Tín đồ tôn giáo du lịch bằng công nghệ thực tế ảo

Trải nghiệm Nhà thờ Hồi giáo bằng công nghệ thực tế ảo.

Trải nghiệm Nhà thờ Hồi giáo bằng công nghệ thực tế ảo.

Công nghệ thực tế ảo đang là cánh cửa cơ hội chào đón ngày càng nhiều tín đồ tôn giáo, du khách khắp nơi tham quan những địa điểm tâm linh vòng quanh thế giới.

Chỉ cần một cú nhấp chuột, du khách đã có thể ngắm nhìn cận cảnh vòm nhà nguyện Sistine thành Vatican, hay tham gia hành hương cùng hàng nghìn người quanh đá thiêng Hắc Thạch tại thánh địa Hồi giáo ở Mecca.

Công nghệ cũng đem lại cho người trải nghiệm nghe thấy được tiếng thì thầm của những lời cầu nguyện của người Do Thái cạnh "Bức tường than khóc" ở thành cổ Jerusalem, hoặc đồng thanh cùng hô "Amen" ở Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa Mosque. Người trải nghiệm thậm chí còn có thể thắp một ngọn nến ảo ở ngôi mộ mà người Cơ Đốc giáo tin rằng là nơi chúa Giê-su đã phục sinh.

Mọi người đều có thể trải nghiệm tất cả những điều đó ngay tại nhà.

Những tín đồ tôn giáo, du khách trên toàn thế giới đang tham quan các địa điểm tâm linh trên toàn thế giới bằng công nghệ thực tế ảo ngày càng nhiều. Công nghệ này đã dần trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch, cho phép mọi người kết nối với nhau thông qua hình đại diện, tập hợp lại thành một khối không gian ảo metaverse.

Khám phá các địa điểm tâm linh bằng công nghệ thực tế ảo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nimrod Shanit, giám đốc sản xuất tổ chức xây dựng không gian ảo trải nghiệm Jerusalem The Holy City cho biết: "Công nghệ thực tế ảo là một môi trường internet mới đem lại cho người dùng cảm giác như đang di chuyển thực sự chỉ bằng một cú nhấp chuột vào ảnh hoặc video. Người tham gia cảm nhận được nghi lễ, văn hóa, kiến trúc khác nhau mà không cần tốn chi phí di chuyển và góp phần vào việc giảm lượng khí thải carbon ra môi trường."

Ông cho biết công nghệ này được xây dựng bằng cách sử dụng camera 360 độ, máy quét LiDAR để quay video và chụp ảnh các lễ hội tôn giáo ở Jerusalem từ năm 2015. Tiếp đó, họ ghép các video và hình ảnh lại với nhau bằng kỹ thuật số để người trải nghiệm nhập vai trực quan.

Những người hành hương ảo có thể theo chân các giáo sĩ Chính thống

Những người hành hương ảo có thể theo chân các giáo sĩ từ Giáo hội Chính thống cùng thắp nến trong lễ châm Lửa Thánh tại nhà thờ Holy Sepulcher. Họ cũng sẽ nghe thấy tiếng chuông và những tiếng hô vang "Chúa đã hồi sinh!" bằng nhiều ngôn ngữ. Người trải nghiệm cũng có thể để lại một lời cầu nguyện vào một vết nứt trên Bức tường than khóc.

Để hiển thị chính xác các chi tiết của Jerusalem trong không gian ảo, các nhà phát triển đã quay chụp các thánh địa và mô hình lớn được làm từ thế kỷ 19 đang được trưng bày tại bảo tàng Tháp David. Người tham gia vào không gian ảo có thể di chuột qua mô hình kỹ thuật số này để ngắm nhìn toàn bộ thành phố, đi qua các cánh cổng để tiến vào Nhà thờ Thánh James, Nhà thờ Holy Sepulchre, Bức tường than khóc, Thánh đường Vòm Dome of the Rock và Nhà thờ Al-Aqsa.

Nimrod Shanit người Do Thái, cùng hai đối tác người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo đều hy vọng việc phát triển trải nghiệm không gian ảo các địa điểm linh thiêng có thể thúc đẩy đối thoại và trao đổi hiểu biết giữa các tín ngưỡng.

Nhiều người Mỹ theo tôn giáo truyền thống hay không theo tôn giáo đang trao đổi tín ngưỡng thông qua công nghệ thực tế ảo ngày càng nhiều. Trên khắp thế giới, mọi người cũng có thể trải nghiệm các địa điểm linh thiêng của Phật giáo, Ấn Độ giáo… bằng công nghệ này.

Trải nghiệm Makkah sử dụng mô hình 3D, cho phép người dùng đi vòng quanh tòa nhà Kaaba, gặp gỡ những người cùng hành hương cầu nguyện trong trang phục vải bông trắng, tìm hiểu về các nghi lễ và khám phá các địa danh khác, bao gồm núi Arafat, đồi sa mạc nơi Nhà tiên tri Muhammad đã giảng bài thuyết giáo cuối cùng của mình gần 1.400 năm trước.

Ehab Fares, giám đốc điều hành của cơ quan kỹ thuật số BSocial phát triển Experience Makkah, cho biết trải nghiệm VR nhập vai này đã trở nên phổ biến nhất khi được cập nhật vào năm 2020. Trong năm đại dịch đầu tiên, cuộc hành hương đến thành Macca thu hút khoảng 2,5 triệu người tham gia trải nghiệm so với con số khoảng 1.000 người một năm trước đó khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. "Trong vòng chưa đầy một tháng, chúng tôi đã có hơn 20.000 người dùng từ Trung Đông và trên toàn thế giới."

Fares - một người tham gia công nghệ thực thế ảo đánh giá trải nghiệm Makkah là một "ứng dụng kỹ thuật số tốt" hướng đến mục tiêu chủ yếu là những người trẻ tuổi. Mọi người có thể khám phá phiên bản mới nhất thông qua Google Cardboard - một phần mềm giá rẻ có thể biến điện thoại thông minh thành thiết bị xem thực tế ảo. Anh cũng cho rằng đây là phương tiện hữu hiệu để giới thiệu tôn giáo của mình đến với nhiều người bằng công nghệ.

Nhà nguyện Sistine mở cửa trở lại cho công chúng tham quan vào đầu năm 2021 sau 11 tháng đóng cửa vì đại dịch. Nhưng ngay cả khi bị đóng cửa, mọi người vẫn có thể trải nghiệm những bức bích họa lừng danh của Michelangelo thông qua chuyến tham quan ảo trên trang web của Vatican.

Các hình chiếu toàn cảnh 360 độ của các thánh đường, nhà nguyện của Giáo hoàng có một phần là kết quả hợp tác giữa thành Vatican và các sinh viên Ngành Khoa học máy tính tại Đại học Villanova đến với Rome với tư cách là sinh viên thực tập.

Frank Klassner, một giáo sư Ngành Khoa học máy tính tại Villanova, người điều hành dự án cho biết: "Việc hợp tác là một cơ hội tuyệt vời cho sinh viên của chúng tôi tham gia tìm hiểu về nhà thờ. Kinh nghiệm tôn giáo cùng với kiến thức chuyên ngành khoa học máy tính là nền tảng để chúng tôi hợp tác cùng với các nhà phát triển của Vatican tạo ra những trải nghiệm không gian ảo này."

Đây là tín hiệu cho thấy các dự án xây dựng công nghệ thực tế ảo cho các địa điểm tâm linh đang được giới học thuật để tâm.

Vừa qua, các sinh viên Đại học Miami được đeo tai nghe VR để xem video 360 độ về nghi lễ Haiti Voodoo, nghi thức tang lễ của người Hindu và lễ rửa tội của đạo Cơ đốc. Các sinh viên cũng đã được khám phá Nội Thất của Gia đình Gaudi Sagrada ở Barcelona Tây Ban Nha, đền Parthenon ở Athens và Mecca trong một khóa học "Tôn giáo và Không gian linh thiêng trong Kỷ nguyên Thực tế ảo và Trí tuệ nhân tạo".

Matthew Rossi, một sinh viên chuyên ngành toán học và khoa học máy tính, từng là trợ giảng cho khóa học, theo đạo Công giáo cho biết lớp học dù không liên quan gì đến tôn giáo của anh nhưng cũng cho anh những kiến thức mới, đánh giá mới về các truyền thống, nghi lễ tôn giáo khác và trải nghiệm công nghệ thực tế ảo. "Tôi có cảm giác như đang di chuyển cùng những người hành hương đi vòng quanh Kaaba tại Mecca. Trải nghiệm này quá đỗi chân thật."

William Green - giáo sư Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Miami cho biết đức tin cần bao hàm những hành động cụ thể từ cầu nguyện, ca hát đến thiền định hoặc ăn chay. "Tôn giáo hấp dẫn tâm trí mỗi người, và nó cũng lôi cuốn cơ thể bạn. Và mỗi chúng ta có thể khám phá tôn giáo của mình ngay cả trong không gian thực tế ảo này".

Nguồn: www.independent.co.uk

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn