tự biên soạn tài liệu về sự hình thành, phát triển của nghề thêu, hướng dẫn hội viên giới thiệu với du khách để tăng thêm ý nghĩa của sản phẩm. Khách du lịch đến với Tây Yên Tử đã vô cùng thích thú với các sản phẩm thêu ren của phụ nữ dân tộc Dao như áo dân tộc, các loại túi, khăn thủ công... Nhiều du khách đã quan tâm và mua làm quà lưu niệm.

Không chỉ truyền cảm hứng cho chị em phụ nữ dân tộc Dao về nghề thêu, chị Xoan còn đi đầu trong phong trào sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu đổi mới các mẫu sản phẩm sao cho có thể tiếp cận tốt với thị trường.

Phát huy sức sáng tạo của nghệ nhân người Dao

Trong bối cảnh nghề truyền thống ngày càng bị mai một, nhiều thách thức đặt ra cho sản phẩm thêu ren như: các nghệ nhân lớn tuổi dần mất đi mà chưa kịp truyền thụ lại được hết tinh hoa truyền thống cho lớp trẻ; thu nhập thấp nên thế hệ trẻ chưa mặn mà đam mê với nghề thêu ren dân tộc; công tác đào tạo nghề còn hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa nhiều, chưa phong phú và đa dạng; sản phẩm chưa thực sự được quảng bá sâu rộng, chưa có chuỗi gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo chị Xoan, khó khăn lớn nhất của nghề thêu ren là chưa đáp ứng và thu hút được lớp trẻ tham gia, chưa giới thiệu được nhiều cho khách tham quan du lịch; chưa có khu du lịch cộng đồng nên rất khó để thu hút khách du lịch mua sắm.

Giữ lửa nghề thêu ren - Ảnh 3.

Các thành viên của CLB thêu ren

Nhận định được điều đó, chị Xoan đã có những kế hoạch cụ thể để CLB thêu ren duy trì và nâng cao chất lượng. Cùng với đó là khuyến khích phụ nữ dân tộc Dao tích cực học tập, chủ động sáng tạo duy trì nghề thêu ren truyền thống.

"Chúng tôi phát huy sự sáng tạo và tâm huyết của nghệ nhân, đặc biệt đội ngũ trí thức trẻ có chuyên môn về mỹ thuật, có tay nghề cao. Họ là chủ thể quan trọng tham gia thực hiện đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình duy trì và phát triển thêu ren thủ công. Chúng tôi cũng khuyến khích sự sáng tạo và tâm huyết của chị em phụ nữ để chị em có động lực phát huy. Cuối cùng, là biện pháp bảo tồn những hoa văn cổ đã phục chế, gắn với nâng cao chất lượng và cải tiến đa dạng mẫu mã sản phẩm. CLB cũng kêu gọi các tổ chức cá nhân giúp đỡ quảng bá sản phẩm; thu hút nhà đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng để kết nối với khách du lịch các nơi về tham quan", chị Xoan cho biết.

Để giữ gìn được các bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, chị Xoan cũng đề nghị các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Đồng thời hỗ trợ chị em quảng bá và tiêu thụ sản phẩm gắn liền với việc phát triển kinh tế xã hội.

Giữ lửa nghề thêu ren - Ảnh 4.

Nhiều phụ nữ dân tộc Dao ở thị trấn Tây Yên Tử có thêm thu nhập, nâng cao đời sống từ nghề thêu ren

Chị Xoan cho biết: "Tôi muốn truyền lửa để chị em không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm. Khi sản phẩm được tiêu thụ tốt, bản thân chị em có thêm thu nhập, sẽ vượt ra khỏi tư tưởng tự ti, an phận của đa số phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay. Đồng thời, qua việc quảng bá sản phẩm sẽ nâng cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó vươn lên để chị em không ngừng tiến bộ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn