Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh
Bạch Dương
Mộc Lan
14/10/2022 00:00

Trong khi đa số các nhánh người Mông khác vẫn còn trọng nam khinh nữ thì tộc người Mông xanh lại luôn đề cao vai trò của người phụ nữ và điều đó được thể hiện qua bộ trang sức bạc cực kỳ và đẹp mắt. Bộ trang sức thể hiện sự tôn trọng của cộng đồng dành cho người phụ nữ.

Truyền thuyết người con gái Mông xanh đi gọi Thần Mặt trời

Người Mông được phân biệt thành nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông trắng), Mông Đu (Mông đen), Mông Lềnh (Mông hoa), Mông Si (Mông đỏ), Mông Dua (Mông xanh), Mông Xúa (Mông mán) và nhóm Na Mẻo. Trong các nhánh người Mông, đời sống của tộc Mông xanh có những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Truyền thuyết người Mông xanh kể rằng, xưa kia, nhân gian bị 10 mặt trời thay nhau thiêu đốt. Cuộc sống của người Mông xanh chỉ có ngày, không có ban đêm, sông suối, cây cỏ, vật nuôi đều bị khô hạn làm chết hết khiến cuộc sống vô cùng cơ cực. Bỗng một ngày, vị anh hùng của tộc người Mông xanh tên là Hậu Nghệ dùng cung tên thần bắn rơi 9 mặt trời, mặt trời còn lại sợ quá, chạy trốn, cuộc sống người Mông xanh lại chìm trong đêm tối, không có ban ngày, sự sống cứ thế tàn lụi.

Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh - Ảnh 2.

Những chiếc vòng cổ của phụ nữ Mông xanh được chế tác tỉnh xảo và cầu kỳ

Các già bản người Mông xanh mới họp bàn, tìm phương cách cứu cộng đồng. Họ cử một người con gái đẹp nhất cộng đồng Mông xanh mang con gà trống lên đỉnh núi cao phía Tây để gọi mặt trời. Qua bao gian khổ, trèo đèo, lội suối, tránh rắn rết, hùm beo thì cô gái cũng đến được đỉnh núi để gà trống cất tiếng gáy. Thật diệu kỳ, nghe tiếng gà gáy, mặt trời liền xuất hiện từ phía Tây và lặn sau ngọn núi phía Đông. Từ đó nhân gian có ngày, có đêm, cuộc sống người Mông xanh hồi sinh trở lại.

Trong Tết của người Mông, không thể thiếu các nghi thức, nghi lễ gọi Thần Mặt trời. Đặc biệt, để tôn vinh người con gái đã cứu cộng đồng, người Mông xanh mới sáng tạo nên bộ trang sức bằng bạc cực kỳ cầu kỳ và tinh xảo để phân biệt người phụ nữ Mông xanh với những người phụ nữ nhánh người Mông khác.

Gia tài bất ly thân của người phụ nữ Mông xanh

Cũng từ truyền thuyết đó, bất kỳ gia đình người Mông xanh nào khi sinh con gái đều sẽ tích góp để mua bạc trắng rồi đến nhờ thợ chế tác thành bộ trang sức dành cho con gái đến tuổi trưởng thành và đi lấy chồng.

Người phụ nữ Mông xanh đeo trang sức bạc để làm đẹp, để thể hiện no ấm, đủ đầy của mỗi gia đình và dòng tộc. Đồng thời, những bộ trang sức bạc ấy cũng thể hiện những thông điệp về văn hóa của một tộc người.

Những chiếc vòng cổ của phụ nữ Mông xanh

Trang sức bạc của phụ nữ Mông xanh gồm có vòng cổ, vòng tay và các họa tiết trang trí trên váy áo được chạm khắc từ bạc trắng rất cầu kỳ và độc đáo.

Vòng cổ có hai loại. Một loại được chạm hình tròn, có chu vi từ 45 - 55cm. Thông thường phụ nữ Mông xanh thường đeo khoảng 8 chiếc vòng cổ loại này để làm đẹp thêm cho bộ trang phục của mình. Bên cạnh đó còn có vòng cổ dùng để chống tà ma. Với loại vòng này, ở giữa nhất thiết phải có miếng bạc hình tròn được chạm khắc hoa văn tượng trưng cho Thần Mặt trời.

Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh - Ảnh 4.

Những chiếc vòng cổ được chế tác cầu kỳ, tinh xảo gắn bó với phụ nữ Mông xanh từ lúc bé đến khi trưởng thành và về già

Vòng tay thường được chạm bạc với các hình khác nhau như chim muông, cỏ cây hoa lá, gắn với cuộc sống lên nương kiếm sống hàng ngày của họ - Những họa tiết được lấy từ chất liệu cuộc sống.

Ngoài những bộ trang sức vòng cổ, vòng tay, người phụ nữ Mông xanh còn gắn lên váy áo những đồ trang sức có hình tròn, hình thoi cho bộ tà xích bên hông để tô điểm cho bộ trang phục truyền thống của họ thêm đặc sắc. Đặc biệt, trong những đồ trang sức gắn lên váy áo người phụ nữ Mông xanh có rất nhiều đồng bạc. Những đồng bạc này thường là đơn vị tiền tệ được sử dụng trong thời Pháp thuộc.

Trang sức bằng đồng bạc được gắn lên trang phục của người phụ nữ Mông xanh.

Từ xưa, người Mông xanh quan niệm rằng, nhìn bộ váy áo có gắn nhiều đồng bạc thì biết đó là con cái của già đình quyền quý, giàu có. Mỗi một bộ trang sức như thế, nếu quy ra tiền, từ trọng lượng bạc đến công chế tác thì có trị giá từ 100 – 300 triệu đồng.

Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh - Ảnh 6.

Những chiếc tua tay bằng bạc của phụ nữ tộc người Mông xanh

Khi người con gái Mông xanh đi lấy chồng, họ sẽ mang theo bộ trang sức bạc làm hồi môn. Đặc biệt, nếu hôn nhân không may đổ vỡ, theo "cái lý người Mông", người con gái sẽ mang toàn bộ của hồi môn theo mình không phải chia của cải theo pháp luật. Bộ trang sức bạc có giá trị cao nên "cái lý người Mông" cho rằng, làm như vậy là để người phụ nữ sau ly hôn vẫn có một cuộc sống ổn định.

Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh - Ảnh 7.

Phụ nữ Mông xanh với bộ trang sức bằng bạc đi dự lễ hội

Tuy nhiên, đa số phụ nữ tộc người Mông xanh đều dành bộ trang sức của mình để làm hồi môn cho con gái. Trong khi các nhánh người Mông khác vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, thì tộc người Mông xanh lại luôn cảm thấy hân hoan mỗi khi sinh được mụn con gái. Họ quan niệm rằng, con gái là nguồn mạch sự sống trong gia đình, làng bản. Họ quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến con gái cũng như luôn đề cao vai trò của người phụ nữ.

Trên những dây chuyền trang sức bạc của người Mông xanh thường có các hình như cá, hoa, trống, tấm lá chắn. Những vật dụng này rất gần gũi và quen thuộc trong đời sống của người Mông xanh

Vào ngày lễ, Tết, Lễ hội Gầu Tào (lễ hội cầu tự), Lễ hội Lào Sồng (Lễ hội hương ước), những cô gái Mông xanh thường đeo trang sức kèm bộ trang phục để đi chơi, tạo nên sắc màu, âm thanh lạ mắt, lạ tai, khác biệt, khiến cho các tộc người khác cảm nhận họ chính là chủ nhân của những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng này.

Trang sức bạc và sự bình đẳng của người Mông xanh - Ảnh 9.