Từ 1/7 bỏ sổ hộ khẩu giấy: "Nghĩ đến cuốn sổ kỷ niệm, không khỏi bồi hồi"

Hà Khê
30/06/2021 - 22:38
Từ 1/7 bỏ sổ hộ khẩu giấy: "Nghĩ đến cuốn sổ kỷ niệm, không khỏi bồi hồi"
Ngày 1/7/2021, Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, cùng với đó sổ hộ khẩu giấy cũng bắt đầu chấm dứt vai trò của mình sau hơn 50 năm đồng hành cùng người dân. Thế nên, bùi ngùi, luyến tiếc của nhiều người về cuốn sổ gắn bó này cũng là cảm xúc dễ hiểu.

Luyến tiếc, bùi ngùi

Đó là cảm xúc của chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) khi chia sẻ với PNVN xung quanh câu chuyện từ ngày mai (1/7) sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Chị Nhung bày tỏ: "Tôi đã nghe nói về việc từ ngày 1/7 tới, khi Luật Cư trú có hiệu lực thì sổ hộ khẩu giấy cũng bắt đầu chấm dứt vai trò của nó, các loại giấy tờ chứa thông tin cá nhân sẽ có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói thật là, từ một người tỉnh lẻ lên thành phố thì cuốn sổ hộ khẩu là một tấm thẻ bài đặc biệt, là kết quả của 1 quá trình phấn đấu, cố gắng. Với tôi, sổ hộ khẩu giấy vẫn là niềm tự hào với đầy ắp kỷ niệm. Riêng hành trình đi làm sổ hộ khẩu cũng là một câu chuyện dài dằng dặc và cười ra nước mắt rồi.

Giờ đây, trước thời điểm hộ khẩu giấy chấm dứt vai trò của nó, tôi thấy luyến tiếc, bùi ngùi. Xin học cho con cũng hộ khẩu, đi đăng ký xe cũng hộ khẩu, đăng ký kết hôn cũng phải dùng đến nó... tất tần tật, thế mà giờ lại chia tay nhau, không tiếc nuối sao được.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cảm thấy luyến tiếc, bùi ngùi khi "chia tay" sổ hộ khẩu giấy (ảnh NVCC)

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung cảm thấy luyến tiếc, bùi ngùi khi "chia tay" sổ hộ khẩu giấy. Ảnh: NVCC

Tôi được biết tất cả thông tin cá nhân sẽ có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi công dân muốn khai thác dữ liệu thì cần phải có mã định danh cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa có mã định danh cá nhân thì tôi sẽ khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân của tôi như thế nào đây? Vì vậy, qua Báo PNVN, tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng như Bộ Công an sẽ thúc đẩy việc cấp mã số định danh cá nhân để công dân yên tâm hơn".

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ với Báo PNVN

"Lúc cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, chồng tôi mừng đến phát khóc"

Trước thời điểm cuốn sổ hộ khẩu "trở về dĩ vãng", chị Nguyễn Như Quỳnh (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vợ chồng chị mới kết hôn và hành trình đi làm sổ hộ khẩu của gia đình. Bởi với một người từ miền Trung ra Hà Nội lập nghiệp như chị, cuốn sổ hộ khẩu Thủ đô đúng là niềm mơ ước. Giờ đây, hành trình đó khép lại, những kỷ niệm đó cũng lùi theo năm tháng, chị Quỳnh không khỏi bùi ngùi.

Hai vợ chồng chắt bóp, vay mượn mãi mới mua được căn hộ chung cư trả góp. Có nhà, việc đầu tiên chị Quỳnh nghĩ đến là phải đi làm sổ hộ khẩu để thuận tiện sinh hoạt, thuận tiện việc học hành cho con cái.

Thế nhưng, khi tìm hiểu thủ tục làm sổ hộ khẩu thì đúng là rơi vào "ma trận" mà chị không biết bắt đầu từ đâu. Thời điểm đó, nhiều "cò" đứng ra nhận làm với con số cả chục triệu đồng. Tiếc tiền, 2 vợ chồng chị lại tìm hiểu giấy tờ, thủ tục rồi động viên nhau đi làm.

"Giờ tôi không nhớ hết phải đi đi lại lại đến bao nhiêu lần mới làm xong cuốn sổ hộ khẩu nữa. Giấy tờ để làm sổ cũng phải lên tới hàng chục loại chứ không ít. Mỗi lần lên chỗ làm hộ khẩu để nộp thì lúc thiếu cái này, lúc cần bổ sung cái kia, có hôm về chồng tôi phát cáu lên. Đến hôm nộp đầy đủ hồ sơ, họ ghi cái biên nhận hẹn 21 ngày sau lên nhận sổ, chồng tôi mới giãn cơ mặt. Lúc cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, chồng tôi nhảy cẫng lên, mừng đến phát khóc", chị Quỳnh bồi hồi nhớ lại cuốn sổ hộ khẩu đầu tiên trong đời của 2 vợ chồng.

"Tôi nghe thông tin sẽ bỏ hộ khẩu giấy từ năm ngoái và tôi cũng hiểu sẽ có cái khác để thay thế sổ hộ khẩu giấy, thế nên không quá lo lắng về việc này. Nhưng nghĩ đến cuốn sổ kỷ niệm thì không khỏi bồi hồi. Tôi bàn với chồng sẽ đi ép plastic sổ hộ khẩu rồi để cất làm kỷ niệm. Biết đâu đến đời con, cháu sau này đưa ra bán đấu giá lại hot chưa biết chừng", chị Quỳnh vui vẻ nói.

Lời giải cho những băn khoăn của người dân

Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy cũng khiến nhiều người dân lo lắng, băn khoăn liệu có ảnh hưởng đến những thủ tục hành chính như đi xin việc, mua bán nhà, xin học cho con hay không? Bởi từ trước tới nay, những thủ tục đó không thể thiếu sổ hộ khẩu.

Về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cho biết: "Khi người dân cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú công dân như xin việc, xin học, hay mua bán nhà... thì người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân cho các cơ quan, tổ chức đó. Từ số định danh cá nhân, các cơ quan, tổ chức sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để khai thác các thông tin cơ bản của công dân trong cơ sở dữ liệu phục vụ cho giao dịch hành chính.

Hiện lực lượng công an đang triển khai cấp căn cước công trên toàn quốc và phấn đầu đến ngày 1/7/2021, công dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm