Tết Trung Thu ghé cơ sở sản xuất "lân - sư - rồng" nổi tiếng khắp miền Trung

29/08/2022 11:02
Học sinh trang trí đầu ông Địa

Học sinh trang trí đầu ông Địa

Đến cơ sở sản xuất “lân - sư - rồng” “Mai Vàng - Song Lân Hội” (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vào những ngày này có thể dễ dàng bắt gặp những đầu ông Địa, Tôn Hành Giả… phơi dọc lối vào “lò lân”, tạo nên cảnh quan nhiều màu sắc khi Tết Trung Thu 2022 đang đến gần.

Từ niềm đam mê thuở nhỏ đến thương hiệu nổi tiếng

Anh Mai Văn Vàng (52 tuổi), chủ cơ sở chế tác "lân - sư - rồng" cho hay, anh có trên 30 năm gắn bó với nghề sản xuất đầu lân. Từ thời thơ ấu, anh đã đam mê trò chơi múa lân, anh thường theo các bậc đàn anh trong thôn, xóm đi múa lân trong vùng nhân dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên Đán. Giờ đây, mỗi lần Trung thu về, cứ nghe tiếng trống ếch rộn ràng là anh muốn đi múa lân đón Trung thu cùng các cháu để nhớ về những ngày thơ ấu.

Tết Trung Thu ghé cơ sở sản xuất "lân - sư - rồng" nổi tiếng khắp miền Trung - Ảnh 1.

Anh Mai Văn Vàng giới thiệu một đầu Lân.

Anh Vàng cho hay, trước đây, để thỏa sức với niềm đam mê, anh thường xuyên tìm đến những lò làm lân ở Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh để học hỏi thêm kỹ thuật và kinh nghiệm chế tác của những nghệ nhân lâu năm. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định gắn bó với nghề làm "lân - sư - rồng" để mưu sinh. Đến năm 1995, cơ sở sản xuất "Mai Vàng - Song Lân Hội" do anh làm chủ được thành lập và trở thành địa chỉ sản xuất đầu lân, mặt nạ chất lượng và nổi tiếng khắp miền Trung.

"Công đoạn đầu tiên là tạo khuôn cơ bản cho một chiếc mặt nạ, sau đó dán giấy bồi. Người thợ sẽ bồi giấy bìa, giấy báo lên khuôn xi măng đúc sẵn, phết hồ lên để kết dính các lớp giấy. Điều đặc biệt là loại keo được sử dụng trong tất cả các công đoạn làm mặt nạ đều được làm từ bột sắn quấy đặc, cũng là một sản phẩm thiên nhiên thân thiện với người sử dụng. Sau khi phơi khô, mặt nạ được phủ sơn lên và vẽ tay. Công đoạn vẽ khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử, để cho ra được sản phẩm có thần thái, người vẽ phải nhấn vào các chi tiết râu, mắt… để trở thành những món đồ chơi không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích…"- anh Vàng cho biết.

Anh Vàng cho hay, hằng năm, cứ sau mùa Trung thu năm trước, anh bắt đầu mua các vật tư, giấy, sơn, vải… để bắt đầu sản xuất cho mùa Trung Thu năm sau. Hiện nay, cơ sở sản xuất các loại đầu Lân, đầu các ông Địa, Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới với 14 loại mẫu mã khác nhau. Chỉ riêng về đầu Lân có 10 kích cỡ và mẫu mã.

Loại đầu Lân nhỏ nhất (loại 1) dành cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi "múa chơi" có giá khoảng 60.000 đồng/bộ. Loại đầu Lân lớn nhất (loại 10) có giá 700.000 đồng- 1.300.000 đồng/bộ. Đặc biệt, có những cái đầu lân "cách điệu" làm theo yêu cầu của khách hàng có giá 5 triệu đồng/cái. Mỗi ngày cơ sở sản xuất đầu Lân loại nhỏ là 50 chiếc, loại lớn 10 chiếc. Mỗi năm, đến tháng 8 (âm lịch), anh Vàng lại xuất bán hơn 15.000 đầu lân lớn nhỏ. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà đầu lân sẽ được chế tác đa dạng với giá thành cao hơn, đặc biệt tại xưởng đã từng bán cặp lân trị giá hơn 20 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là miền Trung và Tây Nguyên, có một số đầu Lân theo chân khách du lịch đến Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và cả nước ngoài.

Nhờ mẫu mã đa dạng, sáng tạo đổi mới hằng năm nên sản phẩm của cơ sở Mai Vàng - Song Lân Hội được nhiều người ưa thích và tiêu thụ nhiều nơi như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Bình, Nghệ An… Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở của anh Vàng thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Anh Vàng cho biết thêm, trong mỗi mùa hè, cơ sở của anh có gần 30 em học sinh, sinh viên trong vùng đến vừa học vừa làm với niềm vui đam mê nghệ thuật làm lân và múa lân. Ngoài ra, cơ sở luôn có 10 lao động trong thôn thường xuyên làm việc lúc nông nhàn với mức lương từ 3.000.000 đến 6.000.000 đồng/tháng.

Tết Trung Thu ghé cơ sở sản xuất "lân - sư - rồng" nổi tiếng khắp miền Trung - Ảnh 2.

Vợ anh Vàng đang phơi đầu ông Địa ven đường.

Chị Thân Thị Kim Mai (49 tuổi, vợ anh Vàng) cho hay, khi tôi về làm vợ anh Vàng thì được anh chỉ dạy từng công đoạn làm đầu lân, thay anh quản lý hàng hóa ra vào. Lâu dần tôi trở nên yêu thích "con lân", đồng thời cảm thấy rất vui khi cơ sở tạo việc làm lúc nhàn rỗi cho hàng chục lao động là học sinh, sinh viên trong vùng. Chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các em có năng khiếu vẽ, yêu thích làm lân được đến đây để học nghề, rèn luyện thêm kỹ năng.

Anh Vàng cho hay, với nghề này, "thầy trò" anh thỏa mãn được niềm đam mê, sở thích đồng thời anh rất vui vì đã mang công việc đến cho các em trong kỳ nghỉ hè, góp một phần nhỏ giúp cho các em học sinh phát huy năng khiếu, đồng thời có thêm thu nhập trang trải việc học hành, tránh xa được các thói hư tật xấu ngoài xã hội (như đá banh ngoài đường, mê chơi game…) trong những tháng nghỉ hè. Thêm vào đó các em học sinh nghèo có tiền mua sắm đồ dùng học tập, mua xe đạp để đến trường trong năm học mới…

Học sinh làm đầu lân để có thu nhập mua áo quần, sách vở, dụng cụ học tập.

"Tại đây, chúng em không chỉ học cách chế tác những con lân mà còn được anh Mai Vàng hỗ trợ tiền thù lao với mức trên 3 triệu đồng/tháng. Cứ đến kỳ nghỉ hè em lại xin ba mẹ sang xưởng lân Mai Vàng học nghề. Em được trải nghiệm hết các công đoạn làm lân. Vừa học vừa phụ việc, tiền nhận về em trang trải học phí đỡ đần ba mẹ…"- em Dương Hiển Quốc (16 tuổi) cho biết.

Em Phan Phước Vương (17 tuổi) cho hay, bởi vì em yêu thích con lân nên kỳ nghỉ hè nào cũng đến cơ sở của chú Vàng để học nghề, vẽ hoa văn, họa tiết trang trí. Đồng thời lúc rảnh rỗi, em làm những công đoạn nhỏ như cắt vải, sơn màu, gắn đèn để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình, mua thêm sách vở đi học.

Lưu giữ ký ức tuổi thơ

Hằng năm, vào dịp Tết Trung Thu, cơ sở của anh xuất 2 bộ Lân "đặc biệt" nhằm múa biểu diễn cho trẻ em khuyết tật ở huyện nhà xem, bởi vì đa số các em ngoài làm Lân đẹp ra, múa Lân cũng rất điệu nghệ. Anh Vàng cũng tham gia trong những lần biểu diễn múa lân này. Ngoài ra, hằng năm cơ sở của anh xuất bán khoảng 50 đầu lân cho trẻ em quanh vùng với giá vốn để các em có điều kiện mua sắm lân vui chơi.

Không chỉ gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc cho các thế hệ sau, người làng anh Vàng còn tự hào giới thiệu với du khách đến thăm làng về "đặc sản" quê hương. Những thứ đồ chơi mộc mạc, dân dã trong mắt du khách nước ngoài đều độc đáo và thú vị.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân trong làng chia sẻ, vì sản phẩm làng nghề làm thủ công, chắc chắn và sáng tạo nên du khách rất ưa chuộng, thường mua làm quà khi trở về nhà. Điều này cũng tiếp lửa cho làng nghề được sống và lan tỏa giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn