Tháng 7 theo bà tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

26/07/2021 10:43
Tuổi trẻ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: ST

Tuổi trẻ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: ST

Mỗi năm, đến dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), tôi và mấy anh chị em lại theo chân bà và mẹ ra nghĩa trang liệt sĩ. Bà tôi, có một người em trai, đã hy sinh ở khu vực cầu Hàm Rồng.

Gần đây, tôi có xem lại bộ phim "Truyện cổ tích cho tuổi 17" của hai đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn và Phạm Xuân Lộc, biên kịch Phạm Thanh Nhã. Ban đầu, tôi xem lại phim này vì nhớ vẻ dịu dàng, pha chút u buồn mà cũng đầy kiêu kì của NSƯT Lê Vi. Đến khi những thước phim đen trắng ấy kết thúc, không hiểu sao trong lòng tôi chỉ có thể gọi tên một cảm xúc khó gọi tên.

Người ta có thể dựng lên một bộ phim về chiến tranh không có mùi thuốc súng. Nhưng chẳng ai có thể kể một câu chuyện về cơn cuồng phong của chiến trận mà không có sự chia ly, mất mát…

Mỗi năm, đến dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), tôi và mấy anh chị em lại theo chân bà và mẹ ra nghĩa trang liệt sĩ. Bà tôi, có một người em trai, đã hy sinh ở khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Năm ấy, ông cậu của tôi mới 17 tuổi.

Ông cậu hy sinh năm 1968, lúc đó bà tôi còn chưa lấy chồng. Nhưng hình ảnh của người em trai ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng chị gái. Ông cậu thường xuất hiện trong những câu chuyện kể của bà tôi về mái nhà ở nhà quê thuở bé. Mẹ tôi và cả chúng tôi sau này đôi lúc có cảm giác rằng ông cậu giống như một người thân đang đi đâu đó rất xa, đi làm ăn ở nước ngoài chẳng hạn. Bởi những kí ức về người em đã khuất vẫn hiện lên sống động trong tâm trí của bà.

Tháng 7 theo bà tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 1.

Thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Qua bức ảnh thờ đã ngả màu, chúng tôi vẫn nhận ra vẻ tuấn tú, đĩnh đạc của một chàng trai xưa kia khôi ngô nhất làng. Bà bảo, khi còn sống, ông cậu học giỏi lắm, được nhà nước cho đi học ở nước ngoài. Nhưng lúc ấy, cả nước đang chiến tranh, ông cậu cho rằng đi học tiếp là "hèn" nên quyết tâm viết đơn xin nhập ngũ. Người làng, ai cũng bảo làm vậy là dại, còn ông cậu tôi khi ấy chỉ cười: "Mai mốt, hết chiến tranh lại đi học, lo gì!".

Ngày ấy, bà tôi bảo ông cậu rất gầy, không đủ cân nặng để nhập ngũ, ông bèn giấu cả viên gạch to trong người. Người phụ trách khám tuyển dễ dàng phát hiện ra sự "gian lận" này. Khổ nỗi, thấy chàng trai trẻ khi ấy cương quyết quá nên đành bỏ qua. Được hơn 10 tháng tuổi quân, ông cậu hy sinh. Chiến tranh rồi cũng kết thúc, nhưng có những ước mơ của tuổi 17 mãi mãi không có cơ hội trở thành hiện thực.

Ngày ông cậu mất, cả nhà ai cũng khóc, duy chỉ có cụ tôi là bình thản. Bà kể, cụ bảo rằng: "Làm trai, lúc cần, phải hy sinh vì nước. Nó không đi học mà quyết tâm đi bộ đội, bây giờ dẫu có hy sinh thì chắc chắn hương hồn nó cũng thanh thản".

Khi học đại học, có một giảng viên mà tôi rất kính trọng. Thầy đã về hưu nhưng vẫn tham gia công tác giảng dạy. Thầy bảo đến trường gặp sinh viên cho đỡ buồn, có thêm chút tiền uống trà, lại tránh xa được bệnh lú lẫn.

Mỗi khi đám sinh viên "học trước quên sau" tỏ lòng ngưỡng mộ về vốn kiến thức uyên thâm, cùng trí nhớ còn nhạy hơn cả máy tính, đụng đâu nhớ đó của thầy, ông giáo già-thầy vẫn luôn thích được gọi như thế lại trầm ngâm nói khẽ: "Tôi chỉ thuộc nhóm trung bình của thế hệ chúng tôi thôi. Bạn bè tôi nhiều người thông minh lắm! Tiếc là họ hy sinh ngoài mặt trận. Nếu họ còn sống, chắc chắn sẽ làm nên chuyện".

Ngày còn sống ông cậu tôi bảo: Sau này có tiền sẽ mua một cái máy xát gạo đem về làng. Các mẹ, các chị sẽ không phải còng lưng mà giã gạo đến khuya nữa. Mai kia, cuộc sống của làng mình rồi cũng sẽ như bên Tây ấy, không phải lúi húi thổi cơm bằng bếp rơm nữa. Cho gạo vào nồi, nhấn nút thế là xong! Khi ấy, ai nghe những câu chuyện của ông cậu kể cũng tưởng là chuyện trên mây.

Tháng 7 theo bà tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 2.

Một bà mẹ Việt Nam anh hùng thất thần trước bia mộ của người thân đã hi sinh. Ảnh: CAND

Ừ thì, cả làng có mỗi một người đi lên huyện học cấp 3, mới biết chuyện phương Tây xa xôi, chứ mọi người quanh năm ở làng, nào có biết gì! Những chuyện mà ông cậu nói giờ đây đã trở thành thường nhật trong cuộc sống. Những chuyện tưởng chỉ có trong mơ giờ đã hiện ra trước mắt. Tuy chỉ có ông cậu là đã thành cát bụi vì đã hy sinh vì dân, vì nước.

Mỗi năm, theo bà ra nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho ông cậu và đồng đội ông dịp 27/7, năm nào tôi cũng thấy lẫn trong khói hương là những giọt nước mắt. Có đứa con khóc nhớ người cha chưa một lần gặp mặt. Đứa cháu nhỏ khẽ giơ tay lau nước mắt khi nghe bà kể về ông nội.

Và hiếm hoi, nhưng cũng thật đáng trân trân trọng, có những người phụ nữ tuổi đã xế chiều đến thắp hương cho người yêu đã hy sinh. Trong khói hương, bà khẽ ngập ngùi: "Nhà ông ấy chẳng còn ai cả. Chính quyền cũng đã thắp rồi, tôi thắp tiếp để người thác xuống đỡ tủi thân"…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát vẫn còn đó. Những ngày này, hàng triệu người mẹ, người vợ, người con và đồng bào cả nước vẫn rưng rưng khi đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ. Và cũng như mọi năm, dù có đau thương nhưng họ vẫn tự hào, bởi người thân của họ đã hy sinh thân mình để đất nước có được tự do, độc lập như ngày hôm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.