"Thủ phủ" lá dong miền Bắc nhộn nhịp vào vụ Tết

Nguyễn Văn Công
23/01/2022 - 18:58
"Thủ phủ" lá dong miền Bắc nhộn nhịp vào vụ Tết

Giáp Tết, hoạt động thu mua lá dong ở làng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) trở nên nhộn nhịp.

Làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) xưa nay đã nổi tiếng là vựa lá dong của miền Băc. Cứ đến gần Tết Nguyên đán, làng Tràng Cát lại nhộn nhịp như trẩy hội.

Làng Tràng Cát có vị trí địa lý rất đặc biệt, gần như được sông Đáy ôm trọn bởi một khúc uốn nên chất đất ở đây rất màu mỡ, thích hợp để trồng hoa màu. Bởi thế, từ xa xưa, gọi là ngôi làng thuần nông nhưng người dân Tràng Cát không trồng lúa, đất nông nghiệp chủ yếu chỉ trồng lá dong và các loại cây ăn quả.

Ông Phạm Thanh Nhàn (75 tuổi, người làng Tràng Cát cho biết), chúng tôi ở đây từ xưa đã đi đong gạo ở các làng bên về ăn chứ không trồng lúa. Còn cây lá dong xuất hiện ở Tràng Cát ít nhất khoảng 600 năm rồi. Ngày xưa lá dong Tràng Cát nổi tiếng là lá dong tiến vua do có bầu lá rộng, rất dẻo và to, bánh gói lên có màu xanh rất đặc trưng, thơm, dền.

Ông Nhàn cho biết thêm, ngày xưa thường lá dong chỉ thu vào dịp Tết nhưng giờ do nhu cầu thị trường đa dạng, người ta dùng lá dong để gói nhiều loại bánh khác, làm bột lá dong... nên lá dong Tràng Cát thu quanh năm, cứ mỗi tháng là hái một lần. Còn vào vụ tết thì từ đầu tháng Chạp đã có những lô hàng xuất đi các nước Đông Âu nơi có đông người Việt sinh sống và thu lá cho tới tận ngày 30 Tết.

"Thủ phủ" lá dong miền Bắc nhộn nhịp vào vụ tết - Ảnh 1.

Đình Làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội)

Bà Phạm Thị Đào (72 tuổi) cho biết: "Gia đình tôi trồng 5 sào lá dong, thu lẻ tẻ từ đầu năm tới giờ được 30 triệu, đợt tết này dự kiến thu được thêm 30 triệu nữa. Nói trồng lá dong giầu thì chẳng phải, tuy nhiên trồng lá dong nhàn, mất ít công chăm sóc, không phải phun thuốc trừ sâu và không phải thay giống hằng năm. Tuy mấy năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đầu ra lá dong vẫn ổn định, giá không bị xê dịch nhiều", bà Đào tâm sự.

Đi mấy vòng quanh làng Tràng Cát, chúng tôi không chỉ thấy những ruộng lá dong bạt ngàn trên cánh đồng mà hầu như nhà nào cũng trồng một thửa ngay trước nhà và mọc cao quá đầu người. Diện tích trồng lá dong trong vài năm trước có dấu hiệu giảm do người dân chuyển sang trồng cây ăn quả nhưng như "số đã định", cây ăn quả bị nhiều sâu bệnh, chất lượng quả thấp, người dân Tràng Cát đang có xu hướng quay trở lại trồng lá dong.

Bà Nguyễn Thị Xin, 66 tuổi cho biết: Mấy năm trước tôi chuyển đổi trồng lá dong sang trồng bưởi nhưng không ăn thua mà lại mất nhiều công chăm sóc, vậy nên có lẽ năm sau tôi sẽ trồng lại lá dong. Thấy mọi người nườm nượp thu hái lá dong mà bỗng dưng tôi lại "thèm". Trồng lá dong thì rất đơn giản, củ có thể đi xin hàng xóm được, trồng thêm nhiều cây bóng mát để lá không bị cháy và giữ ẩm cho đất, cộng thêm mưa nhiều thì lá dong rất đẹp, bà Xin nói.

"Thủ phủ" lá dong miền Bắc nhộn nhịp vào vụ tết - Ảnh 2.

Ông Phạm Thanh Nhàn đang thu hoạch lá dong

Trưởng thôn Tràng Cát anh Nguyễn Hữu Huy cho biết: Lá dong Tràng Cát đã nổi tiếng từ lâu đời, tuy không phải là nghề chính cho thu nhập cao nhưng người Tràng Cát luôn tự hào về nghề trồng lá dong vì họ đã góp thêm một chút hương vị vào ngày tết cổ truyền của người dân Việt Nam, đó là chiếc bánh chưng. Để tận dụng hơn nữa lợi ích từ lá dong, thôn luôn vận động, khuyến khích người dân sử dụng lá dong thay thế túi nylon để đi chợ giúp bảo vệ môi trường và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của người dân.

Người dân Tràng Cát còn bận bịu đến hết ngày tất niên, đó đã trở thành điều rất quen thuộc với họ hàng trăm năm nay. Họ gọi vui nghề trồng lá dong là nghề hái lá ra tiền, bởi ngoài lá dong thì cây dong không cho quả, không cho hoa, củ không dùng được vậy nên lợi nhuận chỉ có từ lá. Sắc xanh từ lá dong phủ kín ngôi làng nằm bao trọn trong lòng sông Đáy, trở thành biểu tượng rất đỗi tự hào của người dân Tràng Cát nhất là dịp Tết đến xuân về.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm