Tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse trắng vào tuyến đầu chống dịch

25/07/2021 16:16
ĐBQH Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/7 về tình hình kinh tế - xã hội

ĐBQH Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/7 về tình hình kinh tế - xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 25/7 về tình hình kinh tế - xã hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu) – Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội chia sẻ: Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, bất kể nguy nan.

Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, công tác chống dịch Covid-19 hiện nay là vấn đề cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có đội ngũ tăng ni, phật tử.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm khẳng định, trong 6 tháng đầu năm qua, ngoài những kết quả về kinh tế - xã hội đã đạt được như báo cáo đã nêu, còn có những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước đã thành công, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đặc biệt hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra trên toàn thế giới, theo đại biểu, nước ta đã và đang kiểm soát dịch tốt dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự đồng tình, chung sức, chung lòng chống dịch của toàn dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Trong khối đại đoàn kết dân tộc ấy cũng có sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo. Ví dụ như làm lễ, giảng pháp của các tôn giáo đều trực tuyến. Nhiều báo chí ngày 22/7 đã đưa tin, có 299 tình nguyện viên là tăng ni, tu sĩ, các tôn giáo trên địa bàn TPHCM tình nguyện tham gia vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

"Đây mới chỉ là đợt một, số lượng còn lại sẽ lên đường vào các đợt tiếp theo dưới sự điều phối của Sở Y tế TPHCM. Điều đó chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần "thương người như thể thương thân" của đồng bào ta" – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhìn nhận.

"Hàng trăm tình nguyện viên các tổ chức tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch" - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải trao vật dụng và trang thiết bị thiết yếu đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên là tăng ni, tu sĩ.. xuất quân tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Thành ủy TPHCM

Theo ông, hơn 2.000 năm qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa khoác chiến bào cùng nhân dân đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni phật tử khắp mọi miền đã đi đến những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, bất kể nguy nan. Chỉ tính đến ngày 20/7, đã có 612 tình nguyện viên phật giáo, trong đó có 59 tăng ni và 553 phật tử phát tâm đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã "xung phong" trở thành bệnh viện dã chiến; những chiếc máy thở, những phòng áp lực âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa trong cả nước đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm đến những vùng tâm dịch, để hỗ trợ người dân đang bị cách ly, lực lượng tuyến đầu.

Ngoài ra, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành cùng tín đồ phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi tăng ni, phật tử cả nước cấm túc ở yên một chỗ tụng kinh cầu nguyện đẩy lùi dịch bệnh.

"Qua đó, tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm từ niềm tin và tình người. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là bản lĩnh của người Việt Nam, càng khó khăn mà biết chăm lo, thúc đẩy thì càng sẽ là động lực giúp chúng ta vượt khó vững bước trên con đường đã chọn", Đại biểu Thích Bảo Nghiêm nhìn nhận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.