Thủ tướng: Tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa phòng chống thiên tai, bão lũ

PV
20/10/2020 - 15:10
Thủ tướng: Tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa phòng chống thiên tai, bão lũ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 10. Ảnh: quochoi.vn

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 10 diễn ra sáng nay (20/10). Thủ tướng nhận định: Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sỹ cả nước và với sự giám sát của Quốc hội tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Tiếp tục phiên khai mạc sáng nay (20/10) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt của đời sống xã hội

Phát biểu tại hội trường Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực.

Ở trong nước, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cả nước đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Đánh giá chung việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Như vậy, năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm. Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Cùng với đó, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực; nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được thế giới công nhận. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh...

Thủ tướng: Tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa phòng chống thiên tai, bão lũ - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 10

Bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét. "Mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Vừa qua, lũ lụt rất lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản" – Thủ tướng nói.

Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình, người thân, đồng đội của những người dân, công nhân đã mất, của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sỹ cả nước và với sự giám sát của Quốc hội tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế".

Một số kết quả về thực hiện chính sách an sinh xã hội

- Đến nay có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

-Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.

-Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% năm 2015 lên 90,7% năm 2020

- Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020.

-Đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng với gần 400 nghìn hộ; hoàn thành trên 4,6 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo khu vực đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho trên 1 triệu hộ nghèo ở nông thôn, khu vực thường xuyên bị bão lũ, thiên tai ở khu vực miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm