Tiếng học bài dưới núi Thẳm Vài

Lớp học nhờ nhà văn hóa thôn của trường Nà Va (Lâm Bình, Tuyên Quang)

Lớp học nhờ nhà văn hóa thôn của trường Nà Va (Lâm Bình, Tuyên Quang)

Một người nông dân vác bao tải ngô giống đi gieo hạt gối vụ chỉ đường cho tôi: “Cô cứ đi qua phía núi Thẳm Vài, hang Thẳm Vài là sẽ tới điểm trường Nà Va”.

Đường dốc núi thấy từng tốp học sinh đi học. Điểm trường Nà Va 2 ở chân núi Thẳm Vài thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. 

Lâm Bình là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh Tuyên Quang. Từ thành phố Tuyên Quang lên huyện miền núi Lâm Bình khoảng 170 km. Ở đây đường đi học của các em núi chồng núi. Xung quanh đường từ nhà đến trường đều chạm mặt với núi. Đó chính là vùng đất với 99 ngọn núi huyền thoại ở Lâm Bình với câu chuyện truyền miệng ngàn đời. Xửa xưa nếu có đủ 100 ngọn núi cho 100 con đại bàng đậu, thì nơi đây đã là kinh đô. Vì thiếu một ngọn núi nên đại bàng đã bay về Kinh kỳ Thăng Long...

Ngoài núi ra chỉ thấy cánh đồng màu nâu của đất đang cày ải. Mùa xuân sang hạ có ruộng màu đang nhú lên những nõn ngô. Đó là vùng Nà Đông sang Nà Thuôn, êm đềm sương khói. Điểm trường trên một bãi đất trống, các em có khoảng không gian tha hồ đá bóng sau giờ tan trường. Hơn hai năm dịch Covid-19 các em học sinh trường tiểu học Nà Va vẫn đeo khẩu trang đến trường học tập. Trường tiểu học ở sát ngay chân núi, bên kia là chợ Thượng Lâm. Trên đường, người dắt trâu vẫn vắt vẻo trên đường ra ruộng. Bình yên, em đến trường, học sinh học đều đặn các buổi, không phải nghỉ giãn cách, không phải học online. Thật may chưa hề có trường hợp F0 nào vì trên này các em nghèo không thể có máy tính để học online.

Một phụ huynh có cô con gái học lớp 5 cho hay: "Hôm nay, thầy hiệu trưởng Chẩu Văn Lành đi họp vắng, không thể gặp thầy Lành". Nếu vậy, tôi chỉ còn có cách sang điểm trường Nà Va 2 ở chân núi Thẳm Vài. Điểm trường 2 của trường tiểu học Nà Va cách điểm trường chính nhiều thửa ruộng, một ngọn núi và vài rặng tre thẫm xanh. Tôi đã đi qua bao nhiêu vạt đồng ngô và hoa cải vàng, đôi bờ tre xanh phủ dọc lối đi. Thi thoảng vẫn có cái dốc cao phải dắt xe đạp khi lên dốc và xuống dốc cũng dắt xe. Đường đi có nhiều xe máy đi chở lá cọ về lợp mái nhà. Dân ở vùng núi vẫn lợp mái bằng lá cọ, nhà bếp hay nhà sàn cũng vẫn lớp lá ấy.

Cô giáo phụ trách điểm trường Nà Va 2, Nguyễn Thị Vĩ cho hay: Ở điểm trường Nà Va 2 còn đầy khó khăn thiếu thốn về vật chất. Sân trường cũng còn chưa lát gạch, ngoài một lớp xi măng mỏng. Vẫn còn một lớp học phải học nhờ nhà văn hóa của thôn. Lớp học này còn không có cửa sổ nên mùa đông, gió lùa, và học sinh còn chịu gió rét.

Với 129 em từ lớp 1 đến lớp 5 tại điểm trường, học sinh vẫn vượt đường xa đến lớp và không bỏ một buổi học nào. Học trò chăm ngoan và thầy cô giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhưng hiện tại, trường thiếu nước sạch trầm trọng. Điểm trường có hai học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là hai đứa trẻ mồ côi trong đó cháu Chẩu Mạnh Quỳnh bị bệnh thiếu máu phải truyền máu quanh năm. Quỳnh ở với bà đã cao tuổi, dù nhà trường cũng quan tâm giúp đỡ nhưng hoàn cảnh của em rất đáng thương. Ở điểm trường này còn có em nhà gieo neo, không có giày dép đi trong mùa đông, các thầy cô giáo động viên nhau, bỏ tiền túi mua giày dép cho học sinh của mình. Tuy còn thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần tận tụy của giáo viên vùng cao thì luôn hết mình vì các trò, vì tình yêu thương vô bờ dành cho các em. Thầy cô ở đây như người mẹ thứ hai trong gia đình. Do đó lớp học luôn tràn đầy niềm vui.

Tiếp tôi trong căn phòng với chiếc bàn cũ kỹ, cô giáo Vĩ có vẻ ái ngại nhưng trái tim tôi đủ để thấu hiểu sự thiếu thốn ở vùng cao hẻo lánh này. Sự đơn sơ, thiếu thốn của nhà trường không hề làm giảm đi tình yêu thương và sự dạy dỗ của thầy cô dành cho các em vùng núi cao. Nơi đây đa phần là con em người dân tộc Tày.

Trường học thời gian còn dịch căng thẳng trong cả nước, thì ngay chân núi Thẳm Vài, học sinh chưa phải nghỉ học, các em vẫn đeo khẩu trang thực hiện 5 K đến trường. Một phụ huynh cho con đến trường nói với tôi rằng: "Nơi này chỉ có thuyền du lịch vắng khách thôi, chứ đời sống ở đây bình yên, cơ sở y tế cũng chăm lo cho người dân rất chu đáo".

Cô giáo Nguyễn Thị Vĩ lấy làm tự hào vì học sinh của mình. Trong mỗi lớp, sỹ số ghi trên góc trái đầu bảng đen vẫn đông đủ. Các bài học vẫn vang lên phía chân núi Thẳm Vài. Nơi đó vẫn đang có nhiều học sinh từng ngày vượt qua khó khăn, tìm kiếm tri thức để đi xa hơn, chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.