Tuyên truyền phòng, chống “đạo lạ” ở Điện Biên: Dùng tuyên truyền để phản bác truyền đạo trái phép (Bài cuối)

02/09/2023 09:27
Đối tượng Vừ Thị Dợ thường tuyên truyền tà đạo Bà Cô Dợ qua mạng xã hội, với những nội dung xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương, 
chính sách của Đảng, Nhà nước

Đối tượng Vừ Thị Dợ thường tuyên truyền tà đạo Bà Cô Dợ qua mạng xã hội, với những nội dung xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Trước những hoạt động truyền bá tà đạo diễn ra phức tạp, các cấp lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị cũng như quần chúng nhân dân cùng vào cuộc.

Sự thật về tà đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ

Chính quyền và các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền trong đồng bào về bản chất của những "đạo lạ", tà đạo đang được phổ biến trên mạng xã hội cũng như được các đối tượng truyền đạo trái phép rao giảng trong cộng đồng. 

Giê Sùa, Bà Cô Dợ thực chất là những tà đạo không có giáo lý, giáo luật cụ thể. Các đối tượng rao giảng và truyền đạo này đi lấy giáo lý của đạo khác để làm cơ sở tuyên truyền, trong đó có những nội dung mang tính cải biên và xuyên tạc, kích động chống phá, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đối tượng thành lập và truyền bá đạo Giê Sùa là David Her (tên thật là Hờ Chá Sùng, tự xưng là mục sư, người dân tộc Mông, quê quán ở huyện Phôn Xa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa DCND Lào, đang sinh sống ở bang California, Mỹ).

Còn đạo Bà Cô Dợ do đối tượng Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, là người Mông gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện sinh sống tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Mỹ lập ra. Tà đạo mang tên Bà Cô Dợ còn có tên gọi là "Nhóm đạo Đức chúa trời yêu thương chúng ta" do Vừ Thị Dợ làm hội trưởng từ cuối năm 2016.

Thực tế, những kẻ đứng sau tà đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ chỉ để kiếm tiền. Các đối tượng này nhận tiền của các tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài. Cả Sùng và Dợ đều phải tổ chức truyền bá tà đạo, lôi kéo kích động người dân bằng những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước Việt Nam thì chúng mới được cấp tiền. 

Khi được cấp tiền, chúng sẽ gửi một phần về Việt Nam để tài trợ cho các đối tượng nhằm làm các video clip phát tán lên mạng xã hội. Do vậy, các đối tượng này điên cuồng tuyên truyền rao giảng những thông tin xuyên tạc sai sự thật.

Tuyên truyền để người dân hiểu bản chất tà đạo

Để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của tà đạo, phương pháp tuyên truyền, vận đồng quần chúng luôn được coi trọng. Bởi lẽ, nếu làm không khéo, thì các đối tượng truyền bá tà đạo lại vu khống là Đảng, Nhà nước đàn áp tôn giáo. 

Ông Lò Văn Nghĩa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông, cho biết: "Trước những diễn biến phức tạp của tà đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ, lãnh đạo từ tỉnh và huyện đã có chỉ đạo sát sao về công tác phòng, chống. 

Đầu tiên là phải xác định được bản chất của các nhóm đối tượng tuyên truyền tà đạo này, từ cách thức, thủ đoạn để từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động trong nhân dân để người dân hiểu, tránh bị lôi kéo, tin theo".

Theo ông Sùng A Chu, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Điện Biên Đông, cách sử dụng tuyên truyền để phản bác truyền đạo trái phép ở Điện Biên Đông là tổ chức thành các tổ tuyên truyền, đến từng hộ theo đạo để vận động người dân hiểu bản chất của những kẻ truyền đạo; thông tin để người dân biết nội dung của tà đạo ấy chỉ là xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hội LHPN Điện Biên xác định “đạo lạ”, tà đạo ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan trong công tác đấu tranh phòng chống. Thực tế cho thấy, cán bộ Hội ở cấp cơ sở tham gia khá tích cực trong việc vận động phụ nữ, quần chúng không tin theo các đối tượng truyền đạo trái phép. Hội LHPN cấp cơ sở đã phát huy được nhiều lợi thế trong công tác phòng, chống tà đạo”.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên

Ở các địa phương xuất hiện truyền đạo trái phép, cấp ủy đã huy động toàn hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền phòng, chống tà đạo. 

Chị Vàng Thị Lầu, Chủ tịch Hội LHPN xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: "Tiếp cận đồng bào để làm công tác phòng, chống tà đạo này rất khó khăn nên chúng tôi phải tổ chức nắm bắt thời gian phù hợp, đến từng nhà vận động, tuyên truyền. Ban ngày, người dân đi làm thì mình phải đến vào buổi tối, tránh làm ảnh hưởng công việc của họ. 

Chúng tôi nhận thấy, nếu là người Mông thì sẽ dễ trao đổi, vận động hơn là người dân tộc khác. Vì vậy, trong nhóm đi tuyên truyền ở cơ sở bao giờ cũng phải có người Mông hoặc người biết tiếng Mông đi cùng".

Ngăn chặn sự lây lan của tà đạo

Cho đến nay, các đối tượng truyền bá tà đạo vẫn hoạt động mạnh trên các nền tảng mạng xã hội nhưng với công tác phối hợp chặt chẽ, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã trong, việc phòng, chống "đạo lạ", tà đạo ở Điện Biên đã phát huy hiệu quả. 

Số lượng người dân theo "đạo lạ", tà đạo không tăng thêm, một số hộ dân theo tà đạo đã tự nguyện từ bỏ. Có một điều ý nghĩa là, thông qua tuyên truyền vận động, khi những người dân hiểu ra, từ bỏ tà đạo, chính họ lại tích cực tham gia phối hợp với lực lượng chức năng trong tuyên truyền phòng chống truyền đạo trái phép.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn