Những bức chân dung Phật được Thanh Phận khắc trên ống nứa, bút tre hay bìa sổ tay bằng tre… toát lên thần an nhiên, phúc hậu đến bất ngờ. Anh cho biết để mang đến những tác phẩm thủ công ấy, ngoài rèn luyện đôi tay khéo léo thì công việc phải được bắt đầu bằng một cái tâm của con nhà Phật, cái tâm tĩnh tại và hướng thiện.

Những bức chân dung Phật được Thanh Phận khắc trên ống nứa, bút tre hay bìa sổ tay bằng tre… toát lên thần an nhiên, phúc hậu đến bất ngờ. Anh cho biết để mang đến những tác phẩm thủ công ấy, ngoài rèn luyện đôi tay khéo léo thì công việc phải được bắt đầu bằng một cái tâm của con nhà Phật, cái tâm tĩnh tại và hướng thiện.


Duyên nghề

Nghề khắc bút tre, chế tác sản phẩm chất liệu tre như một cái duyên đến với Thanh Phận vào cuối năm 2018. Khi đó, Thanh Phận có người em kết nghĩa ở Thanh Hóa gia công ống hút tre gửi vào Sài Gòn nhờ bán. Tình cờ anh lấy mỏ hàn chì nóng thử khắc hoa văn lên ống hút  cho vui, không ngờ chiếc ống hút trở trở nên bắt mắt đến ngạc nhiên.

Thanh Phận - người thổi hồn vào bút tre từ cái tâm con nhà Phật - Ảnh 1.

Hình ảnh Phật được khắc trên ống nứa

Lúc đó, anh nảy ra ý tưởng tạo nên diện mạo mới, giá trị hơn cho chiếc ống bút tre để bạn gái mình bán ra thị trường. Thật thú vị khi ống bút khắc hoa văn bán với giá đắt hơn nhưng lại được người tiêu dùng đón nhận, mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với ống trơn.


Rồi người em kết nghĩa lại gửi vào bút bi tre làm thủ công, Thanh Phận tiếp tục giúp bạn gia công khắc hình ảnh, chữ lên khiến cho mỗi chiếc bút tre như được thổi hồn vào đầy mê hoặc. Từ những cái duyên ban đầu ấy, Thanh Phận đã quyết định bắt đầu chuyên tâm với công việc sáng tạo trên chất liệu tre, cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, trong số đó nổi bật là những bức chân dung Phật cùng những dòng kinh Phật trên sản phẩm.

Từ thời thơ ấu Thanh Phậnh đã có đam mê vẻ hình Phật

Thanh Phận có đam mê vẻ hình Phật

Những sản phẩm khắc tre, nứa của Thanh Phận đã nhanh chóng đông đảo người yêu thích khi anh mạnh dạn tham gia bán trong các chợ phiên từ 2020. Rồi sau đó anh được mời về Phố Ông Đồ bán hàng trong dịp Tết. Sản phẩm càng trở nên đầy sức hấp dẫn khi mà chính nghệ nhân ngồi bán sản phẩm và trực tiếp biểu diễn khắc lên sản phẩm theo ý tưởng của khách hàng. Thanh Phận cho biết vào dịp Tết vừa rồi chỉ trong 10 ngày anh đã thu về trên trăm triệu đồng. Một doanh số bất ngờ sau hơn 2 năm bắt tay vào công việc mới mẻ này.

Đặc biệt, có chiếc bút tre với chân dung Phật mà Thanh Phận khắc mất một ngày trời đã được vị khách trả đến 20 triệu đồng. Nhưng Thanh Phận từ chối bán, anh trả lời: 

"Vì Phật này là Phật của em, anh trả bao nhiêu em cũng không thể bán. Nếu anh thích em sẽ khắc một hình Phật khác cho anh"

Chiếc bút khắc hình Phật được khách trả giá 20 triệu đồng nhưng Thanh Phận không bán

Chiếc bút khắc hình Phật được khách trả giá 20 triệu đồng nhưng Thanh Phận không bán

Thanh Phận giải thích vì chiếc bút đó anh khắc cho chính mình trong một lần ngẫu hứng, bằng tất cả tình cảm của riêng mình dành cho đức Thế Tôn. Và dường như cái tâm hướng Phật và phong cách sống thiền chính là chiếc chìa khóa kỳ diệu để Thanh Phận mở ra cánh của mới mẻ trong cuộc sống và nghề khắc bút tre của mình.






Chiêm nghiệm Phật pháp để tìm chính mình

Ít ai nghĩ rằng nghệ nhân khắc bút tre tài hoa này cách đây 8 năm đã trải nghiệm một cuộc sống kham khổ, tối giản, một mình đi xe gắn máy cà tàng khắp các tỉnh miền Tây, tận Cà Mau, Kiên Giang chỉ với vài trăm ngàn trong túi. Đi đến đâu anh xin làm thuê, rồi buôn bán hàng rong, chỉ cần kiếm đủ số tiền vừa đủ cho nhu cầu tối thiểu mỗi ngày.

Rồi cũng trên chiếc xe gắn máy, Thanh Phận trôi dạt lên tận Bảo Lộc tá túc trong ngôi nhà hoang, hàng ngày đi làm thuê, chỉ cần mỗi ngày một bữa ăn duy nhất. Thời gian còn lại dành để tìm hiểu, chiêm nghiệm về Phật pháp. Cho đến năm 2018 thì anh mới trở về lại Sài Gòn và bén duyên, thành công với với nghề khắc bút tre. Một nghề hoàn toàn không liên quan đến ngành học ngày xưa anh đeo đuổi, đó là Điện tử Công nghiệp.

Không gian làm việc,nơi nghệ nhân Thanh Phận thổi hồn cho những sản phẩm tre nứa

Không gian làm việc, nơi nghệ nhân Thanh Phận thổi hồn cho những sản phẩm tre, nứa

Qua lời kể của Thanh Phận thì nghề khắc bút tre song hành với lối sống thiền như đã được chuẩn bị từ thời thơ ấu, khi anh còn sống cùng gia đình ở Long An. Cậu bé Thanh Phận ngày ấy rất mê đọc sách và do nhà ở gần một thư viện nên hễ đi học về là ở miết trong thư viện để đọc. Đặc biệt lại rất tò mò, đọc nhiều sách về thiền, về Phật giáo. Thậm chí Phận còn tự mày mò tập Yoga theo sách, rồi thỉnh thoảng lại đạp xe đến tịnh xá gần nhà ăn cơm chay, chơi ở đó đến tối mới về.

quyển sổ tre in hình Phật

Chiếc bút tre khắc chân dung thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngoài ra, cậu bé Thanh Phận ngày ấy không thích tụ tập với bạn bè trang lứa mà lại cứ ưa thui thủi một mình, lúc thì nặn đất sét hình này hình nọ, hoặc dùng lưỡi lam khắc trên mấy viên phấn, rồi say mê vẽ hình Phật…

Những cách tiếp cận từ sở thích ấy đã đi vào tiềm thức và đến một lúc thì cái duyên đã được gieo  với một công việc thủ công độc đáo như hiện tại. Những người chứng kiến Thanh Phận ngồi khắc đều thú vị bởi chỉ trong nháy mắt, với chiếc bút lửa trên tay, Thanh Phận đã hoàn thành một hình vẽ cũng những dòng chữ nắn nót điêu luyện, khiến cho chiếc bút tre như "lột xác" hoàn toàn.

Nghệ nhân Thanh Phận đang chế tác vật dụng từ chất liệu tre, nứa

Nghệ nhân Thanh Phận đang chế tác vật dụng từ chất liệu tre, nứa

Cho đến thời điểm này, ngoài tự chế tác và khắc bút bi tre, Thanh Phận còn tạo ra nhiều sản phẩm khác từ tre, nứa như: bộ dụng cụ uống trà, vòng tay tre, trâm cài tóc tre, bông tai tre, sổ tay tre… khắc bất cứ hình ảnh gì mà người mua đặt hàng, từ hoa văn cho đến ảnh chân dung của khách hàng…

Khắc chân dung của khách hàng trên mẫu nứa

Người thổi hồn vào bút tre từ cái tâm con nhà Phật - Ảnh 10.

Thanh Phận sử dụng chiếc chuông xoay khi thiền

Hiện tại vào mỗi buổi sáng trước khi bắt tay vào công việc, Thanh Phận luôn dành một khoảng thời gian để tọa thiền. Rồi cũng chính quá trình tập trung khi tạo tác lại là một trải nghiệm thiền khác. Để rồi trong cái tâm tĩnh tại ấy, anh đã chuyển tải cái hồn đầy thu hút trong mỗi tác phẩm của mình. Đặc biệt là các sản phẩm khắc chân dung Phật, đó còn như là một phương tiện để Thanh Phận lan tỏa cái tâm Phật, tâm hướng thiện đến với mọi người.

Thanh Phận chia sẻ một mục tiêu xa hơn là anh muốn phát triển công việc thủ công hiện tại lên một nấc thang mới để có thể xuất khẩu. Qua đó có thể giới thiệu được những sản phẩm từ vật liệu phổ biến của Việt Nam là tre, nứa cũng như nét đặc trưng trong văn hóa Phật giáo ở Việt Nam.

Minh Tuấn

Xuất bản: 31/05/2022