Ngôi chùa sở hữu nhiều nét độc đáo ở Hà Nội

01/03/2022 21:44
Cổng ngũ quan chùa Bối Khê cũng chính là cổng làng thôn Song Khê, xã Tam Hưng

Cổng ngũ quan chùa Bối Khê cũng chính là cổng làng thôn Song Khê, xã Tam Hưng

Chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một ngôi chùa cổ độc đáo. Tham quan ngôi chùa, du khách sẽ khám phá ra được nhiều điều hấp dẫn.

Chùa Bối Khê được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông. Chùa tọa lạc trên một khoảng đất rất rộng, ngay trước sân chùa là một bãi đất trống mà theo ghi chép lại thì đây từng là nơi tuyển mộ quân lính triều Trần. Trên bãi đất là một cây đa khoảng 600 tuổi cùng với 5 mộ tháp. Chùa Bối Khê giữ gần như được kiến trúc cổ từ khi xây dựng gồm sân chùa, cổng ngũ quan, hồ sen, chính điện, bia đá, hậu đường… Chùa có kiến trúc tổng thể tiền Phật hậu Thánh, vị Thánh được thờ là Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An.

Điều độc đáo ở chùa Bối Khê chính là 2 cây sen đất mà nếu như ai không biết sẽ tưởng là hai cây ăn quả thân gỗ ở ngay sân chùa. Chắc hẳn, chúng ta đều biết đến các câu ca dao: Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc nón trên cành hoa sen…" "Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…".

Thăm ngôi chùa nhiều nét độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 1.

Tòa đại bái chùa Bối Khê được trùng tu gần nhất vào thời nhà Nguyễn

Nhiều người sẽ liên tưởng ngay hoa sen ở đây là loại sen chúng ta thường thấy mọc ở ao đình, nở vào mùa hè và thân nước rất dễ gẫy. Tuy nhiên, không có sen nước nào có thể treo được cái nón và người ta thường dùng từ ngắt với sen nước chứ không dùng từ bẻ như bẻ cây thân gỗ. Bởi vậy, sen trong hai câu ca dao trên chính là hoa sen đất hay có tên khác là hoa lục liên. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hoa sen đất từ xa xưa vốn rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam và đã đi vào văn hóa đời sống, tuy nhiên theo biến thiên của thời gian mà hoa sen đất đã trở nên cực kỳ khan hiếm.

Hoa sen đất là một loại sen cạn, hoa trắng và rất thơm, thân gỗ và chỉ nở hoa vào tháng Tư, tháng có ngày lễ Phật đản. Hoa chỉ có nhụy vàng chứ không có gương sen như sen nước, nhưng khi cánh hoa khô rồi vẫn để lại hương thơm.

Thăm ngôi chùa nhiều nét độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 2.

Cây hoa sen đất trong chùa Bối Khê

Ở chùa Bối Khê, sen đất nở đều đặn hằng năm, mỗi cây cũng chỉ nở độ mươi bông. Hiện chùa Bối Khê có 2 cây hoa sen đất do Phật tử cung tiến, nhiều người nói đã hàng trăm năm rồi.

Hình tượng chim thần Garuda và sàng đá cổ

Trong thượng điện chùa cũng có một di vật rất quý hiếm. Giống như bao ngôi chùa khác, chùa Bối Khê cũng gồm Tam bảo, dãy tượng La hán, tượng Hộ pháp, bia đá… Chùa Bối Khê có tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay được đỡ bằng bệ sen bằng đá, bốn góc bệ đá là hình tượng Chim thần Garuda, phiên âm Hán Việt là Đại bàng Kim Sí Điểu. Garuda vốn là một loài chim cưỡi của thần Vishnu trong Hindu giáo, trong Phật giáo do làm nhiều điều ác, hay ăn thịt rồng nên đã bị Phật tổ bắt lại và cảm hóa, quy y Tam bảo. Sau đó, Garuda trở thành một trong Bát bộ chúng và đỡ bệ sen cho Bồ tát, thể hiện sức mạnh và sự giác ngộ của Garuda.

Thăm ngôi chùa nhiều nét độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 3.

Chiếc sàng đá cổ ở sân chùa

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, hình tượng Garuda đỡ bệ sen là một hình tượng biểu trưng cho sự cảm hóa của nhà Phật đối với các loài vật hung dữ, hay làm việc ác. Hiện nay, hình tượng điêu khắc này còn lại rất ít ở chùa Bắc bộ do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh nên bệ đá đỡ Bồ tát có tạc hình chim thần Garuda ở chùa Bối Khê là một di vật hết sức quý giá và đặc trưng.

Ngoài ra, sân chùa còn một chiếc sàng đá cổ ước tính đã có từ vài trăm năm, trên sàng có nhiều họa tiết rồng phượng, điêu khắc tinh xảo, trải qua bao nắng mưa nhưng vẫn còn rõ từng đường nét, họa tiết.

Hầm kháng chiến kiểu mẫu

Chùa Bối Khê không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là di tích kháng chiến. Phía sau khuôn viên chùa còn lưu giữ lại hầm kiểu mẫu thời kháng chiến chống Pháp. Hầm được đích thân đồng chí Vũ Song – Bí thư Thành ủy Hà Đông (cũ) chỉ đạo đào tháng 1/1948.

Năm 1949, Huyện ủy Thanh Oai đã ra Nghị quyết trong toàn huyện lấy mô hình làng kháng chiến Bối Khê làm làng kháng chiến kiểu mẫu. Tháng 12/949, Tỉnh ủy Hà Đông ra Nghị quyết phát động trong toàn tỉnh xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu như làng Bối Khê trong đó nhấn mạnh xây dựng hầm như hầm Bối Khê. Hiện nay các hầm trong xã và các xã lân cận đều đã bị phủ kín, bịt chặt theo thời gian, duy chỉ có hầm trong chùa Bối Khê và vẫn còn giữ được một cửa và địa đạo dài khoảng 7m.

Thăm ngôi chùa nhiều nét độc đáo ở Hà Nội - Ảnh 4.

Lối xuống hầm kiểu mẫu ở sau chùa Bối Khê

Hiện nay, Hầm đã được xây dựng lại chỉnh trang hơn, tuy chỉ còn lại khoảng 7m địa đạo nhưng đây vẫn là nơi để người dân trong làng ôn lại lịch sử hào hùng của dân làng cũng như giáo dục lòng yêu nước đến thế hệ trẻ.

Ông Kiều Văn Pháo, người viết thánh tích chùa Bối Khê, từng có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử quê hương cho biết: Chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ và có giá trị di sản rất lớn. Từ việc có cả ngũ quan lẫn tam quan, kiến trúc tiền Phật hậu Thánh đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được phong cách kiến trúc từ các thời Trần, Mạc, Lê và thời Nguyễn và nhiều nghi thức tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo, thờ đa thần giáo, thờ tổ tiên và người có công với đất nước. Vì vậy, chùa Bối Khê có vị trị rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Bối Khê nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung. Với sự cổ kính, kiến trúc độc đáo, chùa Bối Khê được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1979.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.