Giáo dục

Trẻ bị xâm hại, bạo hành không tìm kiếm sự hỗ trợ từ cán bộ bảo vệ trẻ em

Tin, ảnh: An Huy 10/11/2020 - 09:37 PM
80% trẻ em từng trực tiếp chứng kiến người lớn trừng phạt trẻ khi mắc lỗi; trẻ bị xâm hại hay không thoải mái, trẻ em không tìm kiếm sự hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương hay Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111...
Trẻ bị xâm hại, bạo hành không tìm kiếm sự hỗ trợ từ cán bộ bảo vệ trẻ em - Ảnh 1.

Rất đông học sinh tiểu học, THCS, THPT ở Hà Nội, TPHCM tham gia Hội thảo Tổng kết chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2020 và đối thoại "Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em"

Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo Tổng kết chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2020 và đối thoại "Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em" do MSD phối hợp và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em, Cục Trẻ em cùng các cơ quan liên quan tổ chức vào ngày 10/11/2020 ở Hà Nội.

Báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em 2020 do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện với sự tham gia của gần 1.700 trẻ em ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020.

Theo đó, 80% trẻ em từng trực tiếp chứng kiến bạn bè, anh chị em bị người lớn trừng phạt khi mắc lỗi. Trong đó, cứ 4 trẻ thì có 3 trẻ nói đã chứng kiến điều này xảy ra tại gia đình của mình; 5 trẻ có 1 em chứng kiến trẻ khác bị người lớn trừng phạt ở địa điểm công cộng cũng như tại trường học…

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã khiến thực trạng này trở nên phức tạp và gia tăng mức độ nghiêm trọng đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là khi chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Nhóm các tổ chức làm về quyền trẻ em (CRWG) thực hiện khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến trẻ em vào tháng 5/2020 với sự tham gia của 1.122 trẻ em tại 32 tỉnh thành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội, cha mẹ hay cáu gắt và la mắng trẻ ở nhà nhiều hơn gây ảnh hưởng tiêu cực cả về tinh thần và sự phát triển của trẻ em.

Khi gặp tình huống xâm hại hay không thoải mái, hầu hết các trường hợp trẻ em chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân hoặc bạn bè. Đối với các hành vi xâm hại trên môi trường mạng, trẻ có xu hướng tự giải quyết mà không tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác. Đáng lưu ý, các trẻ em không đề cập đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương hay Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.

Trẻ bị xâm hại, bạo hành không tìm kiếm sự hỗ trợ từ cán bộ bảo vệ trẻ em - Ảnh 2.

Học sinh lớp 5, trường Tiểu học và THCS Oxford Hà Nội tham gia Hội thảo.


Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, chia sẻ: Cha mẹ có thể nghĩ rằng con mắc lỗi và cần trừng phạt bằng la mắng và đòn roi để con không tái phạm nhưng họ không hiểu rằng bạo lực về thể chất, tinh thần như vậy chỉ làm tổn thương đến trẻ, để trẻ nghĩ rằng người lớn muốn làm đau trẻ, muốn trừng phạt trẻ để cảm thấy dễ chịu hơn. "Trong quá làm việc cùng với trẻ em, chúng tôi luôn day dứt bởi câu hỏi tại sao bố mẹ lại đánh mắng con mà vẫn nói là yêu thương con? Tại sao yêu thương lại đau như vậy?"

Bà Linh mong muốn các gia đình hãy nghĩ lại, tình yêu hay giáo dục không bao giờ đồng hành cùng đòn roi và mắng mỏ, hay nước mắt. Những thông điệp của chiến dịch như không đánh con, không quát mắng con, lắng nghe tích cực… nghe hay nhưng rất khó thực hiện. "Cũng như trẻ em phải học để lớn lên và trưởng thành qua những va vấp, là những bậc cha mẹ, thầy cô - những người mang sứ mệnh nuôi dưỡng thế hệ tiếp sau, chúng ta cũng cần học và thay đổi."

Đã có hàng nghìn người tiếp cận trực tiếp và hơn 200.000 lượt người tiếp cận trực tuyến với Chiến dịch này. Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp tạo môi trường an toàn, nơi trẻ em được sống và lớn lên trong hạnh phúc, nơi không có bạo lực, xâm hại, trừng phạt và các em được lên tiếng về những vấn đề liên quan đến chính các em...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn