Từ không có tiếng nói trong nhà chồng, cô gái Mông thay đổi và truyền cảm hứng cho cộng đồng

B.H
24/10/2022 - 11:52
Từ không có tiếng nói trong nhà chồng, cô gái Mông thay đổi và truyền cảm hứng cho cộng đồng

Tráng Thị Ngọc Linh – xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Từ một người phụ nữ dân tộc Mông không có năng lực kinh tế, Tráng Thị Ngọc Linh đã thay đổi, phát triển sản xuất, học thêm kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình và được cử tham gia lớp đào tạo giảng viên nguồn, hướng dẫn chị em ở xã và đại diện huyện Bắc Hà đi hướng dẫn cho các hộ nông dân ở nhiều địa phương khác.

Chúng tôi ghé nhà Linh trong một chiều đông mưa phùn lạnh buốt. Cô ra đón chúng tôi ở cửa với nụ cười tươi tắn, rực sáng cả không gian ẩm lạnh ấy.

Tráng Thị Ngọc Linh sinh năm 1990, là người dân tộc Mông. Khi chúng tôi đến nhà, cô đang thực hiện một giao dịch mua bán. Chỉ vào cái gùi to trước cửa, Linh bảo khách Hà Nội mới đặt 10kg cát cánh cho nhà hàng nấu thắng cố.

Cát cánh là một loại cây thân thảo thuộc họ hoa chuông, được dùng trong Đông y và chế biến món ăn. Đây là cây trồng thu hoạch một vụ hàng năm, có thể tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình ở Tả Văn Chư.

Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cô gái miền núi cao heo hút này lại thành thạo việc bán hàng qua điện thoại và nắm vững giá cả thị trường như thế, khác xa dáng vẻ rụt rè của 2 năm về trước.

Thay đổi bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình - Ảnh 1.

Tráng Thị Ngọc Linh

Hành trình thay đổi và truyền cảm hứng

Năm 17 tuổi, vừa học hết lớp 12, Tráng Thị Ngọc Linh lấy chồng và về làm dâu ở Tả Văn Chư (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Đây cũng là bước ngoặt đối với cô gái trẻ vốn chỉ sống và làm việc cùng gia đình mình.

Hồi còn con gái, Linh chỉ đi học và phụ mẹ trồng ngô; bố cô buôn trâu nên cũng khấm khá. Từ khi về nhà chồng, với vai trò dâu trưởng của một hộ đông con, cô tất bật từ sang tới đêm. Nhà chồng Linh có 3ha đất, trồng đủ thứ từ lúa, ngô, khoai, lạc, đậu… đến các đặc sản địa phương như chè, mận. Linh ngày ngày dốc sức trồng cấy, chăn nuôi, làm việc nhà, chăm sóc bố mẹ và các em chồng.

Không có năng lực kinh tế, lại không thạo việc nên cô hầu như không có tiếng nói trong nhà chồng. Linh chỉ biết lặng lẽ làm việc theo chỉ đạo của bố mẹ chồng, tiền làm ra bố mẹ chồng giữ hết. Cô chẳng dám đi đâu, chỉ loanh quanh từ nhà ra ruộng. Bố mẹ chồng khó tính nên cô muốn đi chơi cũng phải lén trốn, đi nhanh nhanh rồi về, bao việc đang chờ.

Từ khi tham gia dự án được thực hiện thông qua hợp tác giữa Dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (GREAT) do Chính phủ Úc tài trợ và Helvetas Việt Nam, các kỹ năng và sự tự tin của Linh ngày càng phát triển. Dự án tập trung vào việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua phát triển hệ thống thị trường chè Shan và dược liệu vùng cao tỉnh Lào Cai. Thông qua dự án, Linh được hướng dẫn các kỹ thuật trồng dược liệu, trồng và chăm sóc chè hữu cơ, học về bình đẳng giới và học về quản lý thu chi hộ gia đình.

Học được gì cô cũng mang về chia sẻ với chồng và bàn cách áp dụng. Ban đầu, cả chồng và bố mẹ chồng đều phản đối nhưng thấy cô kiên trì thuyết phục, cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý để cô thử các kỹ thuật mới trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành trồng trọt và thu hái cây thuốc) và chăm sóc chè hữu cơ.

Trước đây, thu nhập từ hoa màu của gia đình cô rất ít, lại bấp bênh, nhiều khi khách mua còn quỵt nợ không trả tiền. Từ ngày chuyển sang trồng dược liệu theo Dự án, sản phẩm làm ra được thu mua tận nhà với giá tốt nên thu nhập tăng rõ rệt, lại ổn định.

Linh tự tin mở rộng thêm diện tích trồng đương quy, cát cánh và bắt đầu chăm sóc vườn chè bỏ hoang đã lâu. Chỉ riêng 1ha trồng dược liệu, cô thu hoạch được 1,7 tấn, mỗi năm thu về 34 triệu đồng. Cộng thêm các nguồn thu từ vườn mận, vườn chè, gia đình cô khấm khá hẳn lên.

Linh còn được học thêm kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình và được cử tham gia lớp đào tạo giảng viên nguồn, hướng dẫn chị em ở xã và đại diện huyện Bắc Hà đi hướng dẫn cho các hộ nông dân ở nhiều địa phương khác.

Chỉ mới hơn 1 năm mà cuộc sống của Linh thay đổi hẳn. Giờ vợ chồng cô đã là trụ cột kinh tế, chu cấp tiền ăn cho cả nhà và đóng góp một nửa chi phí sinh hoạt chung. Bố mẹ chồng Linh cũng dễ tính hơn hẳn, tiếng nói của cô được bố mẹ tôn trọng. Cô có thể tự quyết định mình đi đâu, làm gì mà không sợ bị mắng như trước nữa.

Họ hàng, láng giềng thấy Linh làm tốt quá nên cũng theo cô thực hành ủ phân hữu cơ, nuôi giun quế để làm thức ăn cho gà, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học để bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Linh chia sẻ ý định đầu tư thêm vào trồng dược liệu, trồng chè và tự tìm khách mua. “Được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng, sau này không còn Dự án hỗ trợ nữa thì em vẫn tự làm được”, Ngọc Linh cười.

Chúng tôi cũng hòa chung niềm vui với Linh, thầm mong miền núi cao heo hút này sẽ có thêm thật nhiều những người phụ nữ truyền cảm hứng, biết làm giàu cho gia đình và quê hương như cô.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm