Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam

16/12/2021 21:43
Anh Châu Hải Đường đang viết thư pháp

Anh Châu Hải Đường đang viết thư pháp

Hiện thư pháp Việt có 2 loại văn tự song hành, đó là thư pháp Hán Nôm và thư pháp chữ Quốc ngữ. Xuất phát từ niềm đam mê, sự yêu thích đối với thư pháp, nhiều bạn trẻ đã và đang tham gia vào quá trình gìn giữ diện mạo nghìn năm thư pháp Việt.

Viết chữ rèn tâm

Dịch giả, người nhiều năm viết thư pháp Châu Hải Đường, cho biết: "Có thể nói, nước ta cũng như một số nước Á Đông khác, đều chịu ảnh hưởng của văn tự và văn hóa Hán. Do đó, thư pháp Hán Nôm cũng tuân thủ theo cách viết chung vốn có của thư pháp Trung Hoa. Đặc biệt, nền thư pháp chữ Hán của Trung Hoa đã có lịch sử lâu đời với nhiều thư thể, mà đơn giản có thể nói đến các lối chữ như: Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo, có hệ thống lý luận dày dặn, nền tảng kỹ pháp và giáo học đã được hệ thống hóa…

Cùng với hàng loạt danh gia cổ kim, là nguồn tri thức, tài liệu cho những người học, luyện tập thư pháp Hán Nôm. Thư pháp Trung Hoa đã được cha ông ta chú ý, học tập và tham khảo. Tất nhiên, cha ông ta cũng đã tạo được những dấu ấn riêng trong lối thư pháp của nước mình, như lối chữ Lệnh thư, mà hiện nay có thể thấy trên các sắc phong đời Lê".

Nghệ thuật thư pháp Hán Nôm có truyền thống từ lâu, gắn liền với hàng ngàn năm sử dụng chữ Hán, chữ Nôm trong đời sống chính trị - xã hội của cha ông ta. Đến nay, vẫn còn rất nhiều tư liệu, sách vở, bi ký, mộc bản, hoành phi câu đối... Cho thấy ông cha ta đã dùng chữ Hán, chữ Nôm trong việc ghi chép cũng như ứng dụng vào trang trí, kiến trúc, sáng tạo nghệ thuật như thế nào. Qua những tư liệu ấy, chúng ta có thể thấy cả một lịch sử thư pháp gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam - Ảnh 1.

Một đoạn trích văn bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất 1442 tại Văn Miếu - Quốc tử giám do Thân Nhân Trung soạn (Châu Hải Đường viết)

"Người ta nói rằng, rèn luyện thư pháp có thể coi là một hình thức để rèn nhân cách, điều này hoàn toàn không sai. Thư Pháp - với nghĩa là phép viết chữ mẫu mực, đẹp, là môn nghệ thuật cùng giấy, bút lông, mực nước truyền thống, mà từ cách cầm bút, lấy mực, cho đến viết chữ lên giấy đều cần một sự tập trung nhất định, có một tâm thái vững vàng, "bình tâm tĩnh khí"; theo từng nét mà cấu tứ, bố trí... Vì vậy, để rèn luyện sự tập trung, thận trọng và tính kiên nhẫn, thì thư pháp chính là lựa chọn hàng đầu", anh Châu Hải Đường cho hay.

Chia sẻ thêm về bộ môn nghệ thuật thư pháp, anh Châu Hải Đường nói: "Từ xưa đến nay, thư pháp luôn được coi là một môn nghệ thuật, thậm chí là nghệ thuật bậc cao. Cha ông ta từng đánh giá về việc chơi chữ/thư pháp là: "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", chơi chữ/thư pháp còn cao diệu hơn cả chơi tranh. 

Muốn trở thành một người được gọi là "bậc thầy" về thư pháp là vô cùng khó, ngay cả việc để trở thành một "thư pháp gia" cũng không hề dễ, tôi chỉ xin nhận rằng mình là người yêu thư pháp, có tập luyện và viết thư pháp mà thôi. Còn để trở thành một bậc thầy về thư pháp thì phải tạo ra cho mình một lối viết riêng, có hệ thống bài bản, cách viết ấy còn phải được hầu khắp người học thư pháp công nhận là một lối chữ đẹp, đặc sắc, mẫu mực, tiêu chuẩn và có đông đảo người học tập theo".

Thư pháp Hán Nôm chứa đựng vẻ đẹp nghệ thuật với hình dáng kết cấu của từng chữ, nét bút, cùng những cảm nhận của người viết về bút mạch, khí thế, lực độ, cách xử lý sắp đặt và bố cục chung của toàn bức thư pháp. Ngoài ra, một bức thư pháp đẹp, bên cạnh tính thẩm mỹ của bức thư pháp, còn cần có nội dung hay, chuyển tải những triết lý, gửi gắm tâm tư tình cảm và mang tính giáo dục.

Tôn vinh giá trị của tiếng Việt qua nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ

Sau khoa thi Nho học cuối cùng vào năm 1919, chữ Hán đã lùi lại hậu trường nhường vai trò cho chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, nghệ thuật thư pháp Hán Nôm vẫn được "giữ lửa" cho đến ngày nay, Bên cạnh đó từ loại hình nghệ thuật truyền thống này, cha ông ta đã kế thừa và sáng tạo ra phân môn thư pháp chữ Quốc ngữ (còn được gọi là thư pháp chữ Việt) với sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây khi sử dụng bút lông, mực tàu của thư pháp Hán cùng chữ Latinh, tượng thanh.

Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam - Ảnh 2.

Ngẫu thư - Nguyễn Thanh Tùng

Anh Nguyễn Thanh Tùng, người nhiều năm gắn bó với thư pháp, chia sẻ: "Thư pháp Hán Nôm và thư pháp chữ Quốc ngữ vẫn có giao thoa và kế thừa để phát triển. Cũng như những phân môn thư pháp khác, giá trị văn hóa của thư pháp chữ Việt được thể hiện qua tinh thần trọng đạo học, chữ nghĩa và những giá trị trong nhân cách, đức hạnh của người cho chữ. 

Thông qua thư pháp, ta hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của ngữ nghĩa, nâng cao khả năng thẩm mỹ và có đời sống tin thần tốt đẹp hơn. Việc treo những bức thư pháp có đầy đủ giá trị nghệ thuật trong nhà, vừa làm đẹp không gian, lại vừa thể hiện tâm tư tình cảm của gia chủ. Thông qua đường nét, và ý nghĩa của chữ, cũng là những thông điệp gửi tới các thế hệ".

Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam - Ảnh 3.

Cư Trần Lạc Đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Nguyễn Thanh Tùng viết)

Nội dung trong thư pháp chữ Quốc ngữ thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân hay những bài thơ giàu chất trữ tình... Đề cao tinh thần sáng tạo của người viết, thư pháp chữ Việt không nằm trong khuôn khổ như nghệ thuật thư pháp Hán Nôm, mà tự do, phá cách hơn, người viết có thể để lại dấu ấn cá nhân trong bức thư pháp của mình. Dù ra đời muộn nhưng thư pháp chữ Việt đang được nhiều người quan tâm và đón nhận, bởi lối viết gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu cùng với mong muốn làm đẹp thêm chữ viết dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Khi được hỏi về tương lai của thư pháp chữ Việt, anh Nguyễn Thanh Tùng nói: "Tôi đã đào tạo nhiều khóa thư pháp chữ Quốc ngữ và tôi rất lạc quan về tương lai của phân môn thư pháp này. Hiện nay đời sống kinh tế - văn hóa phát triển, có nhiều người quan tâm và tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp của cha ông trong sự tiếp nối và phát triển, đặc biệt trong đó có nhiều bạn trẻ.

Để có thể theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, người học cần phải thật sự yêu thích, coi thư pháp là người bạn đồng hành trong đời sống thì mới khai thác hết được vẻ đẹp của nó. Ngoài ra, không thể thiếu những yếu tố như sự cần cù, ham học hỏi, xác định mục đích tìm tới bộ môn này để kiên trì với nó".

Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam - Ảnh 4.

Lớp học thư pháp Lưu Đức Thư của anh Nguyễn Thanh Tùng

Trong thư pháp chữ Quốc ngữ, mỗi nét chữ đều được người cho chân tâm viết nên, trao tặng người nhận có lòng trân quý nghệ thuật, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Giờ đây, thư pháp chữ Quốc ngữ không chỉ là một thú vui tao nhã mà đã trở thành một phân môn nghệ thuật tôn vinh tiếng Việt. Nhiều người tìm hiểu về thư pháp chữ Việt không chỉ đơn giản là tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, mà đó là động thái cho thấy sức sống mãnh liệt trong thư pháp trong tương lai.

Giới trẻ gìn giữ diện mạo nghìn năm thư pháp Việt

Nhằm góp phần lan tỏa tinh hoa nghệ thuật thư pháp để công chúng hiểu hơn về thư pháp Việt Nam, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và phát triển bộ môn nghệ thuật này trong nhịp sống hiện đại, Aura Team - nhóm các bạn trẻ đến từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - đã tổ chức chương trình "Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới".

Trân trọng, gìn giữ nghệ thuật thư pháp Việt Nam - Ảnh 5.

Các khách mời chụp ảnh cùng Ban tổ chức

Bạn Trần Lan Anh, Trưởng ban tổ chức chương trình "Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới", chia sẻ: "Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, dịch giả, người nhiều năm gắn bó với thư pháp Châu Hải Đường và Nguyễn Thanh Tùng. Aura Team mong rằng, qua chương trình này mọi người sẽ hiểu được những giá trị tốt đẹp của thư pháp, giúp họ có thể thấy rằng đây là một bộ môn nghệ thuật rất có ý nghĩa, không hề khó hiểu, khó tiếp cận, nhờ bộ môn này mọi người có thể rèn luyện bản thân, tu dưỡng tâm hồn. Chương trình sẽ được công chiếu trên Fanpage Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới vào lúc 20h ngày 17/12/2021".

Nghệ thuật thư pháp đã tồn tại song hành cùng chiều dài lịch sử của dân tộc, dù đã có thời gian tưởng chừng bị mai một, nhưng hiện nay phong trào học tập và rèn luyện thư pháp đang sôi động trở lại nhờ những người trẻ không chỉ yêu mà còn gắn bó với thư pháp, từ đó không ngừng học hỏi để tiếp nối và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn