Ưu tiên hỗ trợ mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi

21/07/2022 13:35
Ưu tiên hỗ trợ cho mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc miền núi. Ảnh minh họa

Ưu tiên hỗ trợ cho mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc miền núi. Ảnh minh họa

Các mô hình của phụ nữ dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/8/2022.

Theo đó, đối với dự án Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đối tượng áp dụng gồm:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Các trường đại học có đông sinh viên dân tộc thiểu số theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các xã đặc đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ưu tiên hỗ trợ cho mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ miền núi  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nguyên tắc triển khai hỗ trợ mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp

Việc triển khai thực hiện nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải đảm bảo theo các nguyên tắc: Mỗi xã đặc biệt khó khăn có tối thiểu 1 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ. Mô hình được hỗ trợ phải tạo việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn xã khu vực III.

Thông tư cũng chỉ rõ việc ưu tiên hỗ trợ cho các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình.

Mỗi mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khi được lựa chọn hỗ trợ sẽ được nhận hỗ trợ theo giai đoạn không quá 3 năm dưới các hình thức: hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình, hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối cá nhân/tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của Hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển bền vững và mở rộng, phát huy hiệu quả đầu tư của Chương trình.

Quy trình phê duyệt kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư được tiến hành như sau: UBND cấp xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các mô hình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp gửi Chủ trì khởi nghiệp cấp huyện tổng hợp; Chủ trì khởi nghiệp cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan rà soát, xác định danh mục và lập kế hoạch hỗ trợ các mô hình cấp xã trình UBND cấp huyện phê duyệt làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

Những chính sách ưu tiên, hỗ trợ này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đặc biệt là các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ vùng cao phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.