Nét đặc sắc nhất trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là thanh niên trai tráng được hóa trang thành "người rừng", cùng các cô gái mặc sắc phục truyền thống rực rỡ nhảy điệu múa nghi lễ.

Thanh niên hóa trang thành "người rừng" trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô


Nét đặc sắc nhất trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là thanh niên trai tráng được hóa trang thành "người rừng", cùng các cô gái mặc sắc phục truyền thống rực rỡ nhảy điệu múa nghi lễ.

Trong các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, không thể không nhắc đến lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đây là một nghi lễ cổ truyền có từ lâu đời của người Lô Lô. Mỗi gia đình người Lô Lô đều có bàn thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên chung của dòng họ chỉ được tổ chức tại các gia đình trưởng họ. Trong nghi lễ cúng tổ tiên gồm có nghi thức mời thầy cúng, mượn trống, mời nghệ nhân đánh trống, lễ mời và mời người về hóa trang thành "người rừng".

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 1.

"Người rừng" vừa được hóa trang thành ma cỏ

Thầy cúng chính làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng. Thầy cúng bắt đầu bài cúng: "Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, con cháu thể hiện lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên, không bao giờ được phép quên tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Con cháu luôn nhớ tới ngày xưa nguyên thủy, tổ tiên mặc áo lá cây, ăn ở trong núi. Trải qua bao khó khăn vất vả, chúng con luôn nhớ về công ơn to lớn của tổ tiên. Mong tổ tiên phù hộ cho chúng con luôn được vui vẻ và hạnh phúc".

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 2.

Thầy cúng thực hành nghi thức thiêng liêng nhất trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô

Nét đặc sắc nhất trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là thanh niên trai tráng được hóa trang thành "người rừng", cùng các cô gái mặc sắc phục truyền thống rực rỡ nhảy điệu múa nghi lễ.

Trước khi vào lễ hội, đồng bào cử thanh niên trai tráng vào rừng thu hái loại cỏ dại, dây leo lá nhỏ, dày để hóa trang thành "người rừng" hay "ma cỏ". Người được cử hóa trang làm "người rừng", "ma cỏ" mặc quần áo vào trước, sau đó một vài người khác hỗ trợ, lấy dây và cỏ buộc vào thân người họ. Đồng bào buộc cỏ thành chùm rồi phủ từ trên đỉnh đầu xuống tận cổ chân sau đó lấy dây buộc vào thân mình. Trên mặt đeo chiếc mặt nạ bằng giấy bìa cát tông.

Những cô gái Lô Lô trang điểm, đeo các món trang sức làm đẹp trước lúc làm lễ cúng tổ tiên và tham gia lễ hội

Hóa trang xong, "người rừng" về bản tham gia lễ hội. Trên đường từ rừng về làng, về nhà để làm lễ, theo tục lễ, nhân dân trong bản thường tránh mặt "ma cỏ", nhìn thấy từ xa thì tránh đi đường khác, không nhìn, không chào hỏi, không đi ngược đường để phải đối diện "ma cỏ". Người hóa trang lặng lẽ đi, không ho hắng, nói chuyện, không được vấp ngã và đi thẳng vào cổng nhà làm lễ cúng tổ tiên.

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 4.

"Người rừng" đã được hóa trang và nhóm múa nữ chuẩn bị bước vào lễ hội cúng tổ tiên

"Người rừng" chờ đợi để tham gia điệu múa nghi lễ linh thiêng. Theo nhịp trống đồng, bước chân của chàng trai, cô gái Lô Lô khi tiến, khi lùi, lúc lại nhún xuống thật nhịp nhàng. Sự thay đổi của tiết tấu trống đồng dẫn đến sự thay đổi của vũ đạo của đội múa nghi lễ trong vòng xoay của điệu thức múa nghi lễ cùng với tiếng kêu leng keng của những chiếc chuông nhỏ, và đồ trang sức của chị em tạo ra âm thanh rộn ràng cùng tiếng trống đồng khiến những người tham dự cũng như lạc vào không gian lễ hội huyền ảo.

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 5.

Tiếng trống đồng giữ nhịp trong điệu múa nghi lễ

Bài cúng kết thúc, lúc này các điệu múa một lần nữa lại được rộn ràng, nhịp nhàng bước chân theo nhịp trống đồng, hai tay múa nhịp nhàng, hơn hết là sự cộng cảm, hòa đồng và sự hưng phấn của cộng đồng. Để múa được bài múa này phải là người có sức khỏe tốt nhưng nhờ tâm linh trong lòng mỗi con người, lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo nhịp nhàng theo nhịp trống mà không hề thấy mệt mỏi.

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 6.

Điệu múa nghi lễ của các cô gái và ma cỏ trong lễ cúng tổ tiên

Nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên kết thúc cũng là xế chiều, lợn được chế biến thành thực phẩm phục vụ cho cúng lễ và phục vụ bữa ăn cho cộng đồng tham gia buổi lễ. Lúc này món thắng cố đã sôi trên bếp, thịt bò đã được pha ra thành miếng để cúng lễ tiễn đưa, xôi cũng đã được nấu chín. Gia chủ sửa lễ sẵn sàng cho lễ cúng tiễn đưa tổ tiên.

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 7.

Người tham gia lễ hội mời người rừng uống rượu

Thầy cúng thưa với tổ tiên: "Hôm nay con cháu trong dòng họ làm lễ cúng tổ tiên, dâng tổ tiên những lễ vật với tấm lòng biết ơn vô hạn, mong tổ tiên chứng giám. Nay mọi việc đã hoàn thành, con cháu xin dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời (hoặc trở về cõi vĩnh hằng). Xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên và trở về trời, lễ vật đã nhận, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian...".

Thanh niên hóa trang thành “người rừng” trong lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô - Ảnh 8.

Vũ điệu đầy màu sắc của các cô gái Lô Lô trong lễ cúng tổ tiên

Người Lô Lô tin rằng, tổ tiên đã biết tấm lòng của con cháu, tổ tiên sẽ luôn phù hộ cho con cháu, gia đình, dòng họ và làng bản. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là một nét đẹp văn hóa dân gian, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên của đồng bào Lô Lô.

Tấn Vịnh
Tấn Vịnh
14/09/2021 00:00