Chàng trai người dân tộc Tày Vàng A Bình đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và làm những ống trà lam gác bếp để gìn giữ, nâng tầm giá trị cho búp chè Shan Tuyết, là đặc sản ở Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao

Chàng trai người dân tộc Tày Vàng A Bình đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và làm những ống trà lam gác bếp để gìn giữ, nâng tầm giá trị cho búp chè Shan Tuyết, là đặc sản ở Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền nổi tiếng với những gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm, mọc cheo leo trên sườn núi dốc, thường xuyên được bao phủ bởi làn sương trắng xóa như tuyết. Có lẽ vì vậy, nơi đây còn được gọi là Xứ sở chè tuyết. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở Bản Liền cũng không biết cây chè Shan Tuyết có ở mảnh đất này từ bao giờ.

Cũng như nhiều địa phương khác, chè Bản Liền được người dân thu hái, mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng, những người con của Bản Liền đã ấp ủ ý tưởng cho ra đời những sản phẩm độc đáo, mới lạ hơn từ sản vật địa phương. Chàng trai dân tộc Tày Vàng A Bình (sinh năm 1994) là một trong những người đi tiên phong "khoác áo mới" cho những búp chè Shan Tuyết của quê hương.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 1.

Vàng A Bình tiên phong làm trà ống lam gác bếp tại Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Giới thiệu về những ống trà lam gác bếp - sản phẩm được triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19, Vàng A Bình cho biết, anh đã nghiên cứu, học hỏi cách làm trà từ nhiều địa phương khác nhau, từ đó cải tiến, áp dụng cho phù hợp với sản phẩm địa phương, để làm ra những ống trà chắt chiu được trọn vẹn hương vị của chè, của núi, của rừng và công sức của những người dân Bản Liền.

Chè Shan Tuyết sau khi hái về phải sao ngay để giữ được hương vị

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 3.

Những búp chè khô sẽ được nhồi vào ống tre

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 4.

Quan trọng nhất quyết định hương vị chè ống lam chính là công đoạn chọn ống tre. Vàng A Bình cho biết, anh chọn những ống tre rừng già để tạo nên hương vị trà thượng hạng ít nơi nào có được

"Một ống trà lam nhìn đơn sơ vậy thôi, nhưng phải dành thời gian tới hơn nửa năm, trải qua rất nhiều công đoạn", Vàng A Bình cho biết. Lúc mới thử nghiệm, Bình cũng nhiều lần thất bại nhưng với tình yêu và tâm huyết dành cho những búp chè của quê hương, chàng trai dân tộc Tày đã và đang đưa trà Bản Liền đi xa hơn.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 5.

Những ống trà được bố mẹ Vàng A Bình chăm chút, làm bên bếp lửa mang hơi ấm gia đình

Sau khi cho trà vào ống tre, cần phải nén thật chặt, để những búp trà chắc thành bánh

Khâu quan trọng nhất quyết định hương vị trà lam là quá trình sấy chè qua lửa vừa cầu kỳ vừa đậm chất riêng của người vùng cao.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 7.

Những ống trà được hơ trên lửa cho đến khi ống tre bắt lửa đều mà không bị cháy vỏ ngoài. Lúc này, những búp chè lèn chặt bên trong hút lấy nhựa cây mang hương thơm của núi rừng

Công đoạn này được những người phụ nữ trong gia đình chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận, lật trở thường xuyên, để ống tre đượm lửa nhưng không bị cháy

Nếu như những thương hiệu trà lam ống tre khác chỉ qua công đoạn hơ lửa và bán ra thị trường, thì Vàng A Bình đã nghiên cứu và thử nghiệm trà lam của mình theo một cách cầu kỳ và dày công hơn. Những ống trà  được gác trên bếp củi 5 tháng, để trà khô hẳn và quyện vị khói bếp. Đây là điểm độc đáo, khác biệt nhất của trà ống lam Bản Liền.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 9.

Chè Shan Tuyết Bản Liền có hương thơm và vị ngọt hậu, được nhồi vào ống lam tươi làm nóng qua hơi lửa, trở nên độc đáo hấp dẫn hơn

Khi thưởng thức tách trà ống lam có màu vàng sóng sánh như màu mật ong ấy, có thể cảm nhận được vị ngọt đậm đà của trà Shan Tuyết vùng cao, thoảng hương thơm của núi rừng quyện trong ống tre và đặc biệt là vị khói bếp đặc trưng, ấm áp, thơm nồng, không lẫn với trà của bất cứ nơi nào khác.

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 10.

Sau nửa năm hong trên bếp, những búp trà được nén chặt thành bánh. Một ống trà lam Bản Liền có giá bán 100.000 đồng. "Việc vận chuyển và bảo quản trà ống lam gác bếp cũng đơn giản hơn các loại chè thông thường, nên trà ống lam đang nhận được sự ủng hộ của khách hàng", Vàng A Bình cho biết.

Không chỉ làm ống trà lam để bán ra thị trường, mang lại thu nhập cho gia đình và người dân địa phương trong mùa dịch, với sự hỗ trợ từ dự án "Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà" do Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn - CRED và dự án GREAT do Chính phủ Úc tài trợ, Vàng A Bình còn tham gia vào các chương trình du lịch trải nghiệm, tạo cơ hội cho du khách tự tay làm trà ống lam gác bếp, lưu giữ những kỷ niệm đẹp về đất và người Bắc Hà, Lào Cai. 

Trà ống lam gác bếp chắt chiu vị ngọt vùng cao  - Ảnh 11.

Du khách hào hứng trải nghiệm làm trà ống lam gác bếp

Mạnh dạn thử nghiệm, Vàng A Bình cùng những ý tưởng sáng tạo của anh đã góp phần thay đổi các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương, phát triển kinh tế song song với gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. 

Thực hiện: Trần Lê
Ảnh: Nam Nguyễn