Tâm huyết với việc bảo tồn di sản văn hóa của người Dao Thanh Y

25/05/2021 19:21
Phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y trong trang phục truyền thông

Phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y trong trang phục truyền thông

Nghệ nhân Bàn Thị Vinh, sinh năm 1940, trú tại thôn 4, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Bà luôn tâm huyết với việc giữ gìn và lưu truyền những di sản văn hóa của người Dao Thanh Y cho thế hệ mai sau.

Từ làn điệu dân ca ngọt ngào

Từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, bà Bàn Thị Vinh cũng như cả cộng đồng đã được "tắm" mình và thực hành các nghi lễ, phong tục tập quán của người Dao Thanh Y. Như nhiều trẻ nơi đây, bé gái Bàn Thị Vinh đã được lớn lên trong những làn điệu dân ca ngọt ngào qua thể hát giao duyên khi theo bà và mẹ lên nương, đi hội và trong cuộc sống hàng ngày.

Những lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y vốn mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, được hò đệm ngân dài, trầm bổng, da diết như lời tâm tình đã làm say mê bao thế hệ người Dao Thanh Y và bà không phải ngoại lệ.

Lên 8 tuổi, bà bắt đầu học hát dân ca cũng như học thêu hoa văn trên trang phục dân tộc Dao Thanh Y từ mẹ - bà Trương Thị Ba (trú tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, nay là TP Uông Bí, Quảng Ninh).

Yêu và trân trọng những di sản văn hóa của dân tộc mình, bà chú tâm ghi nhớ, lưu giữ những gì liên quan. Vì thế, bà không chỉ thuộc nhiều chuyện kể, bài dân ca mà còn có giọng hát rất ngọt. Bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là biểu diễn dân ca của dân tộc mình ở huyện, tỉnh và ngoại tỉnh và là người truyền cho thế hệ trẻ về tình yêu đối với các làn điệu dân ca.

Đôi bàn tay vàng

Bà còn là người am hiểu các phong tục tập quán của dân tộc mình và giỏi trang điểm cho các cô dâu, chú rể người Dao trong đám cưới truyền thống. Đặc biệt, bà còn được xem là "đôi bàn tay vàng" trong nghề thêu các trang phục truyền thống.

Tâm huyết với việc bảo tồn di sản văn hóa của người Dao Thanh Y - Ảnh 1.

Bà Bàn Thị Vinh còn được xem là "đôi bàn tay vàng" trong nghề thêu các trang phục truyền thống

Nghề thêu thùa, may vá của người Dao Thanh Y ở đây khá độc đáo, được phụ nữ truyền khẩu để lưu giữ bằng trí nhớ qua các thế hệ. Các họa tiết thêu không theo mẫu được vẽ sẵn mà thêu theo trí nhớ, vì vậy khi thực hành, họ đều tập trung tâm trí vào từng mũi kim, đường chỉ. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và khả năng ghi nhớ, óc tưởng tượng và trình độ thẩm mỹ cao. Chỉ một đôi gấu quần, phải ít nhất ba tháng thêu liên tục và đôi vạt áo cũng khoảng hai tháng.

Nghệ nhân Bàn Thị Vinh chia sẻ: "Người ta nhìn vào trang phục của cô gái Dao để biết được đó là cô gái chăm chỉ, siêng năng, khéo léo hay không. Mỗi cô gái khi đến tuổi lập gia đình, phải tự thêu được một bộ quần áo, khăn mũ đẹp để mặc đi hội, đi chơi và mặc trong đám cưới của mình".

Ý thức về việc bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc mình, nghệ nhân Bàn Thị Vinh đã tích cực chỉ bảo, truyền dạy cho phụ nữ trong thôn và đi giảng dạy, truyền nghề cho thế thế hệ trẻ ở các xã, huyện trong tỉnh. Năm 2011, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Kỉ niệm chương "Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian" cho bà để ghi nhận những đóng góp của bà với văn hóa dân tộc.

Thu Loan

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn