Tiếng trống tựu trường một thuở ấu thơ

05/09/2021 10:35
Học sinh vùng cao trong ngày tựu trường. Ảnh minh họa

Học sinh vùng cao trong ngày tựu trường. Ảnh minh họa

Các bạn học hớn hở, áo mới tinh tươm, mặt mũi tươi như hoa ngồi ngay ngắn trong sân trường vào buổi sáng đầu thu. Hình ảnh trong lễ khai giảng năm học mới thuở ấu thơ ấy đến nay vẫn chưa phai mờ.

Suốt mấy tháng hè, phải xa thầy cô và các bạn, ngày khai giảng mang đến cho lũ trẻ mải chơi sự háo hức lạ lùng. Vào cái thời của chúng tôi, trẻ con không phải học hè, hay học phụ đạo nhiều như bây giờ. Trước ngày khai giảng khoảng một tuần, cả lớp sẽ tập trung, các lớp lớn, thường là từ lớp ba trở lên sẽ phải tham gia dọn vệ sinh toàn trường.

Lúc ấy, hành trang tới trường không phải là sách bút, hay cặp mới. Mỗi đứa sẽ mang theo một cái chổi kè, hay chổi xể to để quét cho mau. Cả đám vừa lúi húi quét dọn, vừa kể cho nhau nghe về mùa hè của mình. Đứa được về thăm quê ngoại tít trên miền núi, đứa được lên Hà Nội chơi, đứa ở nhà giúp mẹ chăm bầy chó con mới đẻ. Không biết bao nhiêu chuyện muốn kể cho chúng bạn nghe về mùa hè đáng nhớ của mình. Năm nào cũng vậy, vào những ngày dọn vệ sinh, cả lớp chỉ đến được già nửa. Có đứa vẫn đi chơi chưa về, có đứa bị ốm, đứa thì còn phải ở nhà trông em cho mẹ. Mãi tới hôm khai giảng, cả lớp mới thấy hết mặt nhau.

Tiếng trống tựu trường một thuở ấu thơ - Ảnh 1.

Trước ngày khai giảng khoảng một tuần, cả lớp sẽ tập trung, các lớp lớn, thường là từ lớp ba trở lên sẽ phải tham gia dọn vệ sinh toàn trường. Ảnh minh họa

Dù đã lên lớp ba, lớp bốn, trở thành anh chị lớn trong trường, nhưng chúng tôi vẫn còn háo hức với ngày khai giảng lắm. Vì khai giảng đứa nào cũng được mặc quần áo mới, hồ hởi xỏ vào chân đôi dép xinh xinh còn đượm mùi nhựa, đi bộ phăm phăm tới trường. Đường quê trước kia thưa vắng lắm, con nít lớp một, lớp hai đã tự dắt nhau đi học, chẳng cần ai đưa đón. Vừa đi cả đám vừa ríu ran trò chuyện, ồn ào như bầy chào mào vào mùa quả chín.

Nhìn thấy đám trẻ mặc áo mới, tươi cười rạng rỡ tới trường, mấy bà, mấy bác mới giật mình bảo nhau: "Nhanh thế nhỉ! Mới đó đã khai giảng rồi.". Vừa tới trường, cả bọn đã nhao nhao chạy vào lớp, tìm cái ghế nhựa ghi tên mình, hăm hở mang ra sân, chuẩn bị xếp hàng.

Tiếng trống tựu trường một thuở ấu thơ - Ảnh 2.

Học sinh vùng cao trong bộ quần áo mới khi đến trường

Năm ngoái, còn ngồi ở góc sân bên này, năm nay đã được chuyển sang góc sân bên kia, vị trí của khối lớp lớn, cảm giác tự hào lắm lắm. Y như ngày mùng một Tết, được nhận bao lì xì, rồi giật mình nhận ra mình đã lớn thêm một tuổi. Đúng rồi, lên lớp ai cũng phải người lớn hơn.

Bình thường, mấy đứa nhỏ con hay ghen tỵ với bọn cao kều, ngồi cuối hàng, gần bóng cây mát mẻ. Nhưng vào ngày khai giảng phải ngồi đầu hàng mới là nhất nhé! Ngồi đầu hàng tí nữa xem văn nghệ sẽ thích hơn. Trước kia, trẻ con ở nông thôn vốn thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Ngày khai giảng, hay Hội diễn Văn nghệ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam là những dịp hiếm hoi mà chúng tôi được xem biểu diễn văn nghệ trực tiếp.

Mặc một bộ váy thật xinh, đánh chút son và má hồng, cô bạn láu lỉnh ngồi cùng bàn hôm nay trông thật khác. Trong bộ váy hồng xinh xắn, bạn như một chú chim nhỏ, rạng rỡ hát ca trên sân khấu.

Tôi vẫn còn nhớ như in ngày khai giảng năm lớp mười. Tôi và cô bạn thân hăm hở đến trường trên chiếc xe đạp cũ. Trường cấp ba ở gần ngã tư, trung tâm của huyện. Nơi đó cách nhà tôi có hơn hai cây số, nhưng nó như thể một thế giới khác, huyên náo và đông đúc hơn nhiều.

Tiếng trống tựu trường một thuở ấu thơ - Ảnh 3.

Tiếng trống khai trường khi chưa có dịch Covid-19

Thỉnh thoảng, tôi và mấy người bạn cấp hai cũng đạp xe lên trường cấp ba chơi. Cả bọn đứng ngoài cổng, ngắm nhìn thật lâu, thầm mong một ngày kia, mình sẽ là một phần của mái trường này. Ngày khai giảng chính là lúc giấc mơ ấy thành hiện thực.

Tôi nhớ nhất hai hàng xà cừ trước cổng trường cấp ba, chính lớp của mẹ tôi đã trồng hàng cây đó. Ngày tôi tới trường cấp ba nhận lớp, vừa về đến nhà, mẹ đã khoe với tôi ký ức tươi đẹp ấy. Ai cũng có một thời áo trắng vô ưu, đáng yêu và đáng nhớ như thế. Những kiến thức học được ở trường, có lẽ mẹ đã đánh rơi sau bao năm lam lũ, nhưng những kỷ niệm tươi đẹp của một thời áo trắng vô tư thì vẫn còn vẹn nguyên.

Vào lễ khai giảng năm lớp mười là lần đầu tiên tôi được mặc áo dài. Mặc lên người tà áo thướt tha, xinh xắn ấy, một đứa hậu đậu như tôi còn không dám thở mạnh. Đám con gái nhìn nhau bẽn lẽn, dường như chúng tôi không còn là những cô bé nghịch ngợm nữa rồi. Giờ đây, ai cũng ra dáng thiếu nữ…

Mùa tựu trường năm nay thật đặc biệt! Đám trò nhỏ sẽ xúng xính quần áo mới, chào nhau qua màn hình, gửi nhau ngàn nụ cười tươi, cùng bao hy vọng trong thời điểm đầy căng thẳng và âu lo. Càng sợ hãi, càng yếu thế, con người càng phải trân trọng học vấn. Tri thức sẽ cho chúng ta sức mạnh! Ngày khai trường chính là thời khắc quan trọng nhắc nhở chúng ta điều này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.