Tiểu thương phấn khởi khi hoạt động kinh doanh khởi sắc

Lệ Thủy - Đình Hưng
12/05/2022 - 12:00
Tiểu thương phấn khởi khi hoạt động kinh doanh khởi sắc

Cảnh buôn bán tại chợ Bến Thành (TPHCM) dần nhộn nhịp trở lại. Ảnh: Đình Hưng

Sau một thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, buôn bán tại nhiều chợ truyền thống, phố ẩm thực ở Hà Nội, TPHCM dần khởi sắc. Đây là một tín hiệu vui đối với các tiểu thương.
80% cửa hàng đã mở cửa trở lại 

Hằng ngày, từ 3 giờ chiều trở đi là thời điểm khu phố cổ Hà Nội nhộn nhịp nhất. Nhịp sống bình thường mới đã quay trở lại qua hình ảnh những cửa hàng, cửa hiệu dần được lấp đầy bằng đủ loại mặt hàng. Nếu như các con phố: Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào sầm uất với những sản phẩm thời trang, may mặc, Hàng Dầu nổi tiếng với mặt hàng giày dép thì Hàng Mã, Lương Văn Can rực rỡ màu sắc của mặt hàng đồ chơi, đồ trang trí gia đình. Hàng Gai, Hàng Trống lại thu hút người qua đường bằng những gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ lụa...

Thực tế, dù trên những con phố như Hàng Bông, Hàng Gai… vẫn còn nhiều cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê nhưng so với vài tháng trước, số lượng các cửa hàng mở cửa trở lại đã chiếm khoảng 70%-80%.

Gắn bó với quầy đồ chơi trẻ em mấy chục năm nay trên phố Hàng Mã (Hà Nội), bà Lê Thị Chung cho biết, nếu không có dịch bệnh, thời điểm này bà khá bận rộn với công việc nhập hàng, soạn hàng cho các mối buôn, các trường học làm quà tặng cuối năm học và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Nhưng năm nay, bà vẫn có thời gian để trông cháu cho các con đi làm. Do dịch Covid-19 nên số lượng đồ chơi nhập về cũng hạn chế, nguồn cung bị đứt đoạn còn khách hàng thì thưa thớt. "Thời gian này, thấy khách hàng đi mua sắm đã nhiều hơn, tôi đang cân nhắc xem có nên nhập hàng về bán dịp hè hay không", bà Chung cho hay.

Tiểu thương phấn khởi khi hoạt động kinh doanh khởi sắc - Ảnh 1.

Cảnh buôn bán tại chợ Bến Thành (TPHCM) dần nhộn nhịp trở lại Ảnh: Đình Hưng

Chiều đến, soạn sửa quầy bán quần áo để tiện cho khách hàng mua sắm, chị Hạnh (phố Đồng Xuân, Hà Nội) tâm sự: "Dù cuộc sống đã bước sang trạng thái bình thường mới, cửa hàng được mở buôn bán nhưng so với trước dịch, lượng khách hàng giảm khá nhiều. Người tiêu dùng cũng đắn đo, lựa chọn nhiều hơn trước khi mua. Ngoài bán hàng trực tiếp, tiểu thương chúng tôi cũng bán hàng qua facebook, zalo hay các sàn thương mại điện tử. Hy vọng sắp tới vào vụ hè, nhu cầu mua sắm tăng cao, doanh thu của cửa hàng sẽ tăng lên".

Phục hồi nhanh nhất trong khu phố cổ Hà Nội có lẽ là các cửa hàng ăn uống trên những "con phố không ngủ" như Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Mã Mây. Với đủ các dịch vụ từ ngồi vỉa hè đến nhà hàng, quán bar, lounge… phục vụ từ các món bình dân đến món Âu, những con phố này là điểm hẹn của nhiều bạn trẻ, dân văn phòng và các gia đình. Không chỉ trong những dịp cuối tuần hay lễ, Tết mà ngay cả những tối ngày thường đều tấp nập khách. "Dù hiện tại, du lịch đã mở cửa nhưng khách quốc tế mới đến lác đác theo từng nhóm nhỏ. Đối tượng khách chủ đạo của quán đến thời điểm này vẫn là khách Việt. Được mở cửa phục vụ khách như cũ vừa là niềm vui, vừa là động lực để chúng tôi tiếp tục buôn bán", chị Vũ Thị Hạnh (phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội) chia sẻ.

 Tiểu thương phấn khởi hơn

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, lượng khách hàng mua sắm cũng bắt đầu tăng trở lại. Đây là một tín hiệu vui mà các tiểu thương chờ đợi sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Ghi nhận tại chợ Bến Thành (quận 1) cho thấy, cảnh mua bán đã diễn ra nhộn nhịp hơn hẳn so với khoảng 1 tháng trước. Các quầy hàng bán đồ ăn uống, vải, mắt kiếng, trái cây, đặc biệt là các quầy hàng bán đồ lưu niệm, túi xách… đã tấp nập khách tham quan, mua sắm.

Tiểu thương phấn khởi khi hoạt động kinh doanh khởi sắc - Ảnh 2.

Du khách thưởng thức ẩm thực tại ngã tư phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau một thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Chị Thanh Huế, một tiểu thương bán mứt kẹo tại chợ Bến Thành, cho biết, những ngày gần đây lượng khách đến chợ tham quan, mua sắm đã tăng lên rõ rệt. Lượng khách ra vào ngày một đông giúp cho không khí ở chợ nhộn nhịp hơn. "Thời gian gần đây, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, lượng khách hàng đến chợ đã đông hơn hẳn. Ngoài khách từ các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội thì còn một lượng khách đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ… Hy vọng trong thời gian tới, khách du lịch đến chợ sẽ ngày càng đông hơn. Đây là điều mà bất cứ tiểu thương nào ở chợ cũng mong muốn", chị Huế cho hay.

Tại một sạp hàng chuyên bày bán túi xách, chị Hồng Loan đang tất bật giới thiệu, tư vấn các sản phẩm cho một nhóm khách đến từ Ấn Độ. Dù bị "xoay" như chong chóng nhưng chị tỏ ra rất vui vì đã lâu rồi, không khí mua bán mới nhộn nhịp như vậy kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo chị Loan, sức mua tại chợ dần tăng trở lại khi lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với thành phố ngày một đông. Nhiều tiểu thương đã bày bán trở lại, phấn khởi hơn và kỳ vọng doanh thu sẽ ổn định trong thời gian tới. "Số lượng các sạp hàng mở cửa trở lại đã dần tăng lên. Chúng tôi hy vọng ngành du lịch sẽ tiếp tục có những chương trình kích cầu để thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài với nhu cầu mua sắm lớn", chị Loan chia sẻ.

Theo đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện có khoảng hơn 700 sạp hoạt động trở lại, chiếm khoảng 60% quy mô chợ. Để tiếp tục thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm, Ban quản lý chợ tiếp tục kết nối với các đơn vị, cơ quan quản lý về hoạt động du lịch triển khai các chương trình hấp dẫn, thiết thực. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức hiện diện như vận động người bán mặc áo dài, quảng cáo về chợ trên nhiều nền tảng du lịch. Đây được xem là sự hỗ trợ thiết thực giúp ngôi chợ nổi tiếng ở TPHCM sôi động trở lại, góp phần giúp cho thành phố tiếp tục có được sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm