Thêm vui tươi, ấm áp với làn điệu Khắp

21/06/2021 15:36
Từ lâu Khắp đã gắn liền với cuộc sống của người lao động và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái

Từ lâu Khắp đã gắn liền với cuộc sống của người lao động và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái

Với người Thái ở Lang Chánh (Thanh Hóa), làn điệu Khắp luôn có mặt trong các cuộc sum họp và giữ vai trò quan trọng để tạo nên không khí vui, ấm áp trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Từ lâu Khắp đã gắn liền với cuộc sống của người lao động và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.

Cộng đồng người Thái đã dùng thơ để hát, từ đó với người Thái có thể coi thơ đã quy định giai điệu của ca. Song, sự đa dạng của dân ca có những nét cơ bản mang đặc trưng thanh nhạc Thái, gồm các loại hình cơ bản là: Khắp Xư (hát thơ) thể hiện bằng giọng đọc để người nghe hiểu được nội dung câu chuyện trong thơ nên người Khắp dùng giọng ngân nga hơi dài; Khắp Mo - dùng trong nghi lễ và diễn ca sử thi Tay Pú Xơc toát lên vẻ nghiêm trang, mạnh mẽ.

Khắp Mo còn dùng làm ma thuật chữa bệnh, loại hình thanh nhạc mang tính cảm thụ tôn giáo làm cho người nghe sùng bái các điều tín; Khắp Chương dùng cho giọng nam trung, nam trầm diễn các tập sử thi anh hùng ca; Khắp Ôi dùng hát đối đáp nam nữ, hát giao duyên, giọng Khắp Ôi cũng rất phong phú, lời Khắp thơ rất lý lẽ, chặt chẽ giọng điệu chữ tình và sâu lắng.

Ngoài những cốt truyện trong tác phẩm văn học, người Thái còn sử dụng rất nhiều đề tài khác nhau để sáng tác nên những bài Khắp ý nghĩa như những quan niệm về con người, kể chuyện bản mường (Quan Tô Mương, Nhọng có Mính mương), những bước đường chinh chiến của cha ông (Táy Pu Sơc), những kinh nghiệm trong cuộc sống mà đời trước muốn truyền lại cho thế hệ sau, những câu chuyện về cuộc sống, những tâm tư tình cảm, chuyện làm ăn và sinh hoạt hàng ngày (Luk khe Mệ nạ, Thám khao, báo sáo, Páy háy-Páy na, Xướn Cun...).

Khắp của người Thái ở Lang Chánh vô cùng đa dạng và phong phú về thể loại, ngữ điệu và lối gieo vần câu trước câu sau, ngữ nghĩa phải được liên kết hết sức chặt chẽ để người nghe cảm thấy du dương êm ái, sâu lắng, trìu mến mà thân thương. Một số làn điệu Khắp trước đây rất phổ biến trong các bản, mường như những cuộc hát giao duyên, đám cưới, sinh hoạt văn hóa, hát mo lễ hội đã dần dần vắng bóng. Hiện nay, nó chỉ hiện diện chủ yếu trong các dịp diễn ra lễ hội và các ngày hội văn hóa thể thao do các cơ quan văn hóa địa phương tổ chức, đã được cải biên nâng cao.

Thêm vui tươi, ấm áp với làn điệu Khắp - Ảnh 1.

Những chàng trai, cô gái Thái trong làn điệu Khắp

Người Thái ở huyện Lang Chánh tập trung chủ yếu ở các xã Trí Nang, Lâm Phú, Yên Thắng, Yên Khương, Tân Phúc, Tam Văn. Những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Thái của địa phương trong Dự án bảo tồn hát Khắp dân tộc Thái Thanh Hóa chủ yếu là đưa các nghệ nhân của các xã đi giao lưu và tham gia cuộc thi Khắp trong huyện, tỉnh... Ngoài ra còn có hoạt động sưu tầm các làn điệu dân ca do một số nghệ nhân ghi chép và sưu tầm thêm các bài Khắp để giữ lại cho đời sau có thể tìm được những tài liệu quý này. Hoạt động sưu tầm trên rất có ý nghĩa vì nguy cơ mai một các làn diệu dân ca ngày càng cao.

Người giữ lửa Khắp

Bà Lò Thị Sản (nay tuổi đã ngoài 60) sinh ra và lớn lên tại xã Trí Nang, vùng đất nổi tiếng có những nét văn hóa đặc sắc của người Thái xứ Thanh, đặc biệt là những làn điệu dân ca. Tuổi thơ của bà Sản lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và làn điệu của những bài hát dân ca, hát ru, hát giao duyên, hát trong đám cưới hỏi... người Thái. 13-14 tuổi, bà đã biết lắng nghe, ghi nhớ từng lời và hát theo điệu Khắp của cha mẹ. Bà say mê học hát và có giọng hát rất trong, khỏe, cao vút và đầy chất tự sự làm lay động lòng người.

Theo bà Sản, để hát được các làn điệu dân ca của người Thái phải có năng khiếu, không phải ai cũng dễ dàng học được. Ngoài việc biết tiếng Thái, người hát còn phải rèn các kỹ năng như cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ sao cho tròn vành, rõ chữ mỗi làn điệu. "Mỗi làn điệu lại có cách hát, nhịp, quy tắc khác nhau nên nếu không yêu "nó" thì "nó" không yêu mình, không hát được đâu" - bà Sản tâm sự.

Thêm vui tươi, ấm áp với làn điệu Khắp - Ảnh 2.

Với mong muốn những điệu khắp không bị mai một, lúc rảnh rỗi, bà Sản (phải) lại dạy hát cho mọi người trong bản

Để làm phong phú hơn những lời ca tiếng hát và cũng là để răn dạy con cháu, bà Sản còn sáng tác nhiều làn điệu mới liên quan đến công việc của bà con nông dân như dựng nhà mới, đi đón dâu, bắc cây cầu mới... Được biết, hiện nay bà Sản là một trong số rất ít người còn giữ gìn và phát huy được những làn điệu Khắp nguyên bản. Bằng việc nắm giữ giọng Khắp trong trẻo, ngân vang, thuộc và hát hay nhiều làn điệu, bà Sản đã nhiều lần được đi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở trong huyện, trong tỉnh. 

 Theo bà Sản, lâu nay, điệu hát, ca từ là thứ không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ trong các lễ đón dâu, lễ hội, làm vía... cho đến khi lao động, tiếng hát đã giúp bà con giãi bày những tình cảm chất chứa, khó thể nói lên bằng lời. Thế nhưng, cũng từng có một thời gian, nhiều người trẻ ở bản không còn mặn mà với việc học, giữ lấy những làn điệu dân ca truyền thống. Điều này khiến những người già ở bản như bà rất buồn. Với mong muốn những điệu Khắp không bị mai một, lúc rảnh rỗi, bà Sản lại dạy hát cho mọi người trong bản, bất kể ai muốn học, dù chỉ là 1 người bà cũng dạy. Còn trong gia đình bà, tất cả con trai – gái – dâu – rể và các cháu nội, ngoại của bà đều biết hát Khắp.

    Ý kiến của bạn
    (*) Nội dung bắt buộc cần có

    Nhập thông tin của bạn