Tổ Dân vận cộng đồng - "cứu cánh" của chị em bị bạo lực gia đình

15/07/2023 08:05
Các thành viên Tổ Dân vận cộng đồng thôn Tân Hiệp trao đổi cùng phụ nữ địa phương

Các thành viên Tổ Dân vận cộng đồng thôn Tân Hiệp trao đổi cùng phụ nữ địa phương

“Khi chúng tôi tới nhà, nhìn thấy hội viên của mình tím bầm ở chân vì bị chồng đánh, chúng tôi rất xót xa”, chị Hoàng Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Sơn, Chủ tịch MTTQ xã Đại Sơn, thành viên Tổ Dân vận cộng đồng thôn Tân Hiệp (xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), mở đầu câu chuyện về một trường hợp bị bạo hành mà Tổ đã can thiệp.

Theo chị Thơ, người vợ đó là một hội viên phụ nữ trong thôn, người dân tộc Nùng. Người chồng đánh vợ vì… không đồng ý cho vợ đi tham gia phong trào văn nghệ của thôn. 

"Khi nắm được sự việc, chúng tôi đã đến nhà, giải thích cặn kẽ với người chồng về việc đánh vợ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. Anh chồng nhận ra mình sai, nói lời xin lỗi vợ và hứa sẽ không tái phạm. 

Sau nhiều lần được tuyên truyền, người chồng đã không còn đánh vợ và cũng không ngăn cản vợ tham gia hoạt động của thôn. Có lúc cả 2 vợ chồng còn cùng đi tham gia sinh hoạt văn hóa thôn. Đấy cũng là kết quả mà chúng tôi thấy ấm lòng. Tuy nhiên, không phải cuộc hòa giải nào cũng có kết quả tốt như vậy", chị Thơ cho biết.

Xã Đại Sơn hiện có 6.437 người, trong đó người Nùng chiếm 70%. Những năm gần đây, xã Đại Sơn đã có nhiều đổi thay, song một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế. 

Theo chị Hoàng Thị Thơ, tại xã Đại Sơn vẫn còn những người chồng tự cho mình là "trụ cột gia đình" nên có quyền "bề trên", hễ có việc gì không vui, lại thêm chút men rượu vào người là đánh đập vợ con.

Trước thực trạng trên, nhiều Tổ dân vận cộng đồng tại địa phương đã được thành lập, trong đó điển hình là Tổ Dân vận thôn Tân Hiệp do Hội LHPN xã Đại Sơn thành lập năm 2020. Tổ có 9 thành viên, đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 4 thành viên là người Nùng. 

 Trăn trở với những nỗi đau sau cánh cửa - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Sơn

Năm 2022, trong số 18 cuộc mà Tổ hòa giải thành công thì có 8 cuộc liên quan đến bạo lực gia đình, khoảng một nửa số cuộc liên quan đến bạo lực gia đình xảy ra ở gia đình người Nùng. Năm 2021, trong số 14 cuộc hòa giải thì có 7 cuộc liên quan đến bạo lực gia đình.

"Có trường hợp của chị Na (sinh năm 1977), người Nùng, đã diễn ra nhiều năm nay. Chị đã có con dâu, con rể rồi mà vẫn phải chịu cảnh bị chồng bạo hành. Mỗi khi xã có việc, chị Na hay đi nấu cỗ giúp. Mỗi lần như vậy, nghe lời kích bác của người khác, chồng chị lại đánh vợ. 

Tổ chúng tôi đã đến hòa giải nhiều lần nhưng chưa xử lý được dứt điểm. Hiện nay, chị Na xin đi làm công ty xa nhà, lâu lâu mới về địa phương. Nếu có về, chị cũng về nhà mẹ đẻ ở. Chị chỉ về nhà mình vào ngày lễ Tết khi con cái về tề tựu đông đủ, bởi lúc đó, có các con thì người chồng mới không mắng chửi chị", chị Thơ xót xa nói.

Do nhận thức của bản thân chị em còn hạn chế nên nhiều trường hợp phụ nữ trong xã bị bạo lực gia đình nhưng không lên tiếng tố giác mà chọn cách chịu đựng cho "yên cửa yên nhà".

"Cùng là phụ nữ, khi thấy chị em hội viên của mình không được tôn trọng, bị bạo hành trong chính ngôi nhà của họ, chúng tôi rất trăn trở. Có những trường hợp, ngay khi nắm được thông tin, các thành viên của Tổ đến tận nơi hòa giải, bất kể đêm ngày nhưng để tham gia giải quyết dứt điểm vấn đề bạo hành gia đình ở địa phương thì vẫn còn nhiều việc phải làm", chị Thơ nói.

Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia giải quyết những vấn đề xã hội đối với phụ nữ ở địa phương, trong đó có người Nùng, các thành viên là người Nùng trong Tổ đang tích cực phát huy vai trò của mình. 

Chị Hoàng Thị Duyên, người Nùng, một thành viên của Tổ Dân vận, cho biết: "Là thành viên của Tổ Dân vận, tôi và các chị em luôn làm việc với sự tâm huyết, trách nhiệm của mình trong công tác dân vận, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xây dựng nếp sống mới ở thôn xóm. Là người dân tộc Nùng nên tôi giao tiếp, tuyên truyền, vận động người dân tộc mình dễ dàng hơn. Nhiều người dân cũng sẵn sàng trao đổi, nghe theo nếu họ thấy hợp lý".

Theo chị Hoàng Thị Thơ, trên địa bàn xã còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó nổi cộm là bạo lực gia đình, trẻ em nghỉ học sớm, tập tục ma chay cúng giỗ rườm rà, tranh chấp đất đai… Để góp sức làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, bản thân các thành viên Tổ Dân vận cộng đồng sẽ phải tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng dân vận của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn