Truyện ngắn: Kết thúc & Bắt đầu

Ngô Nữ Thùy Linh
05/01/2024 - 09:43
Truyện ngắn: Kết thúc & Bắt đầu

Ảnh minh họa

Những câu hỏi cứ trao qua đổi lại giữa hai vợ chồng già. Xen lẫn tiếng khóc oe oe, người ta nghe tiếng cười giòn của ông, tiếng nức nở của bà, hòa vào tiết trời Đông lạnh hanh hao…

Đám tang chiều muộn. Những vàng mã, tiền vàng bay lả tả trong một ngày Đông ảm đạm. Người ta lặng lẽ kéo nhau đi về. Qua cánh đồng làng, qua tới dãy phi lao hun hút gió. Những cái bóng lặng lẽ, buồn, u tịch. 

Một người nữa lại ra đi, khi tuổi xuân đang phơi phới. Nhưng đối với gia đình, thì đó là một sự giải thoát. Bởi gần 19 năm qua, dường như mỗi ngày trôi đi là một sự cố gắng dài vô tận của đôi vợ chồng già. Họ đã gồng mình lên để chiến đấu với những khó khăn chồng chất trong cuộc sống. 

Ông bị cụt một bên chân, cộng thêm việc nhiễm chất độc da cam ở chiến trường năm ấy. Bà - cô thanh niên xung phong trẻ đẹp, cũng bước ra từ cuộc chiến tranh. Hai người gặp gỡ tình cờ khi cùng nhau vào bệnh viện xét nghiệm, làm thủ tục, hồ sơ để nhận chế độ của nhà nước.

 Run rủi thế nào, hỏi qua hỏi lại về những vết thương chiến tranh, về những năm tháng cùng nhau chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thế mà lại quen nhau. Nghe đâu đơn vị ông từng đi qua con đường nơi bà làm thanh niên xung phong. Vậy mà thời chiến không gặp, may mắn thời bình lại được ngồi trò chuyện cùng nhau.

Hai con người ấy, vì thương, cảm mến, thấu hiểu những gian nan mà cuộc chiến tranh khốc liệt gây ra mà đến với nhau. Ngày hai người quyết định về chung một nhà, cũng chỉ có vài mâm cơm, báo cáo tổ tiên, ông bà. Thêm vài người đồng đội cũ. 

Mừng mừng tủi tủi khi họ được nên đôi. Những mất mát thuở chiến tranh, đổi lại họ được gần nhau thêm những ngày đất nước không bom đạn. Tưởng như vậy cũng đủ hạnh phúc rồi.

 Ngày bà mang bầu đứa con đầu lòng, ông như một đứa trẻ, vui vẻ, xăng xái chạy đi phòng khám, đi bệnh viện, xét nghiệm đủ đầy mọi thứ. Mong lo cho vợ, cho con được một nơi ăn chốn ở đàng hàng ngay khi vừa sinh.

Nhưng… Ngày mưa gió bập bùng rơi trên mái nhà. Đứa trẻ oe oe chào đời. Nó đã đạp bụng mẹ chui ra sớm hơn dự tính. Cũng chẳng kịp lên bệnh viện, nên bà đỡ đẻ bên xóm đã vội vàng chạy qua. 

Thằng bé đỏ hỏn, đầu vẹo sang một bên, không một tiếng khóc. Khi bà đẻ giơ tay, tét vào mông nó một phát thật mạnh, nó mới e lên một tiếng đầy khó nhọc. Dự cảm không lành xảy đến. Nó đã bị nhiễm chất độc da cam từ hai vợ chồng. Sau ca đỡ đẻ đó, bà bên xóm trốn biệt. Dường như bà sợ điều gì đó. 

Bà sợ mình là nguyên nhân gây ra những bất trắc của thằng nhỏ. Bởi bấy lâu nay, đỡ đẻ trong làng biết bao nhiêu ca nhưng chưa bao giờ bà thấy một đứa trẻ như thế. Người nó èo uột, miệng méo xệch, tiếng khóc cũng đầy khó nhọc, giống như có cục gì đó chèn ngay cổ nó.

Nhưng vợ chồng ông bà thì biết, họ đã bất chấp mọi khuyên can của bác sĩ để cho đứa con duy nhất của mình chào đời. Mới hai hôm thôi, cả hai ông bà đã tất tả đưa nó đi bệnh viện, vì có triệu chứng chướng bụng và khó thở. 

Rồi cứ thế, những năm tháng dài, từ lúc lọt lòng cho đến lúc trưởng thành, nó vẫn thường xem bệnh viện là nhà và nhà chỉ là nơi trú ngụ tạm bợ. Mấy lần cán bộ lao động thương binh xã hội vào đến nhà, nhìn cảnh gia đình, mọi người không khỏi thương cảm, ái ngại. 

Thằng bé nằm bất động, nó ý thức được mọi việc xung quanh xảy ra nhưng toàn bộ cơ thể không di chuyển được. Khi mọi người trò chuyện, nó cũng mỉm cười đáp lại.

Hằng ngày, ngoài đồng lương thương binh, và trợ cấp dành cho người nhiễm chất độc da cam, trợ cấp tàn tật của hai cha con, bà mẹ được thêm trợ cấp một lần của chế độ thanh niên xung phong. 

Vậy là cứ nhờ những đồng lương ít ỏi đó để đi bệnh viện, trạm xá, khám chữa bệnh liên miên hằng năm. Ông thành thạo về đan lát, thỉnh thoảng chặt ít tre về nhà, làm mấy cái giỏ, bán lại cho cánh bán buôn ngoài chợ. Bà ngồi đan len, chờ tới mùa Đông để trưng ra những chiếc khăn, chiếc mũ hoặc móc thêm vài dụng cụ mà khách yêu cầu.

***

Những mảnh đời méo tròn ấy, cứ nương tựa nhau vượt qua những bão bùng của cuộc sống để vươn lên. Một bữa, ông thấy thằng nhóc tự nhiên ngồi dậy, nó nói lí nhí trong miệng:

- Cha ơi, mẹ ơi, giúp con đi vệ sinh.

Đó là một buổi sáng mùa Đông, tiết trời lành lạnh, khi hai ông bà đang lục tục chuẩn bị bữa sáng. Một niềm vui lớn lao sau hơn 18 năm nuôi con. Người cha, người mẹ đứng ở cửa, dàn dụa nước mắt. 

Vui sướng vì cuối cùng, đứa con mình rứt ruột đẻ ra cũng đã cất tiếng nói. Cựa mình để lùi xa vết đen, mốc của tấm chiếu hằng ngày, gương mặt nó rạng rỡ niềm vui.

Khi đón nhận tiếng gọi đó, ông bà tưởng rằng quãng đời sau này, mình sẽ bớt vất vả, lao lực hơn, vì phép màu kỳ diệu đã biến thằng bé từ một đứa ù lì, không nói, không cười, không di chuyển được nay nó đã làm được những điều ngược lại. 

Nhưng không… có lẽ đó là tín hiệu cuối cùng giúp ông bà bớt đi phần nào day dứt. Chỉ một tuần sau cái ngày đặc biệt đó, thằng nhóc đã mãi mãi ra đi mà không một lời từ biệt.

***

Ngôi nhà vốn đã cô quạnh, nay còn vắng vẻ và đìu hiu. Hai bóng già lầm lũi trong ánh đèn hiu hắt mỗi chiều. Mọi người đều bảo, đó là một sự giải thoát, giải thoát cho cả thằng nhóc và cả cuộc trời thăng trầm của cha mẹ nó. Nhưng người mẹ không chấp nhận được sự mất mát đó.

 Dù sao suốt gần 19 năm qua, bà đã vất vả cáng đáng việc gia đình, việc chăm bẵm cho con. Thì bây giờ có thêm vài năm, 5 năm, hay 10 năm nữa, bà vẫn cố được. Miễn là còn bóng dáng thằng bé nằm đó. Để mỗi lần, đi ra đi vào, bà vẫn thấy ấm cúng.

***

Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hôm nay, ông bận một chiếc áo màu xanh đậm, bộ quân phục chỉnh tề, thêm mấy huân huy chương, đi gặp gỡ bạn bè. Sáng nay, bà cũng lục tục lo liệu quần áo, cơm nước sớm cho ông để chút có đồng đội đến, ông chỉ việc lên xe đi. Có tiếng ông nhắc nhẹ:

- Hay bà cũng đi với tui, chúng mình đều là bộ đội hết cả, ngại xá gì.

Bà bối rối:

- Thôi, dầu gì ông cũng là người chiến đấu, ông đi với bạn bè. Tui già rồi, cũng chẳng biết tới đó gặp được ai còn, ai mất. Lứa thanh niên xung phong bây giờ, mỗi người một nơi rồi.

Nói là nói thế nhưng ông nhận thấy trong mắt bà niềm khao khát gặp lại đồng đội cũ. Nhìn chiếc áo cũ mèm, đầy những vết nhăn bởi vất vả lo toan cho chồng, cho con biết bao năm qua, ông lại thấy thương bà vô ngần.

Ngoài ngõ có tiếng lạch cạch, rồi tiếng chó sủa râm ran. Bà vội đi ra ngoài, ngó nghiêng xem là ai mà tới nhà từ sáng sớm, cũng không thấy gọi mở cửa. Tiếng một đứa trẻ khóc chói tai. Nó nằm ở đó, trong mớ tã trắng, một chiếc nôi nhỏ xinh, bàn tay nó đang cựa quậy. 

Bà nhìn quanh quất, không thấy ai. Vội vàng chạy ra đường, một chiếc xe máy cũ vụt qua, rồi biến mất trên con đường mòn. Đôi mắt đục mờ của bà không kịp nhận ra. Chợt nhớ là đứa nhỏ đang khóc giữa thời tiết mùa Đông lạnh giá. 

Bà vội vàng quay vào, ôm chiếc nôi, ngơ ngác, chậm chạp bước vào nhà. Ông đang lóng ngóng chỉnh trang bộ quân phục, nhòe mắt đi vì thấy trên tay bà bế một đứa trẻ.

- Không lẽ người ta biết mình vừa mới mất con…

- Không lẽ ông trời cho mình…

Những câu hỏi cứ trao qua đổi lại giữa hai vợ chồng già. Xen lẫn tiếng khóc oe oe, người ta nghe tiếng cười giòn của ông, tiếng nức nở của bà, hòa vào tiết trời Đông lạnh hanh hao…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm