Dệt vải vốn là công việc quen thuộc của người phụ nữ người Dao họ (Dao quần trắng) ở Lào Cai xưa kia. Trải qua nhiều thăng trầm, đã có thời điểm nghề này mai một. Thế nhưng đến nay, người phụ nữ Dao họ lại khôi phục lại nghề...

Thăng trầm nghề dệt của người Dao họ

Dệt vải vốn là công việc quen thuộc của người phụ nữ người Dao họ (Dao quần trắng) ở Lào Cai xưa kia. Trải qua nhiều thăng trầm, đã có thời điểm nghề này mai một. Thế nhưng đến nay, người phụ nữ Dao họ lại khôi phục lại nghề...

Xưa kia người Dao họ sống chủ yếu tự cung, tự cấp, nên việc trồng bông dệt vải luôn được duy trì trong mọi gia đình. Đến thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nghề trồng bông dệt vải thủ công của người Dao họ dần bị lãng quên. Thay vào đó, người dân chủ yếu sử dụng vải hoặc quần áo mua sẵn ngoài chợ bởi tiện dụng hơn rất nhiều so với việc sản xuất thủ công.

Xe sợi

Thiết tưởng nghề dệt vải thủ công sẽ thất truyền trong cộng đồng người Dao họ ở Lào Cai mãi mãi. 

Thế nhưng hưởng ứng theo chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Người Dao họ ở Lào Cai đã mạnh dạn khôi phục lại nghề dệt truyền thống của dân tộc mình một cách mạnh mẽ. 

Những người phụ nữ Dao họ say mê bên khung dệt 

Cho đến nay, hầu như tất cả các làng người Dao họ ở Lao Cai đều có khung dệt truyền thống, chị em đều rất say mê trao truyền và học hỏi kỹ thuật dệt xưa kia của dân tộc mình. 

Bà Lý Thị Luận, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai), cho biết: Khi cuộc sống đỡ khó khăn vất vả hơn trước, người dân lại càng muốn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó có nghề dệt vải, bởi nghề thêu thùa dệt vải không chỉ làm để có quần áo mặc. Mà còn để dạy cho con cháu biết về truyền thống của tổ tiên mình. 

Chung tay khôi phục nghề dệt

Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Sang, ở Sơn Hà, Bảo Thắng, chia sẻ: Người Dao họ từ xưa có truyền thống là ngày tết thì người mẹ sẽ ngồi dệt vải, để các con gái biết tôn trọng nghề, học nghề để biết lo may vá thêu thùa quần áo cho gia đình. Lúc kinh tế khó khăn, đồ mua sẵn ở chợ rẻ hơn và tiện hơn thì nhiều gia đình đã bỏ nghề dệt vải. Nhưng nay thì mọi người đều muốn khôi phục nghề, đó cũng là điều tự hào của dân tộc chúng tôi, giữ lại nghề cũng là giữ lại hình ảnh dân tộc mình. 

Lào Cai: Thăng trầm nghề dệt của người Dao họ  - Ảnh 4.

Lào Cai: Thăng trầm nghề dệt của người Dao họ  - Ảnh 5.

Tre già măng mọc...

Cho đến nay, hàng tuần chị em người Dao họ lại quây quần bên khung dệt vải, người thì dệt, người thêu thùa như một buổi sinh hoạt giải trí. Nhưng phía sau lại là việc giữ gìn lại nghề truyền thống vốn gắn bó, đồng hành với dân tộc họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tên gọi người Dao quần trắng cũng từ đó mà ra. 

Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cho biết: Nghề dệt của người Dao họ phát triển trở lại, đồng nghĩa với việc thêu thùa cũng phát triển theo thành một trào lưu của chị em trong cộng đồng. Đặc biệt là việc thêu thùa của chị em phụ nữ người Dao họ rất độc đáo, đó là quy chuẩn họa tiết, hoa văn, đều được thêu từ mặt trái, nên không lộ mối chỉ.

Họa tiết hoa văn thêu thùa của người Dao họ

Nhờ những nỗ lực khôi phục nghề dệt truyền thống đó, ngày 4/4/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ký quyết định số 783/QĐ-BVHTTDL công nhận nghề dệt của người Dao họ huyện Bảo Thắng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.