Tết này có còn quá tải rút tiền ATM?

Mai Vàng
13/01/2022 - 18:27
Tết này có còn quá tải rút tiền ATM?

Người dân xếp hàng tại một cây ATM rút tiền. Ảnh: ST

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm.

"Cơn ác mộng" mang tên "xếp hàng rút tiền"

Những năm trước, việc cây rút tiền ở một số thành phố lớn thường rơi vào tình trạng quá tải, nhất là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, nơi có lượng giao dịch rút tiền, chuyển tiền lớn. Bên cạnh đó, nhiều máy ATM giới hạn số tiền mỗi lần rút cũng khiến không ít người khó chịu. Theo chị Lê Hà, công nhân một nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội), chị cần rút 6 triệu đồng nhưng phải mất tới 3 lần rút, rất mất thời gian. "Ra ngân hàng thì mình được rút và chuyển nhiều hơn nhưng cũng phải xếp hàng đợi số, có khi đến gần một tiếng, bởi ngày Tết giao dịch ở các ngân hàng rất đông", chị Hà cho hay.

Chị Linh Anh (ở Trung Tự, Hà Nội) tuy không ở khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng cũng phàn nàn về việc phải xếp hàng rút tiền những ngày giáp Tết. "Chờ 20 phút, đến lượt mình rút tiền thì máy hết tiền, hoặc báo lỗi. Những lúc như thế bực mình lắm!", chị Linh Anh nhớ lại những mùa Tết trước. Chị Linh Anh cho hay, tuy chị sử dụng thanh toán điện tử khá nhiều song không phải lúc nào cũng có thể thanh toán điện tử được. "Nếu bạn đi chợ, bạn bắt buộc phải dùng tiền mặt. Mà ngày giáp Tết thì mình đi chợ khá nhiều. Hay như tiền lì xì đầu năm theo truyền thống vẫn phải dùng đến tiền mặt", chị Linh Anh phân tích. Vì thế, rút kinh nghiệm, năm nay, dù còn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán song chị Linh Anh đã rút dần tiền mặt để đến giáp Tết không phải xếp hàng nữa.

Tết này có còn quá tải rút tiền ATM? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng tại một cây ATM rút tiền. Ảnh: ST

Lượng người rút tiền tại ATM năm nay sẽ không cao?

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm. Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phân tích: "Thứ nhất, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người dân. Vì thế, khả năng công nhân tập trung rút tiền mặt tại ATM ở các khu công nghiệp sẽ ít xảy ra hơn. Thứ hai, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử giúp phân tải từ hệ thống ATM sang hệ thống thanh toán khác. Vì vậy, lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm".

Theo thống kê, tính trong 10 tháng đầu năm 2021, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ; qua kênh Internet tăng tương ứng 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; qua kênh QR Code tăng 54% và 120% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...

Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng hoạt động và đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã hướng dẫn và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngân hàng. Trong đó, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia (Napas), đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, có thể xử lý tới 7 triệu giao dịch chuyển mạch mỗi ngày mà hệ thống vẫn thông suốt. Từ 2020 đến hết năm nay, Ngân hàng Nhà nước ước tính tổng tiền phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (Napas) đã giảm cho khách hàng là hơn 2.550 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. "Cần có những biện pháp cần thiết khi ATM dịp cuối năm thường quá tải, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng có những hình thức đáp ứng thuận lợi cho người dân, có thể rút tiền ở nhiều nơi chứ không chỉ ở nơi làm việc hoặc ở doanh nghiệp đang làm việc", ông Tú nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm