Từ những vụ “bắt vợ”: Bài 2 - Những câu chuyện đau lòng

15/02/2022 11:07
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Lợi dụng phong tục để “bắt vợ” không chỉ xảy ra ở một số nơi của đồng bào dân tộc Mông mà còn xuất hiện trong cộng đồng dân tộc Thái. Đã có không ít phận đời éo le, vì là nạn nhân của tục “bắt vợ”.

Với nhà thơ trẻ Vàng A Giang, tục "bắt vợ" là một hiện tượng văn hóa méo mó và nhiều khi bị lợi dụng cho mục đích buôn người. Với Vàng A Giang, chàng trai người Mông sáng tác thơ ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cũng như hầu hết người trẻ vùng cao, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng. Ý thức gìn giữ những nét văn hóa truyền thống bản địa là điều rất được Vàng A Giang chú ý. Qua mạng xã hội cùng những trải nghiệm thực tế của bản thân, A Giang cho rằng, "kéo dâu" - tập tục truyền thống của cộng đồng người Mông đã bị biến tướng.

Là người sinh trưởng trong cộng đồng người Mông, Vàng A Giang cho rằng, kéo vợ là tập tục truyền thống của người Mông, nhưng bây giờ nó đã méo mó. Về tục kéo vợ, theo tìm hiểu của Vàng A Giang thì vốn xuất phát từ sự không "môn đăng hộ đối". Nhà người con trai nghèo và họ có thể mặc cảm rằng nếu hỏi cưới thì nhà gái sẽ không đồng ý. Chàng trai vì thế mà tìm cách "bắt" người mình yêu về.

Gọi là bắt hay kéo nhưng theo tập tục truyền thống thì người con gái đã đồng ý rồi. Người ta tổ chức bắt nhằm "nâng giá người con gái kia lên thôi". Và cuộc kéo vợ chỉ mang tính "giả vờ" thủ tục. Khi kéo vợ về theo tập tục của người mông ở Si Ma Cai, người ta sẽ đem một con gà đã luộc sẵn đem cúng và bôi quanh người cô gái. Thủ tục này khiến cô gái đã thành "ma nhà người" coi như gạo đã nấu thành cơm.

Theo những trải nghiệm thực tế từ Vàng A Giang, hiện tập tục này đã méo mó. Có nhiều cuộc kéo dâu đã trở thành những cuộc "bắt giữ" thực sự. Nhiều khi tình cảm chỉ xuất phát từ một phía, người trai thấy cô gái mình ưa thích liền tổ chức "bắt" về mà không có sự đồng ý của đối phương. Họ lợi dụng tập tục kéo dâu để cưỡng ép con gái người ta về làm vợ. Đó là những hiện tượng đã được mạng xã hội cũng như báo chí phản ánh trong những ngày qua.

Nhà thơ trẻ người H'Mông Vàng A Giang

Nhà thơ trẻ Vàng A Giang

Vàng A Giang cho rằng, hiện tượng "bắt vợ" từng lắng xuống, nhưng trong vài năm trở lại đây lại tái diễn. "Người ta cho rằng họ đang trở lại với tập tục xưa nhưng không phải vậy mà là một sự cưỡng bức. Các cấp ngành nên có sự can thiệp trước hiện tượng méo mó này", A Giang cho biết.

Cũng theo Vàng A Giang, sở dĩ chính quyền nên có sự can thiệp, ngoài việc bắt vợ theo kiểu cưỡng bức thì còn hiện tượng lợi dụng tập tục của cộng đồng để "kéo" các cô gái không phải về làm vợ mà phục vụ mục đích buôn người. "Hiện tượng này hiếm nhưng không phải không có", Vàng A Giang nói thêm.

Trong những chuyến đi hội xuân kén vợ, Vàng A Giang cũng có một trải nghiệm khó quên. Anh kể, vào Tết Nguyên đán năm 2017, anh có đến huyện Mường Khương (Lào Cai) dự lễ hội địa phương diễn ra vào mồng 4 Tết hàng năm. Tại đây anh chứng kiến một cảnh "cướp dâu" rất thô bạo. 3-4 người con trai lôi xềnh xệch một phụ nữ yếu đuối trong khi cô ấy giẫy giụa, kêu la thảm thiết. "Thấy cảnh này tôi đã rất bức xúc. Nếu sự việc này xảy ra với người thân, là con em của mình thì mọi người sẽ nghĩ sao?", Vàng A Giang nêu câu hỏi.

Một nghi lễ trong đám cưới của người Thái ở Nghệ An

Một nghi lễ trong đám cưới của người Thái ở Nghệ An

Thực ra, hiện tượng "bắt vợ" hay kéo dâu không chỉ xảy ra với người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mấy năm trước, cộng đồng người Thái ở Nghệ An cũng từng xôn xao bởi những clip "bắt vợ". Vào đầu năm 2017, chính quyền xã Liên Hợp, Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng đã vào cuộc xử lý một vụ việc "bắt vợ". Theo thông tin vụ việc thì trước đó, hai người có tình cảm với nhau nhưng cô gái chưa muốn lập gia đình nên lên xe đi làm công nhân. Trong khi đang chờ xe thì bị nhóm bạn của bạn trai tổ chức "bắt". Tuy nhiên vụ việc sau đó được giải quyết êm thấm và hai người bạn phải chờ một thời gian sau mới tổ chức đám cưới.

Theo quan niệm của cộng đồng người Mông ở Lào Cai được ghi nhận trong một tài liều của nhà văn Mã A Lềnh thì người Mông có tục "kéo dâu". Đó là khi cặp trai gái hẹn nhau để người con trai "kéo" về nhà mình. Khi chưa thống nhất được thời gian làm lễ cưới, do đốc thúc của quan niệm tâm linh, nhà trai sẽ tổ chức bắt dâu. Còn cướp dâu là hành động cưỡng ép người con gái về làm vợ.

Con theo tập tục của người Thái ở Nghệ An, phổ biến nhất là tục "trộm vợ". Điều này có thể bắt gặp tại một số huyện như Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Khi một cặp trai gái yêu thương nhau nhưng bị cấm đoán, cô gái sẽ "trộm" về theo chàng trai và làm lễ cúng để thành vợ chồng. Trước khi đi, cô gái đặt lên bàn thờ một cơi trầu, chai rượu để báo cáo với tổ tiên và trốn đí. Một đám cưới nhỏ có thể sẽ được tổ chức sau đó.

Cũng có trường hợp những cô gái Thái ở Nghệ An bị bắt vợ theo kiểu cưỡng ép. Có một câu chuyện khá buồn về một người bị bắt vợ ở huyện Quế Phong (Nghệ An) kể với phóng viên nhưng chị nhất quyết không để lộ danh tính. Chị quê xã Châu Thôn, Quế Phong bị bắt về làm vợ người ta ở tuổi mới ngoài 14. Sau một thời gian chung sống, chị phải bỏ về nhà mẹ đẻ vì không cam chịu thói vũ phu và sa đà của người chồng. Chuyện đã xảy ra khá lâu và người con chung của chị và người chồng đã cưỡng ép chị về làm vợ này đã vào cấp 3.

Những câu chuyện đau lòng như vừa kể trên không hiếm trong các cộng đồng vùng cao. Nó đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nét đẹp văn hóa của nhiều phong tục bị bóp méo và lợi dụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.