Theo bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, các tôn giáo ở nước ta có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước cũng như xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Tôn giáo tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh


Theo bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, các tôn giáo ở nước ta có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước cũng như xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Tôn giáo tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh tổ chức mới đây, bà Trần Thị Minh Nga cho biết, thời gian qua, nhiều hoạt động của các tôn giáo đã đóng góp thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, an ninh và bảo vệ môi trường.

Tôn giáo tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - Ảnh 1.

Đồng bào Công giáo chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường

Theo ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào các tôn giáo luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Quá trình đó, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia làm cầu, đường giao thông, xây nhà tình thương; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh…

Tại Bắc Ninh, những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã luôn đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", từ đó có những đóng góp to lớn vào sự phát triển, khởi sắc của quê hương...

Tôn giáo tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - Ảnh 2.

Phụ nữ theo đạo Công giáo dọn dẹp rác thải, bảo vệ cảnh quan và môi trường sống

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 55 xứ, họ đạo với 15.307 giáo dân cư trú 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, đông đảo bà con giáo dân ở các họ đạo của huyện Lương Tài luôn thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo" do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Trên địa bàn huyện hiện có 8 họ đạo (trong đó có 5 họ đạo toàn tòng); số lượng đồng bào Công giáo nhiều nhất các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh với khoảng hơn 7.000 người. Bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp trên, Ủy ban Đoàn kết công giáo huyện Lương Tài thường xuyên vận động các chức sắc, chức việc, giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy ước của cộng đồng; phát huy truyền thống đoàn kết lương giáo, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo", với 10 tiêu chí "7 tốt đời, 3 đẹp đạo".

Cùng hiến đất, phá tường rào để làm đường, bà con giáo dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) còn chung tay xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Toàn

Đến nay, đồng bào Công giáo trong huyện đã có nhiều đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tiêu biểu như nghề làm mì gạo, bánh đa, dịch vụ, cây cảnh ở Giáo xứ Tử Nê, xã Tân Lãng; nghề thợ nề, chăn nuôi ở họ giáo Lương La, Bái Giang, xã Tân Lãng; nghề sản xuất chài lưới, dịch vụ giao thông ở Giáo xứ Lai Tê, xã Trung Chính... góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào Công giáo. Hiện tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo của huyện Lương Tài chiếm tới hơn 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%. Đồng bào Công giáo đã trực tiếp tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cũng như Bắc Ninh, tại nhiều địa phương, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo còn tham gia hiến hàng nghìn mét đất cùng nhiều ngày công lao động để nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở; gắn camera giám sát tại các khu vực dân cư để bảo vệ an ninh; góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đóng góp của cộng đồng tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của tôn giáo, mà còn tạo lập sự ổn định và làm nên sự gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.

Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới thông qua tài trợ kinh phí xây dựng các công trình dân sinh, xây cầu giao thông nông thôn...

Cụ thể, tại tỉnh Ninh Bình, bà con công giáo thôn Cách Tâm, xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, thời gian qua đã tích cực hưởng ứng gìn giữ cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Cách Tâm Nguyễn Văn Trung, thôn Cách Tâm có 186 hộ với 685 khẩu, có 1 nhà thờ Giáo xứ Cách Tâm, tỷ lệ theo đạo Công giáo chiếm 70%, Phật giáo chiếm 5% dân số của thôn. Từ xưa đến nay, cán bộ đảng viên và nhân dân trong thôn luôn có tinh thần đoàn kết đồng lòng, biết phát huy và khơi dậy tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển đa dạng các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, Giáo xứ Cách Tâm đã có những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường như: Linh mục quản xứ vận động bà con giáo dân thực hiện tốt giáo lý, giáo luật để phát huy giá trị đạo đức Công giáo trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng những nội dung cụ thể như, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xung quanh thánh đường và đường làng lối xóm; không xả rác và vỏ thuốc trừ sâu tùy tiện ra môi trường, chấp hành tốt pháp luật…

Nhờ đó, trong năm qua, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp… Đặc biệt, bà con công giáo thôn Cách Tâm đã gắn kết rất chặt chẽ giữa "đạo và đời", tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, xây dựng được nhiều chương trình văn hóa, xã hội, kinh tế.

Tôn giáo tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - Ảnh 4.

Đại diện chùa Diệu Nghiêm (Bà Rịa-Vũng Tàu), cùng chính quyền địa phương khởi công xây dựng đường giao thông nông thôn ở Gia Lai

Cùng đạo Công giáo, các tôn giáo khác ở nước ta cũng tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới. Mới đây, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã ra mắt mô hình "Sử dụng nước hợp vệ sinh, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng tại hộ gia đình". Các thành viên tham gia mô hình đều nêu gương qua việc sử dụng nước sạch đã qua xử lý, bảo đảm hợp vệ sinh; nhà ở được trang trí gọn gàng ngăn nắp; xung quanh nhà thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, rác thải được tập kết xử lý an toàn vệ sinh, trồng nhiều loại cây xanh, hoa, kiểng… tạo cảnh quang thông thoáng...

Còn tại Bến Tre, thời gian qua, Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre (Hội Thánh) cũng tích cực bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Hiến pháp Lữ Minh Châu, Tổng Thư ký Hội Thánh cho biết: Sau 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng được khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; kết cấu hạ tầng kính tế xã hội dần được hoàn thiện; hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; công tác phát triển sản xuất cũng được quan tâm, chú trọng…

Tôn giáo tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - Ảnh 1.

Chức sắc, tính đồ đạo Cao Đài lắp đặt ống thoát nước giữ gìn cảnh quang môi trường khu dân cư

Cũng theo Hiến pháp Lữ Minh Châu, trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, người đạo Cao Đài đã trồng cây gây rừng, làm khang trang các khuôn viên thờ tự, tích cực góp phần vào việc cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở địa phương; phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; vận động các tín đồ và người thân thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, các chức sắc, tín đồ Cao Đài còn tích cực tham gia thực hiện các đợt ra quân nạo vét kênh mương, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Hiến pháp Lữ Minh Châu chia sẻ, từ phong trào "Xây dựng nông thôn mới" cho đến mô hình "Vận động chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài tham gia bảo vệ môi trường", đồng bào theo đạo tại các địa phương đã tích cực tham gia với nhiều hoạt thiết thực. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 50% số gia đình bà con tín đồ đạo xây hố xí tự hoại, thì đến nay 100% số hộ gia đình đã xây hố xí hợp vệ sinh, tham gia thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thu gom rác... Các hộ gia đình chăn nuôi có quy mô lớn cũng đã xây dựng hầm biogas nhằm tạo khí đốt, đồng thời góp phần làm giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Nguyên