Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Niềm kiêu hãnh về cội nguồn và khát vọng vươn lên trong tâm thức người Việt

Nằm trong dòng chảy của văn hóa thờ cúng tổ tiên, thờ cúng vua Hùng còn là một tín ngưỡng bao hàm nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc của một dân tộc nhận thức rõ rệt về nguồn gốc của mình và mong muốn trao truyền lại cho các thế hệ sau những mật mã văn hóa. Thông qua đó tạo ra hệ quy chiếu ý thức dân tộc về nguồn cội và tạo ra sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Thờ cúng Hùng Vương là một diễn trình lịch sử truy tìm về cội rễ

Thờ cúng Hùng vương cho đến nay đã quen thuộc với người Việt Nam, khắp nơi có người Việt Nam sinh sống đều có đền thờ vua Hùng, cả dân tộc có ngày giỗ Tổ.

Chiếm lĩnh một thời gian dài hơn 2000 năm dựng nước, nhưng các thông tin về triều đại Hùng Vương thực sự chỉ dựa vào truyền thuyết và tư liệu dân gian còn sót lại ở khu vực quanh núi Nghĩa Lĩnh. Ngược dòng lịch sử các tài liệu chép về Hùng Vương sớm nhất chỉ thấy trong "Lĩnh nam chích quái", "Việt điện u linh" với những thông tin còn phủ nhiều màu sắc huyền hoặc. Trong một vài bộ sử chính thống "Đại việt sử ký toàn thư" thời đại Hùng Vương biên chép ở phần ngoại kỷ, đến "Việt Nam sử lược" thì phả hệ Hùng Vương mới được biên chép thành "họ Hồng Bàng" tương đối rõ ràng.

Theo phả hệ này thì Hùng Vương là dòng dõi của Thần Nông, là người đã lập nên nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (tương đương với văn hóa Phùng Nguyên - Đông Sơn theo phân kỳ khảo cổ học). Với hình thái kinh tế nông nghiệp cạn và nông nghiệp nước, cư dân Văn lang là chủ nhân của văn minh sông Hồng. Từ diện mạo văn hóa, lối sống, nếp nghĩ, tư duy đều hình thành trên nền tảng nông, ngư nghiệp. Ngày nay những mật mã văn hóa của thời đại này vẫn tồn tại trong các lễ mật của các lễ hội vùng Trung du và trên dải hoa văn của tang trống đồng, trong văn hóa Mường.

Dù vậy nhưng Hùng Vương và nhà nước Văn Lang vẫn được khẳng định và tồn tại vững bền trong lòng người dân, tâm thức con Lạc cháu Hồng vẫn là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo ra ý thức dân tộc và một niềm kiên tin sâu sắc của nhiều lớp thế hệ và cũng cho thấy truyền thuyết, thần thoại qua lăng kính niềm tin tôn giáo đã trở thành lịch sử; những dấu tích về các vua Hùng trong văn hóa dân gian, dân tộc học, khảo cổ… vẫn đủ sức thuyết phục cho sự hiện diện của một thời kỳ "Thượng cổ thời đại".

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương.

Hội thảo khoa học về "kinh đô Văn Lang" do Viện nghiên cứu lịch sử tổ chức tháng 12/1994 tại Việt Trì - Phú Thọ đã cho thấy nơi mà vua Hùng đến ở giống như các Chạ, Chiềng của Cun/Khun ở người Mường và A Nha (ở người Thái). Đây cũng là lý do không tìm thấy dấu hiệu của thành quách, cung điện tại nơi đây, nhưng lại phản ảnh một hiện thực rằng có cả một thời kỳ quân chủ bộ lạc ở khu vực này.

Nghiên cứu cấu trúc xã hội Mường của Cuisinier những năm đầu thế kỷ XX và của Trần Từ sau này cho thấy trong xã hội Mường có tầng lớp quý tộc với tên gọi Lang, Cun chỉ người đứng đầu bộ lạc được biến âm thành Hùng, được phóng ngược lại lịch sử và ghép thêm chữ và nghĩa Vương (vua) ở thời Trung cổ mà thành Hùng Vương.

Trong một tài liệu khác của Bình Nguyên Lộc cũng cho biết người Mường gọi các tù trưởng của họ là Pò Khul. Đây là khái niệm chỉ người đứng đầu bộ tộc, được gọi dưới các danh xưng Khun Chương/Trương ở nhiều khu vực cư trú của cư dân Bách Việt. Điều này làm sáng tỏ thực chất thời Hùng Vương lúc bấy giờ là những quân chủ bộ lạc đang trên đường hoặc mới hình thành quân chủ nhà nước.

Nước Văn Lang cũng là cách gọi về một cộng đồng tộc người có tục xăm mình ở Việt Nam, "Lang" còn có nghĩa chỉ "con người, người đàn ông". Như vậy, cho dù nguồn gốc của Hùng Vương mờ, tỏ thế nào vẫn chỉ ra rằng đây là những thủ lĩnh đầu tiên của bộ lạc Việt/Việt Thường/Lạc Việt thời bấy giờ, và bộ lạc đó đã ý thức một cách rõ ràng về cộng đồng tộc người của mình.

Mười tám đời Hùng Vương là con số ước lệ chỉ sự chuyển giao quyền lực qua nhiều đời Cun/Khun ở Phong Châu và mở rộng ra các khu vực xung quanh. Khi quyền lực chuyển giao từ Hùng qua Thục thì đã có sự hợp nhất hai bộ lạc Tây Âu và Lạc Việt thành một khối thống nhất để cùng đối phó với sự bành trướng về phương Nam của đế chế Tần phía Bắc. Truyền thuyết "cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của người Tày vẫn còn lưu rõ dấu ấn của các cuộc tranh giành của các thế lực địa phương để đi đến hợp nhất dân tộc.

Thờ cúng Hùng Vương có từ khi nào?

Năm 1372 Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa các vua Hùng với tư cách là một nhân vật lịch sử vào chính sử "Việt Nam thế chí". Sách Việt sử lược chép về Hùng Vương dựng nước Văn Lang nhưng với tư cách như một pháp sư tài giỏi thâu tóm được quyền lực các bộ tộc để trở thành vị thủ lĩnh tối cao. Năm 1435 "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi đã nhắc đến Hùng Vương theo thư tịch đời Trần với niềm tự hào dân tộc. Thời Lê Thánh Tông đã cho lập Ngọc Phả Hùng Vương với tên gọi "Ngọc phả cổ truyền về 18 đời thánh vương triều Hùng". Từ đó việc thờ cúng Hùng Vương trở thành chính thống.

Sau này đến các vua Nguyễn cũng rất lưu tâm đến khu di tích đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Năm 1874 vua Tự Đức lệnh cho tổng đốc Tam tuyên Nguyễn Bá Nghi xây dựng lăng Hùng vương ngay cạnh đền Thượng, năm 1917 triều Khải Định bộ lễ gửi công văn phái quan tỉnh của Phú Thọ lấy ngày 10-3 âm lịch hằng năm để cử hành quốc tế, các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt toàn dân cúng tế.

Năm 2007, Quốc hội, Nhà nước Việt Nam công nhận lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch chính thức là ngày giỗ các vua Hùng. Biểu tượng linh thiêng của dân tộc hiện diện chính thức trong văn bản nhà nước, định hướng ý thức người dân. Từ đây lễ hội có tính chất địa phương trở thành ngày đại lễ quốc gia.

Cho đến nay cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại này. Sự lan rộng của tín ngưỡng cho thấy việc thờ cúng Hùng Vương đã được toàn dân chấp nhận bởi tín ngưỡng này dung chứa một ý nghĩa triết lý nhân sinh cao cả, nó không chỉ khắc vào tâm khảm con người Việt Nam về nguồn gốc giống loài đẹp đẽ mà còn có tác dụng ước thúc nhân tâm quy về một nguồn cội.

Thắt chặt hơn mối dây liên kết đồng bào

Thờ cúng tổ tiên và người có công với nước là một trong những thế ứng xử của người Việt Nam. Trong gia đình, tông tộc việc tế tự tổ tiên là nhớ ơn sinh thành (phục bản phản thủy) và lưu truyền nòi giống (vĩnh truyền tôn thống) thể hiện mối dây liên hệ giữa người sống và người chết không hề bị đứt đoạn.

Ở quy mô quốc gia thờ cúng vua tổ là sự thể hiện chiều kích ứng xử giữa hiện tại và quá khứ, là cách để tỏ lòng ngưỡng mộ, ghi nhớ công lao và cũng là cách tốt nhất để lưu truyền lịch sử dựng nước. Việc thờ cúng Hùng Vương và truy tôn quốc tổ, quốc giỗ không chỉ nhằm ước thúc nhân tâm tụ quy về một cội mà còn là sự thể hiện của ý thức văn hóa quốc gia, trong đó ý thức về lãnh thổ và biểu tượng quốc gia là quan trọng.

Cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể thế giới.

Thờ cúng Hùng Vương gắn liền với cặp đôi tiên – rồng còn thể hiện niềm kiêu hãnh về cội nguồn cao quý của tổ tiên và khát vọng vươn lên trong tâm thức người Việt cổ. Cũng từ đây mà người Việt truyền tụng mãi về sau những hình tượng đẹp đẽ đầy dũng khí, rất đỗi linh thiêng của linh vật đứng đầu trong tứ linh: Rồng. Điều này không chỉ phản ánh năng khiếu thẩm mỹ của người Việt cổ mà cùng với óc sáng tạo về bọc trăm trứng còn cho thấy tâm tư tình cảm, mong muốn trăm sông đều đổ về một dòng, nghìn cành nhánh đều cùng cội rễ mà thống hợp tâm linh và đoàn kết các tộc người.

Ở đó tinh thần dân tộc, tình nghĩa đồng bào, coi nhau như anh em được khẳng định không chỉ ở yếu tố cùng huyết thống, mà còn là sản phẩm của mối quan hệ thần bí do sự kết hợp của hai yếu tố tiên - rồng, âm - dương, cao - thấp. Tâm thức thần bí của sự ra đời có tác dụng mạnh mẽ trong củng cố khối đoàn kết mọi tộc người, sợi dây tâm linh vô hình nhưng bền chặt hơn các yếu tố vật chất hữu hình. Vì vậy về với đền Hùng, thắp nén tâm hương không phải để cầu cạnh những thỏa mãn ham muốn vật chất thông thường phàm tục mà để hồi hướng tâm linh, quy nguyên về cội rễ, thắt chặt hơn mối dây liên kết đồng bào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn