Mồ côi cha từ năm 3 tuổi, vừa dìu mẹ già đi ăn xin vừa dùi mài kinh sử, Tống Trân đã xuất sắc đỗ Trạng nguyên ở tuổi lên 8. Ít lâu sau ông được vua cử đi sứ Trung Quốc, với tài năng và bản lĩnh hơn người, ông đã khiến vua quan nước này thán phục và được phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt

Mồ côi cha từ năm 3 tuổi, vừa dìu mẹ già đi ăn xin vừa dùi mài kinh sử, Tống Trân đã xuất sắc đỗ Trạng nguyên ở tuổi lên 8. Ít lâu sau ông được vua cử đi sứ Trung Quốc, với tài năng và bản lĩnh hơn người, ông đã khiến vua quan nước này thán phục và được phong là "Lưỡng quốc trạng nguyên".

Tôi có một nhân duyên kỳ lạ đối với Trạng nguyên Tống Trân, người được truyền thuyết dân gian tôn vinh là vị lưỡng quốc trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ gánh hàng hoa của bà ngoại những dịp lễ hội Đền Quan Trạng (còn gọi Đền Tống Trân), đến việc noi gương chí học hành của Ngài, để rồi đỗ đại học và trở thành người viết báo.

Đền Tống Trân - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Men theo dòng sông Luộc trở lại thăm Đền (thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) vào thượng tuần tháng 8, tôi vẫn nhớ như in cách nay 8 năm về trước. Cũng vào dịp này, sau khi kết thúc Kỳ thi Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2014, tôi đạp xe từ Hà Nội trở về quê nhà (thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), gặp trời mưa bão phải xin tá túc qua đêm ở Đền.

Nhờ những cái duyên tình cờ như vậy, thôi thúc tôi phải tìm hiểu những câu chuyện, sự tích về Trạng nguyên Tống Trân. Từ việc đọc thần phả, đến việc đọc sách, rồi nghe chèo Tống Trân - Cúc Hoa đã gây dựng trong tôi những hình ảnh:

Một người con chí hiếu – dìu mẹ già đôi mắt mù lòa đi ăn xin); Một người có chí ham học – vượt lên nghịch cảnh để học hành; Một người chồng chung thủy và trọng ân nghĩa – khước từ lời ban hôn của vua Trung Quốc vì đã có vợ là Cúc Hoa; Một người tận trung với nước – sẵn sàng nhận nhiệm đi sứ Trung Quốc dài tới 10 năm; Một người thương dân – mở trường dạy học miễn phí cho con dân trăm họ…

Tất cả những đức tính ấy, chỉ cần học được một thôi cũng ấm no cả một đời nhân nghĩa. Bởi vậy dẫu rằng truyện Tống Trân - Cúc Hoa được coi là một huyền tích, nhưng tôi vẫn tin rằng đây là những nhân vật có thực, một câu chuyện có thực, chứa đựng biết bao khát vọng tốt đẹp vững bền có thực của cha ông.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 2.

Toàn cảnh Đền Tống Trân (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 3.

Đền Tống Trân nằm yên bình bên dòng sông Luộc.

Con đường vào Đền vẫn như xưa, một rừng xà cừ với những tán lá râm mát chào đón người lữ khách. Nơi cổng tam quan rêu phong in đậm hàng chữ Hán: "Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn". Sân đền đã đổi thay bằng nền gạch đỏ, ngôi đền trở nên khang trang sau khi được trùng tu, bức bình phong được xây lại mới, bên cạnh giếng tròn còn có thêm một hồ bán nguyệt.

Trong một gian nhà 2 trái, thầy thủ nhang Đào Xuân Thùy đang cùng các ông trong Ban Quản lý Đền bàn việc tổ chức Đại lễ Vu Lan. Ở một góc, em Nguyễn Đình Chung, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nam Phù Cừ đang mải viết sớ. Đã nhiều năm nay, cứ mỗi dịp lễ hội, Chung thường đến Đền làm công quả.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 5.

Em Nguyễn Đình Chung, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nam Phù Cừ viết sớ.

Thầy Thùy cho biết, hướng đến ngày báo hiếu năm nay, từ cuối tháng 6 (âm lịch) cho tới nay, nhiều người ở phương xa (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM…) đã gửi lễ dâng cúng ở Đền. Với mỗi người, nhà Đền đều làm 2 lễ, lễ chay để cùng Phật cầu siêu cho những vong linh không có người thân, lễ mặn cúng thánh thần, tổ tiên.

Đây không phải là lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và thầy Thùy, trước đó, hễ cứ mỗi lần về đền tạ ơn Quan trạng, tôi thường hay nói chuyện với thầy. Lần nào cũng vậy, thầy đều tự hào kể tôi nghe câu chuyện về vị Quan trạng lừng danh của đất Phố Hiến. Ngài Tống Trân là người đã khơi nguồn học vấn, khoa cử của vùng đất này.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 6.

Thầy Thùy (áo trắng, ngồi giữa) trò chuyện với bà con nhân dân trước cổng Đền.

Truyện kể vào thời vua Lý Nam Đế, ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có một người họ Tống tên gọi Thiệu Công thuộc dòng thi thư, trong gia đình hiếu đễ, ngoài xã hội khoan hòa. Tống Thiệu Công lấy vợ người xã Phù Oanh (cùng huyện) tên Đào Thị Cuông.

Hai vợ chồng sống nhân từ, tu nhân tích đức, thấy đền chùa miếu mạo dột nát đều phát tâm trùng tu, tôn tạo. Cảm tấm lòng nhân nghĩa ấy, nhà trời đã sai thiên thứ xuống đầu thai. Đến tuổi lục tuần, bà Cuông mới có thai, thai kỳ đến tháng thứ 11, đến giờ Dần, ngày Rằm tháng Tư, năm Bính Ngọ (556) thì hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Suốt 3 ngày 3 đêm trong nhà luôn tỏa ánh hào quang, nên ông bà đặt tên con là Tống Trân.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 8.

Thân phụ, thân mẫu ngài Tống Trân.

Tống Trân lên 3, Tống Thiệu Công lâm trọng bệnh và qua đời. Cảnh nhà ngày một sa sút, ngài phải dắt mẹ đi ăn xin khắp nơi. Một hôm hai mẹ con ngài hành khất đến đạo Sơn Tây và vào ăn xin ở một gia đình Trưởng giả giàu có nhưng rất keo kiệt, gian ác. Thấy hai mẹ con ngài, hắn liền đuổi đi và không ngớt lời chửi mắng.

Lúc ấy Cúc Hoa, con gái Trưởng Giả là một người nhân ái và giàu tình thương người nên đã lén lút đem cơm cho hai mẹ con ngài ăn. Việc này bị Trưởng giả bắt gặp, trong cơn tức giận, hắn đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Vì thế, mẹ con ngài đã đưa Cúc Hoa đi cùng, cùng nhau trở về quê cũ làm ăn.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 9.

Nàng Cúc Hoa.

Trong cảnh khó khăn, nàng Cúc Hoa vừa chăm mẹ ngài, vừa nuôi tằm, se tơ, dệt lụa nuôi ngài ăn học. Không phụ ơn nghĩa ấy, với khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt, năm Quý Sửu (563), Tống Trân đỗ Trạng nguyên và được vua khen: "Quốc sĩ tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân không ai sánh được". Sau khi vinh quy bái tổ, Tống Trân kết duyên với Cúc Hoa.

Cưới được 3 tháng, vua sai Tống Trân đi sứ Trung Quốc. Hoàng đế của Trung Quốc ngày đó muốn thử tài, sai bắt giam Tống Trân vào chùa Linh Long, trong chùa chỉ có tượng Phật và nước lã. "Có nước uống, ắt phải có cái ăn", nghĩ vậy, Tống Trân bèn bẻ thử tay tượng thì quả nhiên tượng được đắp bằng chè lam.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 10.

Bức tranh khảm trai diễn tả cảnh Tống Trân dắt mẹ mù lòa đi ăn xin, cảnh Tống Trân vinh quy bái tổ, cảnh mẹ và vợ tiễn ngài đi sứ phương Bắc.

Bốn tháng sau, vua cho mở cửa chùa thì thấy Tống Trân vẫn sống đàng hoàng, nhưng tượng Phật không còn. Vua phục tài, phong Tống Trân là "Phụ quốc, thượng tể đẩu Nam Tống đại vương". Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ, vua càng khâm phục phong là "Lưỡng quốc trạng nguyên".

Mười năm đi sứ, khi Tống Trân trở về thì Cúc Hoa đã bị ép lấy chồng khác. Tống Trân giả dạng tìm đến dò la ý tứ, biết vợ vẫn chung thủy với mình, Tống Trân đón nàng về, vợ chồng đoàn tụ. Nhà vua biết chuyện cảm động phong cho Cúc Hoa là Quận phu nhân. Còn Tống Trân sau làm Phụ chính đại thần.

Làm quan đến ngoài 60 tuổi, Tống Trân dâng biểu xin về, mở trường dạy học tại quê nhà cho con dân trăm họ. Người học không phải mất tiền, ai nghèo khó còn được chu cấp thêm tiền gạo. Được 5 năm ngài mất, vua thương tiếc phong sắc "Thượng đẳng phúc thần", sau lại gia phong "Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng tể đẩu Nam song toán Tống đại vương", và truyền cho dân làng lập đền thờ.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 11.

Tượng thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân ở Hậu cung Đền.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 12.

Bức hoành phi: “Lưỡng quốc Trạng nguyên, phụ tể thượng quốc” (Trạng nguyên hai nước, phò giúp đất nước). Đôi câu đối: “Bát tuế trạc nho khoa tự hưu tài danh long Bách Việt/Thập niên trì sứ tiết khước dao vận sự bá thiên thu” (Tám tuổi đỗ Trạng Nam đã nổi tài danh long Bách Việt/Mười năm sang sứ Bắc lại đem vạn sự dõi đời sau).

Người đời sau đã viết truyện Tống Trân - Cúc Hoa, một tác phẩm thơ Nôm dân gian nổi tiếng, ca ngợi tài đức, tình yêu và lòng chung thủy của Tống Trân - Cúc Hoa. Tác phẩm về sau được một người dân quê tôi – Giáo sư Hà Văn Cầu, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam dựng thành vở chèo nổi tiếng Tống Trân - Cúc Hoa.

Tưởng nhớ vị Lưỡng quốc Trạng nguyên lừng danh và nàng Cúc Hoa hiếu nghĩa vẹn toàn, cả ngàn đời nay ven đê sông Luộc, mỗi năm cứ vào trung tuần tháng Tư (âm lịch), người dân lại tổ chức Lễ hội tái hiện truyền thuyết về Tống Trân - Cúc Hoa. Lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích: Đền Tống Trân (thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ), Đền Cúc Hoa (thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ) và Đền Nông (thôn An Cầu, thờ thần địa phương).

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 13.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 15.

Đền Tống Trân tương truyền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân từ thời Lý và đã được tu sửa nhiều. Năm 1991, đền Tống Trân được Bộ Văn hóa Thông tin - Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Nói đến đây, thầy Thùy vui mừng kể với tôi, năm rồi, Lễ hội Đền Tống Trân đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mải nghe câu chuyện, trời đã về chiều từ lúc nào không hay, tôi vội từ giã thầy để kịp chuyến đò cuối cùng sang sông. Trên con đường đi về bến Nông, nhớ tới lời thầy Thùy kể về Chùa Gầm (thôn An Cầu), nơi ngài Tống Trân đã đặt bước chân đầu tiên khi ngài đi sứ Trung Quốc xuôi dòng sông Luộc trở về. Tôi bèn tìm đến, ngôi chùa nhỏ nằm ở ngay sát bờ tả sông Luộc, trước chùa là một cây nhãn cổ thụ sum suê.

Đang chụp dở bức ảnh, tôi được ông Đào Xuân Nghiệm (64 tuổi), người trông nom ngôi chùa mời vào uống nước. Ông Nghiệm sống ngoài bãi này đã trên 40 năm, bố ông là một trong những người làm hồ sơ đề nghị cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đối với Đền Tống Trân. Trong một giấc mơ, cụ thân sinh ông Nghiệm mơ rằng sẽ có người bán cho mảnh đất ngoài bãi, gần chùa Gầm. Và đúng y như giấc mơ ấy, ông Nghiệm mua được mảnh đất này.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 17.

Chùa Gầm ven bờ tả sông Luộc (thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cử, tỉnh Hưng Yên).

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 19.

Căn nhà khang trang của ông Nghiệm, bà Ước được con cái xây dựng.

Vợ ông Nghiệm là bà Đào Thị Ước (62 tuổi), vốn là người cùng quê với cụ bà thân sinh ngài Tống Trân, cũng là nơi an táng và lập đền thờ Cúc Hoa. 

Vậy là người con gái đất Phù Oanh đã nên duyên với người con trai đất Trạng. Với sự đồng lòng chung sức, bằng việc trồng cây ngô, làm các việc thủ công (làm gạch), ông bà đã nuôi dạy cả 3 người con trưởng thành, cả ba đều đỗ đại học, trở thành những tấm gương sáng trong vùng, tiếp nối chí học hành của vùng đất Trạng.

Căn nhà tầng khang trang ngày hôm nay chính là thành quả mà các con của ông bà báo hiếu bố mẹ. Ông Nghiệm nở nụ cười tự hào chia sẻ với tôi về sự thành đạt của những người con. Biết tôi đang tìm tư liệu để viết bài về vị Quang trạng, ông mở lòng chia sẻ cho tôi về một câu chuyện gắn với ngôi chùa này.

Trạng nguyên 8 tuổi rạng danh nước Việt, nghiêng ngả trời Trung - Ảnh 20.

Toàn cảnh đoạn sông Luộc chảy qua Chùa Gầm, Đền Tống Trân, Đền Nông.

Truyện kể rằng, khi ngài Tống Trân đi xứ về đến quê nhà, nhưng lý trưởng đang bận chè chén say sưa không tổ chức lễ đón rước. Ngài giận bèn ném bút và nghiên mực xuống lòng sông Luộc, chỗ nghiên mực thành xoáy nước, còn chỗ bút thành một con bơn – một dải cát nổi lên giữa sông hình chiếc bút lông. Ngày nay, vào tháng 3 khi nước sông cạn, người dân đều có thể nhìn thấy dải cát ấy và chỗ xoáy nước nằm ở ngã ba Nông - sông Luộc.

Cũng bởi sự tích này, nên vào ngày chính hội, mùng 10 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng khiêng kiệu đựng chóe và đồ tế từ Đền Tống Trân ra Đền Nông (ở ngã ba Nông - sông Luộc), từ đó dùng đò chở kiệu ra giữa sông. Nước được lấy từ chóe rồi rước về làm lễ mộc dục (lễ tắm tượng) và cúng tế.

Thực hiện: Trường Hùng