Trở về nguồn cội với lễ hội Đánh Rồng

30/07/2022 15:13

Đối với người dân thành phố Mons của Bỉ, dù sống ở đâu, họ đều cố gắng trở về quê nhà vào dịp tháng 6 để tham dự lễ hội dân gian Doudou (Đánh Rồng). Đây là một dịp để đoàn tụ, cùng hướng tới tổ tiên và những vị Thánh mà người dân nơi đây vô cùng biết ơn. Sau 2 năm vắng bóng do đại dịch Covid-19, năm nay, lễ hội Doudou đã trở lại.

Lễ hội này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2005. Doudou là cách gọi thân thương một con thú bông mà trẻ em phương Tây yêu thích. Đối với người dân thành phố Mons, lễ hội truyền thống Ducasse cũng được gọi bằng tên Doudou, là tên một bài hát mà họ thường hát vang trong lễ hội này.

Nếu ở Việt Nam, chúng ta có ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì người dân thành phố Mons coi lễ hội Doudou cũng thiêng liêng như vậy, là dịp để họ quay về nguồn cội, tưởng nhớ những vị thánh đã lập nên thành phố.

Lễ kéo Car d’or

Theo truyền thống, lễ hội gồm ba phần: Lễ rước điện thờ Thánh Waudru; lễ đẩy cỗ xe Car d’or (cỗ xe vàng được kéo bằng những con ngựa thồ), được người dân đẩy từ chân dốc lên đỉnh dốc; trận đấu giữa Thánh Georges và Rồng. Trong dịp lễ hội, nghi thức đẩy cỗ xe Car d’or chính là điểm nhấn.

Lễ hội bắt đầu vào tối thứ Bảy với lễ xuống điện. Trong một buổi lễ tôn giáo, điện thờ Thánh Waudru được đưa xuống từ bàn thờ được đặt trong Nhà thờ Waudru. Linh mục trao điện thờ (được lưu giữ cả năm trong nhà thờ) cho chính quyền thị trấn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Sau đó, một đám rước với những ngọn đuốc bắt đầu trên các đường phố của thị trấn.

Trở về nguồn cội với lễ hội Doudou - Ảnh 1.

Cỗ xe Car d’or trong Nhà thờ Thánh Waudru có niên đại hơn 200 năm

Vào sáng Chủ nhật Ba Ngôi, điện thờ được đặt trên chiếc xe mạ vàng (Car d’or) có 6 con ngựa kéo và lễ rước bắt đầu. Khoảng 1.800 người chia thành 60 đội tham gia lễ rước. Xe ngựa đi qua các con phố trong tiếng hò reo đầy phấn khích của công chúng. Thanh niên, nam nữ, người cao tuổi, trẻ em, mặc những chiếc áo màu đỏ, màu đặc trưng của lễ hội và cùng hát vang những đoạn vè trong bài hát Doudou:

"Các quý cô công nghị

Chẳng hề có tôm đâu

Vì các cô không nấu

Và lễ rước bắt đầu"

Cuối lễ rước, Car d’Or phải leo trên con đường dốc, lát đá cuội. Để giúp những chú ngựa, hàng trăm người tập trung phía sau để đẩy xe. Tương truyền, nếu Car d’Or không lên được đỉnh dốc trong một lần đi, thành phố sẽ gặp vận rủi. Do vậy, ai cũng cố gắng được chạm tay mình vào cỗ xe và tham gia đẩy. Chỉ trong 20 giây, chiếc xe được đẩy lên đỉnh dốc trong tiếng vỗ tay reo hò của công chúng.

Lễ hội Doudou là dịp để những người con xa xứ trở về quê hương. Chị Floriane Chevalier cho biết, chị sinh ra và lớn lên tại thành phố Mons và luôn gắn bó với Lễ hội Doudou. Hiện nay, chị sinh sống tại Thụy Sĩ nhưng vẫn về Mons để tham dự lễ hội. Vì đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị và là dịp để chị tưởng nhớ các vị Thánh đã tạo ra thành phố quê hương của chị.

Còn chị Mazzeo Cecile, cũng là một người dân thành phố Mons, không giấu được sự phấn khởi khi được chạm tay đẩy Cỗ xe vàng lên dốc, vì điều này sẽ mang lại may mắn cho chị và gia đình. Chị cho biết, sau 2 năm vắng bóng do đại dịch, lễ hội năm nay được tổ chức trở lại khiến người dân vô cùng phấn khích. Để có được một chỗ đứng đẹp có thể chạm tay cùng đẩy cỗ xe, chị và nhóm bạn phải chờ ở quảng trường từ rất sớm, nơi đám rước đi qua. Điều mà chị Mazzeo Cecile và nhóm bạn của chị vui nhất là dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế hoàn toàn để lễ hội thiêng liêng của người dân Mons được tổ chức bình thường như truyền thống từ nhiều thế kỷ qua.

Chuẩn bị cho lễ rước Car d’or, các nhà thiết kế đã phải làm việc trong suốt một năm. Cỗ xe vàng có niên đại hơn 200 năm tuổi phải được kiểm tra kỹ thuật thường xuyên để đảm bảo sự an toàn. Đoàn ngựa kéo cũng được chăm sóc kỹ để chúng thật khỏe mà kéo cỗ xe lên dốc.

Lumeçon - Cuộc chiến với Rồng

"Cuộc chiến với Rồng" là nghi lễ cuối cùng trong lễ hội Doudou. Trong 30 phút, Thánh George (Thiện) và Rồng (Ác) xoay vòng trong đấu trường. Thánh Geroge xoay kiếm theo chiều kim đồng hồ và được các Chin-chin bảo vệ. Đó là những người mang hình nộm bộ xương được làm từ da bò đen hoặc nâu. Vai trò của Chin-chin là chống lại quỷ dữ và kéo chúng qua cát. Cứ hai Chin-chin hạ gục một con quỷ và kéo nó vào cát, mỗi người một chân. Chin-chin bảo vệ là người dẫn đường cho Thánh George và đi theo ông với tốc độ chậm trong suốt cuộc chiến. Nhiệm vụ của Chin-chin là mang những ngọn giáo của mình đến cho Thánh George.

Trở về nguồn cội với lễ hội Doudou - Ảnh 2.

Còn Rồng xoay ngược chiều kim đồng hồ, được 11 người đàn ông mặc đồ trắng bê và phần đuôi được 8 người đàn ông mặc đồ lá bảo vệ. Cuộc chiến thật gay go. Đám đông đứng xung quanh hò reo cổ vũ vô cùng phấn khích. Các khán giả cũng tham gia vào cảnh tượng. Họ lao vào mái tóc của Rồng, xé nó ra từng ít một. Quỷ và Chin-chin vật lộn với nhau và thách thức khán giả xung quanh sợi dây. Khoảnh khắc hiệp thông thật hiếm hoi. Các rào cản xã hội biến mất. Sau 3 mũi giáo gãy và sử dụng thanh kiếm của mình, Thánh George bắn 3 phát súng lục, một trong số đó khiến con Rồng gục xuống. Hơn cả chiến thắng của Thiện trước Ác, trò chơi nghi lễ này mang lại cảm giác hòa giải mạnh mẽ cho tất cả cư dân Mons.

Kết thúc cuộc đấu, mỗi người đều cố gắng nhặt một thứ gì đó: Một chút lông Rồng, một chút lá từ người lá, cái chuông, bong bóng… như những vật lấy may. Và tất cả cùng hô vang "Người dân Mons sẽ không bị diệt vong!".

Trong thời gian diễn ra Lễ hội Doudou, trung tâm thành phố Mons biến thành một sân khấu ngoài trời khổng lồ với các buổi hòa nhạc, biểu diễn kèn đồng. Công chúng không phải khán giả mà chính là tác nhân tham gia trực tiếp vào lễ hội.

Lễ hội Doudou bắt nguồn từ thời Trung Cổ. Vào năm 1349, một số trường hợp mắc bệnh dịch hạch đen đa xuất hiện ở Mons. Lo sợ thị trấn bị tàn phá bởi căn bệnh này, các giáo sĩ đã cầu xin Thánh Waudru - người phụ nữ đã thành lập nên thành phố Mons và được phong Thánh, để cứu lấy thành phố. Họ đã tổ chức một đám rước. Xá lị của Thánh Waudru được rước tới Les Bruyères de Casteau, nơi thờ xá lị của Thánh Vincent, chồng của bà.

Sau đó, một phép màu đa xảy ra và bệnh dịch đa biến mất. Kể từ năm 1352, lễ hội này diễn ra hàng năm tại thành phố Mons, bắt đầu từ ngày thứ Bảy trước ngày Chủ nhật Ba Ngôi, tức là ngày thứ 57 sau lễ Phục sinh và kéo dài trong một tuần.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.